Nga - phương Tây tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi

Thứ bảy, 04/03/2023 15:50
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Nga nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi. Động thái này khiến phương Tây lo ngại đáng kể và phải tìm cách đối phó.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor tại cuộc gặp ở Pretoria vào tháng 1-2023. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor tại cuộc gặp ở Pretoria vào tháng 1-2023. Ảnh: AP

Ưu thế nghiêng về Moscow

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong một bài phát biểu tại Moscow hôm 10-2 cho biết: "Hôm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng kế hoạch của phương Tây nhằm cô lập Nga, bằng cách bao vây chúng ta, đã thất bại". Lời phát biểu mạnh mẽ này được người đứng đầu ngành ngoại giao Nga tuyên bố ngay khi ông trở về sau chuyến thăm châu Phi lần thứ hai trong năm nay, nó cho thấy sự tự tin của nước Nga với những mối quan hệ tốt đẹp mà họ đã xây dựng được với các đối tác châu Phi của mình.

Trong đợt công du đầu tiên hồi tháng 1, ông Lavrov đã đến thăm Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea. Trong đợt hai vào tháng 2, Ngoại trưởng Nga đã dừng chân ở Mali, Iraq, Sudan và Mauritania để tăng cường hỗ trợ cho Nga ở châu Phi.

Nga từ lâu đã sử dụng "ngoại giao lịch sử" ở châu Phi, nhưng sau cuộc xung đột ở Ukraine, những chiến thuật này đã thực sự bắt đầu phát huy tác dụng. Nga sở hữu một lợi thế lịch sử, khi Liên Xô đã giúp đỡ rất nhiều quốc gia châu Phi ngày nay giành độc lập, trong những cuộc đấu tranh hồi thế kỷ trước. Nga cũng là nhà cung cấp lượng lớn vũ khí cho các quốc gia châu Phi, nơi nổi tiếng vì bất ổn, để trở thành đối tác an ninh của nhiều chính phủ. Mối quan hệ đó được củng cố trong giai đoạn gần đây, khi Nga hỗ trợ cho nhiều nước châu Phi lương thực, phân bón và nhiên liệu trong bối cảnh khủng hoảng nghiêm trọng. Những thỏa thuận mới về thương mại, nông nghiệp liên tục được ký kết giữa Nga với các nước.

Mới đây, trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết, để mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Nga tại châu Phi, Bộ Ngoại giao nước này đang tiến hành các công việc cần thiết để mở các đại sứ quán mới của Nga tại một số quốc gia châu Phi.

Những động thái này giúp Nga ngày càng nhận được sự ủng hộ của các nước châu Phi. Vào tháng 9-2022, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh ly khai ở miền Đông Ukraine theo đề nghị của Mỹ thì có 19 đại diện của châu Phi bỏ phiếu trắng (nhiều hơn 2 phiếu so với cuộc bỏ phiếu trước đó 6 tháng). Nam Phi, quốc gia giàu mạnh nhất của châu lục, cũng mới xác nhận sẽ tham gia một cuộc tập trận hải quân chung với Nga trong thời gian tới. Điều đó cho thấy, uy tín của Nga ở châu Phi đang gia tăng.

Trong khi châu Âu hạn chế nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga vì tình hình chiến sự Ukraine, một loạt quốc gia Bắc Phi đang tăng cường mua hàng từ Moscow. Cụ thể, Morocco trong tháng 1-2023 đã nhập 2 triệu thùng diesel từ Nga, gấp hơn 3 lần con số 600.000 thùng của năm 2021. Dự kiến, khối lượng nhiên liệu diesel mà Morocco mua của Nga trong tháng 2 này lên đến hơn 1,2 triệu thùng. Trong tháng 1-2023, Tunisia nhập 2,8 triệu thùng sản phẩm các loại từ dầu mỏ của Nga và dự kiến nhập khoảng 3,1 triệu thùng trong tháng 2-2023. Tương tự, các nước Algeria và Ai Cập cũng đang tăng cường mua các sản phẩm dầu mỏ Nga. Nga được cho là đang thay thế các nhà cung cấp truyền thống của các quốc gia này ở Trung Đông và Bắc Mỹ.

Uy tín chính trị, hiển nhiên,giúp cho hoạt động giao thương của hai bên phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi trong vài năm qua, từ 20 tỷ USD năm 2018 lên mức 39 tỷ USD vào năm 2021. Các nhà xuất khẩu Nga đang tìm kiếm thêm cơ hội mở rộng thị trường sang châu Phi, trong bối cảnh làm ăn với phương Tây bị hạn chế. Mới nhất, Nga đã giành được quyền tiếp cận 2 cảng biển quan trọng của Angola và Eritrea để có thể thuận tiện hơn trong "chuyện làm ăn" với khu vực này.

Phương Tây cũng muốn gia tăng ảnh hưởng

Sự gia tăng ảnh hưởng của Moscow ở châu Phi tiếp tục khiến các nhà quan sát ở phương Tây lo ngại.

Mỹ, với vị thế là cường quốc đứng đầu thế giới, đang dẫn đầu phương Tây cố gắng cô lập Nga, đã có những phản ứng mạnh mẽ nhất. Tháng 7 năm ngoái, ngay sau chuyến thăm của ông Sergei Lavrov một loạt các nước châu Phi, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng đã tiến hành chuyến đi ngắn tới Nam Phi, Congo và Rwanda vào đầu tháng 8. Một hội nghị thượng đỉnh Mỹ- châu Phi được gấp rút tổ chức vào tháng 12-2022, để người đứng đầu chính quyền Mỹ đưa ra những lời hứa hẹn đầy ấn tượng, trong đó có cả việc ủng hộ một suất thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ cho châu Phi.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng thực hiện chuyến thăm 10 ngày tới châu Phi vào tháng 1-2023, gần như trùng khớp với chuyến thăm của ông Lavrov. Tổng thống Biden cũng lên kế hoạch cho chuyến thăm tới khu vực phía Nam Sahara trong năm nay. Nếu được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến khu vực này kể từ năm 2015. Tổng thống Biden đã cam kết đầu tư ít nhất 55 tỷ USD vào châu Phi trong ba năm tới và muốn tăng cường thương mại song phương với châu Phi thông qua thuế quan và thương mại tự do.

Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại truyền thống của châu Phi - với kim ngạch năm 2020 lên tới gần 180 tỷ EUR - cũng đang nỗ lực giữ chỗ đứng của mình. Tại cuộc họp giữa Ủy ban châu Âu và Liên minh châu Phi vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã đồng ý rằng EU sẽ bắt đầu phân bổ vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng từ chương trình "Cửa ngõ toàn cầu" và cung cấp hỗ trợ cho Cơ quan Dược phẩm châu Phi (EMA), cùng với việc thành lập nền tảng "đối thoại cấp cao về hội nhập kinh tế nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư bền vững". Kế hoạch "Cửa ngõ toàn cầu" của EU sẽ bắt đầu chi 750 triệu EUR tài trợ cơ sở hạ tầng cho các quốc gia châu Phi trong năm tới.

AN BÌNH