Nga-NATO căng thẳng vì Ukraine

Thứ tư, 03/09/2014 09:17

(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ vốn chưa bao giờ êm ả giữa Nga và NATO bên bờ vực đổ sập vì những tranh cãi quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nga ngày 2-9 tuyên bố áp dụng học thuyết quân sự tăng cường, đáp trả kế hoạch lập đội phản ứng nhanh của NATO, vốn được cho là nhằm phòng tránh trường hợp Moscow mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Đông Âu.

Ngày mai (4-9), NATO sẽ bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng tại xứ Wales, với chương trình nghị sự nổi bật là cách liên minh do Mỹ đứng đầu này phản ứng như thế nào trước những hành động của Nga đối với Ukraine. Tổng thư ký NATO Rasmussen cho biết, tại hội nghị, giới lãnh đạo sẽ được yêu cầu thông qua việc thành lập lực lượng sẵn sàng phản ứng nhanh, đồng thời dự trữ trang thiết bị quân sự tại Đông Âu để giúp bảo vệ các nước thành viên đối phó với “cuộc xâm lược tiềm tàng” của Nga.

Hiện trường vụ pháo kích tại làng Spartak, Donetsk. Ảnh: Reuters

ĐÒN CẢNH CÁO CỦA MOSCOW

Tuyên bố bất ngờ của Moscow chính là cảnh báo rõ ràng nhất gửi đến NATO trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh, trong đó Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko dự kiến sẽ nỗ lực hết mình để thuyết phục Tổng thống Mỹ Barack Obama trợ giúp quân sự. Và quan trọng, đây là câu trả lời rõ ràng, mạnh mẽ nhất của Moscow nhằm vào kế hoạch thiết lập đội phản ứng nhanh của NATO.

Reuters dẫn lời ông Rasmussen cho biết, lực lượng này sẽ bao gồm hàng ngàn binh sĩ, được đóng góp theo cơ chế luân phiên giữa 28 nước thành viên NATO. Được yểm trợ bằng không quân và hải quân, đơn vị này sẽ là lực lượng mũi nhọn có thể được triển khai trong thời gian rất ngắn nhằm giúp các nước thành viên NATO tự vệ trước bất cứ mối đe dọa nào, trong đó có mối đe dọa từ Moscow. Đội phản ứng nhanh này sẽ được các thành viên mới hỗ trợ thêm, nhất là Ba Lan - vốn là vệ tinh của Liên Xô cũ nhưng trong những năm qua liên tục chỉ trích Điện Kremlin.

Đáp trả, Phó Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga, Mikhail Popov cho biết, kế hoạch phòng thủ này là bằng chứng rõ ràng nhất về những mong muốn của các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO: tiếp tục chính sách gia tăng căng thẳng với Mosow. Ông Popov nói thêm, học thuyết quân sự năm 2010 của Moscow - vốn cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân tùy theo mối đe dọa an ninh quốc gia - sẽ làm sắc nét nỗ lực tập trung vào hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Châu Âu ở “ngay sát nách” Nga.

KHÔNG CÓ CHỖ CHO GIẢI PHÁP QUÂN SỰ

520.000

là số người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn do bùng phát giao tranh kể từ hồi tháng 3 đến nay, AFP ngày 2-9 dẫn báo cáo của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ngày 2-9 cho biết. Một nửa trong số này tị nạn trong nước và số còn lại sang tị nạn tại Nga. Tuy nhiên, UNHCR khẳng định, con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi không thể thống kê hết vì nhiều người không đăng ký với nhà chức trách.

T.L

Kiev và phương Tây cáo buộc Moscow đang phát động “cuộc chiến tranh quy mô lớn” để giúp đỡ phe nổi dậy Ukraine đảo ngược tình thế trên chiến trường ở miền đông”, song Nga hoàn toàn bác bỏ.

Cảm giác lo ngại thế bế tắc Chiến tranh Lạnh với những hậu quả không thể tưởng tượng đối với an ninh toàn cầu khiến Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 2-9 phải lên tiếng. Trong bối cảnh NATO chuẩn bị nâng cấp tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở Đông Âu, Tổng thư ký Ban cảnh báo các cường quốc phương Tây, cuộc khủng hoảng Ukraine không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự. “Tôi biết Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và phần lớn các nước phương Tây đang thảo luận rất nghiêm túc về cách thức giải quyết vấn đề này”,  ông nhấn mạnh khi trả lời báo giới trong chuyến thăm New Zealand. Theo nhà lãnh đạo của cơ quan quyền lực nhất thế giới, khủng hoảng Ukraine cần một giải pháp chính trị và hòa bình.

Vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga, Ukraine và đại diện EU tại thủ đô Minsk của Belarus đã không có kết quả. Các bên dự kiến sẽ gặp lại nhau vào ngày 5-9 tới, gieo hy vọng nhỏ nhoi về một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine.

Khả Anh