Nga “nhắm” trừng phạt bổ sung phương Tây

Thứ tư, 20/08/2014 07:57

(Cadn.com.vn) - Các biện pháp trừng phạt bổ sung của Nga nhằm vào phương Tây có thể gồm cả lệnh cấm nhập khẩu ô-tô.

Moscow ngày 19-8 tuyên bố tiếp tục chuẩn bị thắt chặt các biện pháp trả đũa bổ sung, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu xe ô-tô, phòng trường hợp các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov trả lời trên báo Vedomosti khẳng định: “Nhiều lựa chọn đang được đưa ra... bởi các đối tác tiếp tục có những hành động không mang tính xây dựng, thậm chí còn phá hoại”. Theo phát ngôn viên này, quy mô các biện pháp trừng phạt bổ sung của Điện Kremlin sẽ phụ thuộc vào các hình thức mà phương Tây có thể thông qua trong tương lai.

Sau lệnh cấm nhập khẩu nông sản nhằm vào phương Tây, Nga đang tính đến chuyện
cấm nhập khẩu ô-tô.  Ảnh: Reuters

Cấm nhập khẩu ô-tô?

Rõ ràng, trong tuyên bố cảnh báo lần này của Nga, người ta đặc biệt chú ý lệnh cấm nhập khẩu ô-tô.

“Chúng tôi đang thật sự lo ngại và hy vọng chính phủ Nga sẽ suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra bất cứ biện pháp cấm vận nào làm tổn thương các nhà sản xuất”, ông Joerg Schreiber, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô thuộc Ủy ban Các doanh nghiệp Châu Âu, nói với Reuters. Giới phân tích cho rằng, tác động từ các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nhà sản xuất ô-tô nước ngoài sẽ “mềm hơn” vì họ có nhà máy bên trong nước Nga. Tuy nhiên, một số thương hiệu cao cấp như Mercedes-Benz của Daimler AG sẽ bị tổn thương khi họ phải nhập phụ tùng ô-tô.

Theo Vedomosti, lệnh cấm nhập khẩu ô-tô như thế này đã được đề xuất trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin trả đũa phương Tây bằng lệnh cấm nhập toàn bộ nông sản của Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy nhiên, ông Putin lúc đó bác bỏ ý tưởng này. Mặc dù vậy, tờ báo này cũng trích dẫn một nguồn khác nói rằng, Điện Kremlin vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho một lệnh trừng phạt mới. Bộ công nghiệp Nga cũng không có bình luận gì về thông tin này.

Cty Châu Á được lợi

Các nhà sản xuất ô-tô nước ngoài đầu tư 5 tỷ USD mở các Cty sản xuất ở Nga từ giữa những năm 2000. Điện Kremlin khuyến khích xu hướng này bằng cách tăng thuế nhập khẩu xe và giảm thuế đối với các thiết bị phụ tùng.

Cty Ford Motor của Mỹ, Volkswagen AG của Đức, Renault SA của Pháp, Toyota của Nhật Bản hay Hyundai của Hàn Quốc là một trong những tập đoàn nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Nga. Tập đoàn Daimler AG thậm chí liên doanh với Cty Kamaz OAO của Nga để lắp ráp xe hạng sang Mercedes-Benz. Cửa hàng của Cty là nơi được giới giàu có của Nga ưa chuộng. Theo Ủy ban các nhà sản xuất ô-tô (AEB), doanh số bán hàng của Mercedes-Benz ở Nga đạt 44.376 vào năm 2013, tăng 19% so với năm 2012. Các thương hiệu sang trọng lớn khác ở Nga là BMW, sản xuất hơn 20.000 xe vào năm ngoái. 44.871 chiếc BMW và Mini cũng được bán sạch ở Nga vào năm 2013.

BMW, Daimler, từ chối bình luận về thông tin của tờ Vedomosti. Volkswagen, Cty nhập khẩu xe vào Nga cũng như tạo ra thương hiệu VW và Skoda, chỉ tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Một lệnh cấm nhập khẩu xe của Nga khiến các nhà sản xuất Châu Á, như Great Wall Motor của Trung Quốc; Chery Automobile; và SsangYong Motor của Hàn Quốc hưởng lợi giống như việc các nước Châu Mỹ La-tinh được lợi từ lệnh cấm nông sản của Moscow.

Thực tế cho thấy, lệnh cấm nhập nông sản của Nga đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt hàng xuất khẩu các nước EU. Khó khăn chồng chất khi lệnh cấm của Nga trùng hợp với mùa thu hoạch, dẫn đến dư thừa nguồn cung đè nặng lên giá và gây thiệt hại cho người sản xuất. Ủy ban Châu Âu (EC) hôm 19-8 cam kết chi 125 triệu EUR hỗ trợ các nhà sản xuất trái cây và rau quả trúng lệnh cấm của Moscow.                      

Khả Anh

Không có giao tranh biên giới Nga-Ukraine

Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) ngày 19-8 khẳng định, không có bất kỳ xung đột nào trên biên giới Nga-Ukraine. RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên của OSCE Paul Picard xác nhận: “Chúng tôi không thấy bất kỳ vũ khí nào qua biên giới”.