Nga sẽ hứng chịu thêm lệnh cấm vận?
(Cadn.com.vn) - Liên minh Châu Âu (EU) đang chuẩn bị tăng thêm các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow ủng hộ phe nổi dậy ở miền đông Ukraine, lực lượng mà phương Tây cáo buộc bắn rơi MH17 khiến toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng.
Cho đến nay, phương Tây vẫn chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt "cấp độ 3", mà có thể nhắm mục tiêu toàn bộ các lĩnh vực nền kinh tế Nga. Kết quả là, các Cty trong lĩnh vực năng lượng quan trọng của Nga vẫn có thể giao dịch với các đối tác phương Tây, dù khó có thể có được các khoản vay từ phương Tây.
EU đang có kế hoạch mở rộng danh sách trừng phạt các quan chức Nga, các doanh nhân và các tổ chức bằng cách đóng băng tài sản và cấm đi lại. EU cũng đang xem xét áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Nga. Danh sách này sẽ được công bố vào cuối tháng 7.
Điều đó có nghĩa EU có thể sẽ tập trung vào những cá nhân thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, cũng như một số Cty lớn. Trước đó, EU cũng tập trung vào các cá nhân và một số ít các đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc Crimea sáp nhập vào Nga và cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine. Phó chánh văn phòng Điện Kremlin Vyacheslav Volodin - quan chức cấp cao nhất của Nga trở thành mục tiêu của EU và Mỹ cho đến nay.
Mỹ đã làm được gì?
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến một số doanh nhân giàu nhất nước Nga có quan hệ thân cận với Tổng thống Putin. Trong số đó có Gennady Timchenko, người sáng lập Cty kinh doanh hàng hóa Gunvor. Ông Timchenko sở hữu Tập đoàn Volga, Cty đầu tư có cổ phần trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và cơ sở hạ tầng, bao gồm Novatek, Cty sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga.
Igor Sechin cũng là tên tuổi lớn trong danh sách của Mỹ. Ông là cựu sĩ quan tình báo và đồng minh lâu dài của ông Putin, có ảnh hưởng đến các chính sách của Điện Kremlin. Ông Sechin là chủ tịch của tập đoàn dầu khí nhà nước khổng lồ Rosneft, trong đó có quan hệ đối tác năng lượng với Exxon Mobil của Mỹ và BP của Anh. Tuần trước, Mỹ mở rộng danh sách, bao gồm nhiều doanh nghiệp Nga - Rosneft và Novatek - cũng như Ngân hàng Gazprombank, một phần của tập đoàn nhà nước Gazprom.
Gazprombank - ngân hàng lớn thứ ba của Nga - nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ. Ảnh: BBC. |
Nền kinh tế Nga có thực sự bị tổn thương?
Các biện pháp trừng phạt gửi tín hiệu mạnh mẽ đến ông Putin và các đồng minh kinh doanh và chính trị. Các ngân hàng và các Cty năng lượng được liệt kê vào danh sách sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ.
Lệnh cấm đi lại của phương Tây có thể làm tổn thương các đồng minh giàu có của ông Putin nhiều hơn là bị đóng băng tài sản. London là nỗi ám ảnh đối với các tầng lớp kinh doanh của Nga bởi nhiều người mua bất động sản đắt tiền ở Anh.
EU có quan hệ kinh doanh với Nga nhiều hơn Mỹ, vì vậy các biện pháp trừng phạt của EU ít tác động đến tổng thể. Nhưng các nhà quan sát cho rằng, các biện pháp trừng phạt có khả năng khiến nền kinh tế Nga, vốn suy giảm mạnh trong năm nay, thêm ảm đạm.
Sau nhiều năm nền kinh tế phát triển nhờ nguồn thu từ dầu mỏ, Moscow hiện đang phải đối mặt với giảm vốn đầu tư trực tiếp. Trong năm nay, 75 tỷ USD rời khỏi nước Nga - tỷ lệ cao hơn nhiều so với năm ngoái.
EU có gánh chịu hậu quả?
Một số nước EU cũng sẽ chịu tác động lớn. Nga trở thành một thị trường tiêu thụ hàng tiêu dùng lớn của tổ chức này trong thập kỷ qua.
Berlin rất miễn cưỡng trong việc áp dụng lệnh trừng phạt đối với Moscow, bởi xuất khẩu của Đức sang Nga đạt 38 tỷ EUR trong năm 2013 - mức cao nhất trong EU. Quan trọng hơn, Đức nhập hơn 30% lượng dầu và khí đốt từ Nga.
Hà Lan cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng của Nga và một số nước láng giềng của khối Liên Xô cũ cũng nhập khẩu 100% nguồn khí đốt từ Nga. Thương mại Nga-EU trị giá gần 270 tỷ EUR trong năm 2012.
An Bình
(Theo BBC)