Nga - Trung và “cuộc đua vaccine” tại Châu Phi
Nga và Trung Quốc đang chạy đua để thu hẹp khoảng cách về tiêm vaccine COVID-19 ở Châu Phi, với hy vọng củng cố ảnh hưởng ở “lục địa già”, nơi mà nhiều quốc gia vẫn chưa triển khai chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên cho đến nay, khối lượng vaccine mà Nga và Trung Quốc trao tặng vẫn chưa nhiều và các hợp đồng thương mại còn khá đắt đỏ.
Nhân viên y tế cầm một lọ vaccine COVID-19 Sputnik V khi Algeria khởi động chiến dịch tiêm chủng ở Blida, Algeria hồi cuối tháng 1. Ảnh: Reuters |
Thúc đẩy “quyền lực mềm”
Khi các quốc gia giàu có đang tăng cường các chiến dịch tiêm chủng, Châu Phi, vốn không có nguồn lực để đặt mua trước vaccine Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Johnson&Johnson, đang bị bỏ lại phía sau.
Với việc các quốc gia phương Tây đang đối mặt với những lời chỉ trích vì tích trữ nguồn cung, việc Nga, Trung Quốc giúp đỡ Châu Phi để có vaccine sẽ giúp 2 nước này gia tăng cái gọi là “quyền lực mềm” ở khu vực. Moscow đã đề nghị cung cấp 300 triệu liều vaccine với nguồn tài chính cho một chương trình thu mua của Liên minh Châu Phi (AU). Reuters dẫn dữ liệu của Bridge Consulting, một Cty tư vấn ngành y tế có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc đã cam kết tài trợ gần 1/4 tổng số vaccine của mình cho Châu Phi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters: “Đây là một biểu hiện sinh động của tình hữu nghị Trung – Phi”. “Châu Phi là một trong những thị trường quan trọng của vaccine Sputnik V”, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), quỹ đầu tư có chủ quyền tiếp thị vaccine Sputnik V ra nước ngoài nhấn mạnh.
Tổng thống Pháp Macron cho rằng, Châu Âu và Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất tầm ảnh hưởng ở Châu Phi do vấn đề vaccine. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Châu Phi John Nkengasong cảnh báo về “ngoại giao vaccine”, lưu ý rằng, các cường quốc không nên lợi dụng vấn đề phân bổ vaccine để gây ảnh hưởng chính trị. “Châu Phi sẽ từ chối trở thành sân chơi nơi họ sử dụng vaccine như một công cụ để quản lý các mối quan hệ”, ông nói trong một hội thảo trực tuyến của tổ chức tư vấn của Hội đồng Đại Tây Dương. Châu Phi đã nhận được khoảng 3,15 triệu liều vaccine từ Trung Quốc - chiếm chưa đến 4% lượng vaccine xuất khẩu của nước này - dữ liệu của Bridge Consulting cho thấy. “Số lượng vaccine mà Trung Quốc đang tài trợ sẽ không thể xoay chuyển kim tiêm ở bất kỳ quốc gia nào trong số này”, Eric Olander, người đồng sáng lập Dự án Trung Quốc-Châu Phi cho biết.
Nga đã vận chuyển tổng cộng khoảng 100.000 liều vaccine đến Algeria, Tunisia và Guinea. Trong khi đó, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX đã cung cấp gần 15 triệu mũi tiêm cho 22 quốc gia Châu Phi trong 10 ngày đầu tiên. GAVI - cơ sở do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quản lý, và các tổ chức khác đặt mục tiêu vận chuyển 35 triệu liều đến Châu Phi vào cuối tháng này và 720 triệu vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số như vậy cũng vẫn chỉ đủ cung cấp cho những người có nguy cơ cao nhất.
Vì sao Châu Phi đang bị tụt lại?
Về mặt chủ quan, các vaccine phòng COVID-19 của Nga và Trung Quốc đều chưa chính thức được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp khiến không ít quốc gia Châu Phi dè dặt cân nhắc đặt mua.
Theo Giám đốc Trung tâm Vaccine và Miễn dịch Đông Phi Ombeva Malande, Senegal và Kenya đang cân nhắc mua vaccine của Trung Quốc nhưng vẫn đặt trọng tâm vào những loại vaccine được phân phối theo cơ chế COVAX. Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm vaccine của Kenya xác nhận rằng họ không đàm phán để mua vaccine của Trung Quốc và các kế hoạch của Bộ Y tế không bao gồm vaccine của Nga. Uganda cũng sẽ chỉ xem xét sử dụng những vaccine được WHO cấp phép. Bên cạnh đó, trong khi cơ chế COVAX ưu tiên cung cấp vaccine miễn phí cho các nước Châu Phi thì một số nước tại châu lục muốn đặt mua vaccine sớm phải chấp nhận mức giá khá cao. Cụ thể, Senegal phải trả 20 USD cho 1 liều vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) trong hợp đồng đặt mua 200.000 liều vaccine từ nhà cung cấp Trung Quốc. Vaccine Sputnik V của Nga cũng có giá bán thương mại là 10 USD/liều.
Hiện Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan tham gia phát triển vaccine Sputnik V, đang đàm phán để tham gia cơ chế COVAX, hứa hẹn giá vaccine sẽ tiếp tục giảm. Theo chuyên gia W. Gyude Moore, từ Trung tâm phát triển toàn cầu, có trụ sở tại Washington, chỉ riêng những nỗ lực của COVAX sẽ không đủ để đảm bảo các chương trình tiêm chủng mở rộng có thể thực hiện tại tất cả các nước châu Phi. Các quốc gia trong châu lục cũng sẽ phải cùng tham gia nhưng vấn đề giá đặt mua vaccine lại là một trở ngại lớn. Ngay cả khi có thể đặt mua thì các nước Châu Phi cũng chưa chắc sẽ nhận được vaccine từ Nga và Trung Quốc trong thời gian sớm.
Và vấn đề quan trọng nữa là cả Trung Quốc và Nga đều sẽ phải tăng tốc sản xuất vaccine nếu muốn xuất khẩu ra nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu vaccine trong nước tại 2 quốc gia này có dân số cao hàng đầu thế giới được cho là sẽ rất lớn.
KHẢ ANH