Ngả nghiêng bóng Huế

Thứ sáu, 30/06/2023 08:26
1. Lần này là lần thứ ba tôi đến với Huế, mảnh đất mà người dân nơi này gọi là “thần kinh”, nghĩa là “kinh đô của thần thánh” - theo cách lý giải phổ biến nhất mà tôi được biết.
Phụ nữ Huế thướt tha với tà áo dài.
Lung linh Hoàng Thành Huế về đêm.

Tôi đã từng đặt chân đến nhiều thành phố đẹp trên khắp đất nước mình, song mỗi lần về Huế, tôi lại thấy miền đất này có một sức hấp dẫn riêng biệt không trộn lẫn với bất kỳ thành phố nào khác. Tôi gặp Huế trong một chiều nắng tháng sáu. Huế nóng. Nhưng cái khắc nghiệt của thời tiết đó không hề che lấp đi sự yên bình, tĩnh lặng của xứ sở từng là kinh đô của đất nước, với di tích còn sót lại sau cuộc biến động dữ dội của lịch sử là hoàng thành đồ sộ nguy nga cùng vô vàn những lăng tẩm đền đài nép mình trong những cánh rừng thông tịch liêu bên đôi bờ sông Hương thơ mộng.

2. Bạn tôi - một người Huế “rặt” nhìn thật lâu vào mắt tôi, hỏi rằng: “Huế có chi mô, răng bạn yêu Huế nhiều như ri vậy hè?”. Tôi cười không đáp, bởi tôi biết rằng bạn đủ hiểu tôi yêu mảnh đất này vì lẽ gì mà đã đến ba lần và sẽ còn quay trở lại. Tôi yêu một thành phố nào đó không phải bởi nơi đó tấp nập, đông đúc hay hiện đại vượt bậc so với những thành phố khác; mà bởi vì thành phố đó cất giấu những “trầm tích” của bao tháng năm xa xưa, của một thời kỳ vàng son, oanh liệt của dân tộc. Và Huế là một thành phố như thế!

Nghi thức dâng trà cho dòng Hương Giang.

Nương theo những câu văn bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn xứ Huế - Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đi tìm những địa danh mang đậm hồn xứ Huế. Khoảnh khắc ngồi thuyền rồng đi trên dòng sông Hương, từ Bến Toà Khâm ngược hướng thượng nguồn, đến đoạn sông Hương phân rã thành hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch, tôi cứ nhớ như in trong đầu mình những dòng mỹ văn mà tôi được học thuở ấu thời: “Sông Hương trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách…”, “Sông Hương như người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”. Văn chương có tiếng nói, có sức hấp dẫn riêng. Văn chương đã thúc giục đôi chân tôi bước đi trên khắp mọi miền Tổ quốc để khám phá những địa danh đã từng được nhắc đến trong các tác phẩm, xa hơn là trong lịch sử, văn hoá. Để xem, sau cuộc tác động bạo liệt của con người và tự nhiên cùng tiến trình đô thị hoá khủng khiếp, những địa danh ấy còn lại điều gì hay vĩnh viễn bị xoá nhoà trên bản đồ mà chỉ những người yêu, thao thiết với văn chương, với tự nhiên mới vạch ra đời.

Thật bất ngờ khi con sông Hương của đất Huế vẫn giữ nguyên dạng như năm 1981 Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng lang bạt ngắm nhìn. Tôi nhớ lần đầu đến Huế, gặp dòng Hương, tôi đã ồ lên rằng: “Điệu slow tình cảm, dòng chảy thực chậm, lặng lờ mà tôi từng biết đến đây rồi! Những linh hồn mô tê trong đêm sương lập loè trên sông đây rồi! Huế trầm mặc như triết lý, cổ thi đây rồi! Không còn chối cãi vào đâu được nữa”. Thay vì từ thượng nguồn xuôi dần về Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi lại ngược dòng từ trung tâm thành phố, nơi có cầu Trường Tiền “sáu vài mười hai nhịp” vắt ngang qua mềm mại như tấm lụa, chầm chậm đi lên phía trên của dòng sông. Qua khỏi cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân, cầu Dã Viên, trước mắt tôi là vùng Kim Long xanh ngút ngát màu cỏ cây, cau, trúc… Ngọn đồi có chùa Thiên Mụ toạ lạc và trấn yểm long mạch mùa hè đỏ rực màu phượng vỹ, thắp lửa cho miền ngoại ô Huế vốn được tô bằng một thảm xanh. Từ đây, sông Hương liên tục uốn lượn dịu dàng, sắc nước trong xanh. Con sông trôi ngang qua chân đồi Vọng Cảnh, nơi mà lần đến Huế năm ngoái tôi có đến thăm làng hương Thủy Xuân đã kịp ghé ngang qua ngọn đồi, nghe sông Hương thì thầm gì đó với núi rừng, rì rào, thổn thức. Điện Hòn Chén phía bên phải quanh năm phủ rợp màu xanh, che giữ tín ngưỡng Thờ Mẫu, nghi thức hầu đồng, những điệu múa điệu hát những đêm rằm xứ Huế lung linh. Dòng sông trầm mặc, uy nghiêm hơn khi đi ngang qua lăng vua Minh Mạng trên ngọn đồi Cẩm Khê, có Bửu Thành là nơi an nghỉ của nhà vua đến nay vẫn được phong kín, “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa”.

Đối với tôi, sông Hương đẹp không phải vì nó thơ mộng, trữ tình, không vì diện mạo con sông chẳng khác nào người thiếu nữ nằm nghiêng nghiêng xoã mái tóc dài về cửa biển Thuận An. Sông Hương đẹp và sâu sắc, trầm mặc cổ kính và trang nhã, nghiêm nghị vì hai bên dòng sông là bao nhiêu lăng tẩm đền đài - chứng tích của lịch sử, âm vọng của những thế kỷ trước; là những làng nghề truyền thống; là những nếp nhà rêu phong; là những con người vẫn mang trong mình chất Huế rất xưa và phẩm cách ấy ít bị đổi thay hoặc tiêu biến theo thời cuộc. Sông Hương nói riêng, xứ Huế nói chung mang đậm tính lịch sử, văn hoá, tính thẩm mỹ, vừa đài cát kiêu sa mà nguồn cội của nó chính là đời sống quý tộc chốn cung đình, vừa bén rễ với cuộc sống hằng ngày, với tính cách, tâm hồn và thân phận của nhân dân sống trên đất cố đô.

Phụ nữ Huế thướt tha với tà áo dài.

3. Chiều tháng sáu, trước khi rời Huế, trời bất chợt đổ mưa. “Hạt mưa vẫn rơi rơi đều/ Cho lòng u hoài”, đủ để rửa trôi những bụi bặm thường nhật, để Huế buồn vương, để khi cơn mưa vừa tạnh, lang thang một mình bên bờ sông Hương, trên cầu Trường Tiền, tôi cũng buồn vì sắp phải xa rời xứ Huế. Tôi thì thầm nói một lời tạm biệt với đất Huế và người Huế, lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ của Thu Bồn thuở nào: “Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/ Anh trở về hoá đá phía bên kia”. Chẳng biết nói gì thêm ngoài những lời hoa mỹ nhưng chân tình ấy, ngoài lời hẹn hò sẽ trở lại đất cố đô, khi ấy hoa xoan sẽ nở trắng xóa đôi bờ.

Ngoảnh lại sông Hương, vẳng một điệu hò mái đẩy xa xôi. “Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”…

Hoàng Khánh Duy