Nga - Nhật “khai tư ” tranh chấp

Thứ ba, 20/08/2013 10:29

(Cadn.com.vn) - Đây không phải là lần đầu tiên Nga-Nhật tiến gần một giải pháp đối với quần đảo tranh chấp, nhưng không khí ấm nóng hiện nay có thể khuyến khích hai bên tiến đến một thỏa thuận.

Khi vẫn còn sa lầy trong  tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản đang được mở rộng cánh cửa chấm dứt tranh chấp với Nga tại vùng lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril). Ngày 19-8, Nga - Nhật chính thức bắt đầu cuộc đàm phán cấp thứ trưởng về giải quyết tranh chấp này, vốn là nguyên nhân ngăn cản cả hai ký kết một hiệp ước hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng thù địch kể từ Thế chiến II.

Nỗ lực của ông Abe

Cuộc họp diễn ra sau cam kết của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong chuyến thăm lịch sử đến Nga hồi tháng 2, là sẽ nỗ lực hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm tìm kiếm giải pháp cả hai bên có thể chấp nhận.

Trong thập kỷ qua, quan hệ Nga - Nhật héo mòn dần, nhất là sau khi cựu Tổng thống Dmitri Medvedev trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nga hoặc Liên Xô cũ bước chân lên đảo tranh chấp. Thủ tướng Nhật Bản lúc đó Naoto Kan gọi đây là hành động “gây phẫn nộ không thể tha thứ”. Một sự hòa dịu Nga-Nhật cũng khó thực hiện vì “cái ôm” gần đây của Moscow dành cho Bắc Kinh - mặc dù bản chất là không rõ ràng và chỉ có hiệu lực trong ngắn hạn.

Nhưng giờ đây đã có sự khác biệt. Đó chính là quyết tâm của Tokyo để có được một thỏa thuận và bình thường hóa quan hệ với Điện Kremlin. Chuyến đi của ông Abe đến Nga đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nhật đến thăm chính thức Nga kể từ khi sau khi cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi và ông Putin gặp nhau 3 ngày trong năm 2003. Trên thực tế, nỗ lực đạt thỏa hiệp với Tổng thống Putin của ông Abe được bắt đầu từ những ngày đầu tiên sau khi đắc cử vào năm 2012.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Abe đang muốn tiến đến
mối quan hệ cùng có lợi. Ảnh: RIAN

Thiện chí được hiện thực hóa bằng việc gửi đặc phái viên, cựu Thủ tướng Yoshiro Mori - người duy trì mối quan hệ cá nhân gần gũi với Thủ tướng Putin - đến Moscow hồi tháng 2.

Vấn đề năng lượng và kiềm chế Trung Quốc

Các nhà phê bình lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên cả hai tiến gần đến một giải pháp. Nhưng thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ, không chỉ ở Tokyo và Moscow, mà còn ở Đông Bắc Á với các mối quan hệ song phương không chắc chắn. Chính phủ của ông Putin nỗ lực tạo trục riêng của mình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong khi ông Abe đang có những bước đi ngoại giao tạo ra thách thức mạnh mẽ đối với Trung Quốc khi cả hai đang tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Ông Abe có động lực để hòa giải với Moscow khi cả hai đang nhắm mục tiêu kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Ngoài ra, Nhật và Nga đều cảm thấy buộc phải “hòa mình” vì năng lượng. Cả hai vẫn đang đấu tranh để thực hiện những kỳ vọng cao của Kế hoạch hành động Nhật-Nga năm 2003, trong đó kêu gọi phát triển năng lượng chung trên đảo Sakhalin của Nga. Tam giác chiến lược Nhật-Nga-Trung cũng là yếu tố quan trọng liên quan đến an ninh năng lượng. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều là nhà nhập khẩu năng lượng ròng, trong khi Moscow là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Nhu cầu năng lượng của Tokyo càng trở nên cấp thiết sau trận động đất-sóng thần tàn phá vào tháng 3-2011 khiến người dân mất lòng tin vào điện hạt nhân. Tất cả các điều kiện dường như là đòn bẩy để Nga nỗ lực hơn trong các cuộc đàm phán năng lượng với Nhật và ngược lại.

Trên thực tế, lý do cấp bách đặt Nga vào các mối quan hệ vững chắc với Nhật chủ yếu có thể là do chính trị năng lượng. Moscow đặc biệt quan tâm đến cuộc cách mạng “khí đá phiến” ở Bắc Mỹ cũng như tiềm năng chưa được khai thác đá phiến sét ở Trung Quốc. Cả hai có nguy cơ sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu năng lượng của Moscow. Nhưng cộng sinh năng lượng không phải là liên kết duy nhất giữa Nhật và Nga. Cả hai từng hợp tác trên một số lĩnh vực an ninh quốc tế, bao gồm cả việc Tokyo hỗ trợ Moscow giải giáp tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô cũ ở vùng Viễn Đông....

Có thể thấy rằng, trên thế giới, hiếm có mối quan hệ song phương nào lại phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề tranh chấp một vùng lãnh thổ biển như Moscow- Tokyo. Vì thế, người ta đặt nhiều hy vọng vào cuộc hội đàm lần này giữa hai bên.

Khả Anh