Nga - Ukraine cáo buộc nhau tấn công nhà máy điện hạt nhân

Thứ ba, 09/08/2022 13:07
Moscow và Kiev cáo buộc lẫn nhau gây ra các vụ tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở thành phố Zaporizhzhia, đông nam Ukraine.
Lính Nga gác ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Lính Nga gác ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Đổ lỗi cho nhau

Chính quyền thân Nga ở thành phố Energodar, tỉnh Zaporizhzhia hôm 7-8 cáo buộc Ukraine đã tập kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Moscow đang kiểm soát. "Quân đội Ukraine đã tập kích bằng rocket 220 mm từ pháo phản lực Uragan. Khu vực bị hư hại gồm một cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, cùng một trạm giám sát tình hình bức xạ", cơ quan báo chí của chính quyền thân Nga ở Energodar cho biết.

Cùng ngày, Ukraine cáo buộc Nga pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia một lần nữa, làm hỏng 3 thiết bị cảm biến phóng xạ và khiến một công nhân bị thương. Energoatom, công ty năng lượng Ukraine, nói rằng các vụ tấn công đã gây rủi ro với quy trình vận hành của nhà máy.

Trong bài phát biểu đăng tải trên mạng xã hội Twitter đêm 7-8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi quốc tế trừng phạt ngành điện hạt nhân của Nga vì cái mà ông gọi là "khủng bố hạt nhân" của Moscow. Ông Zelensky nói rằng ông đã nói chuyện với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố "khủng bố hạt nhân của Nga đòi hỏi phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế". Tổng thống Zelensky bày tỏ mong muốn phương Tây áp đặt "các lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân Nga".

Nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân

Trong khi đó, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 6-8 bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cho rằng hành động này cho thấy nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân thực sự. Ông Grossi kêu gọi tất cả các bên xung đột "kiềm chế tối đa" hành động ở xung quanh cơ sở này.

Ngày 8-8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ hy vọng các cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine sẽ chấm dứt và IAEA được tiếp cận cơ sở này. Ông Guterres nhấn mạnh Liên hợp quốc "hoàn toàn ủng hộ IAEA trong nỗ lực tạo điều kiện để ổn định tình hình tại nhà máy trên".

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nhà máy này nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga ngay từ những ngày đầu Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Kiev cáo buộc Moscow cất giữ vũ khí hạng nặng tại đây, trong khi Moscow cáo buộc Kiev liên tục nhắm mục tiêu vào nhà máy này. Trong những ngày gần đây, khu vực này xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự. Cuối tuần qua, Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau nã pháo vào nhà máy này trong các vụ tấn công ngày 6-8.

Ukraine dọa chấm dứt đàm phán với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 7-8 cho biết, nếu Nga tiến hành trưng cầu ý dân tại các khu vực hiện do Moscow kiểm soát về việc sáp nhập thì sẽ không có cuộc đàm phán nào với Kiev hoặc các đồng minh của nước này.

Các lực lượng Nga và các đồng minh ly khai hiện kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Donbass, phía Đông Ukraine và một số khu vực ở phía Nam sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2. Trong bài phát biểu qua video tối 7-8 (giờ địa phương), Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine vẫn giữ vững lập trường không nhượng bộ lãnh thổ cho Nga. "Lập trường của đất nước chúng tôi vẫn như trước đây. Chúng tôi sẽ không từ bỏ những gì thuộc về mình", ông Zelensky nói. "Nếu đối phương thực hiện những cuộc trưng cầu ý dân giả, họ sẽ tự khép lại bất kỳ cơ hội đàm phán nào với Ukraine và thế giới tự do, điều mà phía Nga chắc chắn sẽ cần vào một thời điểm nào đó", nhà lãnh đạo Ukraine cho biết thêm.

Các quan chức Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán ngay sau khi các lực lượng Moscow triển khai hoạt động quân sự ở nước láng giềng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đạt được rất ít tiến triển và hai bên đã không còn thảo luận kể từ cuối tháng 3. Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho bên còn lại về việc khiến các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Các lực lượng Nga đang kiểm soát phần lớn khu vực Kherson ở miền Nam Ukraine và các quan chức do Nga bổ nhiệm đã đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga có thể được tổ chức trong vòng vài tuần hoặc vài tháng tới. Tại Donbass, các lực lượng Nga đã kiểm soát nhiều khu vực và tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân tại đây. Vào tháng 2, Nga đã công nhận độc lập của hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk.

AN BÌNH