Nga-Mỹ trên "bàn cờ" Syria

Thứ sáu, 13/04/2018 13:30

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Nga nên chuẩn bị sẵn sàng vì Syria sắp phải hứng các tên lửa "mới, đẹp và thông minh". Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu chiến của Nga đang rời khỏi căn cứ Tartus của Syria, được triển khai ra vùng biển để đề phòng khả năng quốc gia Trung Đông này bị tên lửa tấn công.

Ảnh vệ tinh cho thấy, Nga di chuyển hàng loạt tàu hải quân khỏi cảng Tartus của Syria. Ảnh: ISI

Ông Trump nói: "Tên lửa đang đến"

Tổng thống Trump hôm 11-4 (giờ Mỹ) cảnh báo nghiêm khắc với Nga rằng, ông sẽ chỉ đạo một cuộc không kích tại Syria nhằm đối phó với vụ tấn công vũ khí hóa học (VKHH) tuần trước cũng như trừng phạt Điện Kremlin vì đã hỗ trợ Tổng thống Bashar Assad.

"Nga tuyên bố bắn hạ bất cứ tên lửa nào bắn vào Syria. Nga hãy sẵn sàng, bởi vì các tên lửa đang tới. Đó là những tên lửa mới, đẹp và thông minh!...", Tổng thống Trump viết trên Twitter. Bài đăng này dường như là sự đáp trả tuyên bố cùng ngày từ một nhà ngoại giao Nga rằng quân đội Nga sẽ bắn hạ các tên lửa Mỹ nếu Washington không kích Syria. Ông Trump viết thêm: "Mối quan hệ của Mỹ với Nga đang tệ hơn bao giờ hết, kể cả trong thời Chiến tranh Lạnh. Không có lý do gì cho chuyện này cả. Nga cần Mỹ để giúp nền kinh tế của họ, một điều Washington có thể làm một cách cực kỳ dễ dàng...Ngừng chạy đua vũ trang được không?".

Ngay sau tuyên bố gây sốc của Tổng thống Mỹ về ý định tấn công Syria, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, ông Trump không có ý định đặt ra kế hoạch hành động cho việc tấn công Syria, dù ông có nhấn mạnh trên Twitter về việc tên lửa của Mỹ đang tiến đến Syria. Bà Sanders cho hay, ông Trump có một số lựa chọn, không chỉ là quân sự, và tất cả lựa chọn vẫn ở trên bàn, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Mỹ đang đánh giá cách phản ứng.

Anh điều tàu ngầm tới gần Syria

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May ra lệnh cho các tàu ngầm của nước này di chuyển trong tầm bắn của tên lửa để sẵn sàng cho những cuộc tấn công nhằm vào quân đội Syria có thể bắt đầu sớm nhất vào đêm 12-4.

Telegraph cho hay, bà May vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc Anh có tham gia vào bất cứ cuộc tấn công chung nào với Mỹ và Pháp hay không, nhưng bà muốn có thể hành động nhanh chóng. Báo trên dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết, Anh đang làm "mọi thứ cần thiết" để có thể phóng những tên lửa hành trình Tomahawk từ các tàu ngầm nhằm vào những mục tiêu quân sự ở Syria.

Kênh truyền hình Sky News đưa tin Thủ tướng Anh ngày 12-4 đã yêu cầu các bộ trưởng trong nội các của bà phê chuẩn việc Anh tham gia vào hành động quân sự chống lại cơ sở hạ tầng VKHH ở Syria.

Nga điều tàu chiến đối phó

Đáp lại bình luận này của Tổng thống Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Tên lửa thông minh nên bay về phía những kẻ khủng bố, chứ không phải chính quyền Syria hợp pháp đã dành nhiều năm qua để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế trên lãnh thổ của họ". Bà Zakharova cũng cáo buộc, Mỹ đang tìm cách đánh lạc hướng cuộc điều tra của các chuyên gia về VKHH, những người dự kiến sẽ điều tra thực địa về cáo buộc tấn công VKHH ở Đông Ghouta đang gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ.

Hải quân Nga dường như cũng có động thái đáp trả trước lời cảnh báo của Tổng thống Trump. Reuters đưa tin, quân đội Nga đang theo sát lộ trình của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, cơ quan tình báo và cung cấp ảnh vệ tinh ISI ngày 11-4 công bố những bức ảnh cho thấy 11 tàu hải quân của Nga tại cảng Tartus của Syria đã rời đi và hiện chỉ còn một tàu ngầm hiện diện tại cảng này. Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết các tàu của Nga không còn neo đậu tại cảng Tartus. Hiện chưa rõ Nga sẽ di dời các tàu hải quân của nước này đi đâu sau khi rời cảng Tartus, nhưng trang mạng Israel Defense nhận định động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy sự chuẩn bị của Moscow trước khi Mỹ tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria.

Italia, Đức tuyên bố sẽ không tham chiến ở Syria

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 12-4 tuyên bố nước này sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào chính quyền Syria nhằm đáp trả một vụ tấn công khí độc vào khu vực do phe nổi dậy Syria kiểm soát, nhưng ủng hộ các nỗ lực của phương Tây để chứng minh rằng việc sử dụng VKHH là không thể chấp nhận.

Phía Đức cũng hy vọng được tham vấn trước khi bất kỳ các đồng minh phương Tây thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng của Tổng thống Assad, vì các đồng minh phải đoàn kết về vấn đề này. Trước đó, hãng thông tấn Ansa cũng dẫn nguồn tin trong chính phủ Italia khẳng định, nước này chưa và sẽ không bao giờ tham gia vào hoạt động quân sự ở Syria.

T.L

Tấn công hay không tấn công?

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo, tình hình Syria có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và kêu gọi các bên liên quan nỗ lực để tránh kịch bản này xảy ra. "Tôi cũng đã theo dõi chặt chẽ những tình hình ở HĐBA và lấy làm tiếc về việc cho đến nay HĐBA không thể đạt được thỏa thuận về vấn đề này", ông Guterres nêu rõ.

Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Valery Garbuzov cho rằng, Syria đang đứng bên bờ vực đụng độ quân sự. "Tình hình nguy hiểm tới mức, thậm chí còn nguy hiểm hơn thời kỳ xảy ra khủng hoảng tên lửa Cuba. Khi đó, tất cả mọi thứ đều được ngụy trang, còn hiện nay là những mối đe dọa trực tiếp và thậm chí không sợ sẽ đụng độ trực tiếp". Theo ông Garbuzov, khi không nhận thức được mối nguy hiểm thì "mọi thứ có thể xảy ra". Ông nhấn mạnh, tình hình đang leo thang căng thẳng với tốc độ rất nhanh và "không muốn tin sẽ xảy ra đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ". Nếu hai bên thực hiện những gì đã nói, Mỹ tấn công Syria, Nga sẽ bắn hạ các tên lửa của Mỹ thì Moscow và Washington đã đứng "bên bờ vực chiến tranh".

Tuy nhiên, Cựu điều phối viên Văn phòng đặc phái viên về hòa bình Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Frederic Hof cho rằng, quân đội nước này và Nga sẽ làm hết sức để không đụng độ với nhau tại Syria, sau khi hai bên đạt được hợp tác chuyên nghiệp ở mức độ nhất định. Điện Kremlin ngày 12-4 cũng cho biết, một kênh liên lạc Nga-Mỹ nhằm tránh đụng độ vô tình liên quan đến Syria đang được 2 bên sử dụng.

AN BÌNH