Nga và bài toán Triều Tiên

Thứ bảy, 16/12/2017 11:15

Trong tuyên bố mới nhất, Thứ trưởng  Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết, Moscow chưa có tiếp xúc cấp cao với ban lãnh đạo mới của Triều Tiên, nhưng điều này có thể diễn ra. Động thái này rõ ràng cho thấy, Nga đang tăng cường nỗ lực giải bài toán hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, vốn đang khiến Mỹ và các nước đau đầu.

Hình ảnh về các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên
được trưng bày trên đường phố ở thủ đô Bình Nhưỡng.
   Ảnh: AFP

Có thể nói, ngoài Trung Quốc, Nga là cường quốc duy nhất được cho là có thể có tiếng nói để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Với Moscow, nỗ lực tìm lối ra cho vấn đề này là nhằm ngăn chặn bùng phát các hành động thù địch và tạo sự ổn định bền vững, vì lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Nga phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhưng cho rằng đối thoại và đàm phán là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng. Moscow đã chỉ trích mạnh mẽ áp lực của Washington và những gì được coi các mối đe dọa của Mỹ để giải quyết vấn đề bằng vũ lực.

Chiến lược “đóng băng kép”

Giới quan sát cho rằng, bước đầu tiên cần là giảm căng thẳng quân sự. Điểm khởi đầu của nó là “đóng băng kép” – một kế hoạch mà Nga và Trung Quốc ủng hộ, trong đó, yêu cầu Hàn-Mỹ ngừng tập trận chung để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, tên lửa.       

Đề xuất này được cho là đầy khả thi đối với Bình Nhưỡng bởi nước này từng có những ý tưởng tương tự. Nhưng Nga cho rằng, những tuyên bố đe dọa của Mỹ là trở ngại chính cho việc giải quyết vấn đề khủng hoảng. Điều này hiển hiện rõ trong phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 29-11, khi ông kêu gọi Mỹ hãy bắt đầu bằng cách giải thích rõ ràng ý định của họ. “Nếu thực sự tìm kiếm cái cớ để phá hủy Triều Tiên, như đại sứ của họ tại LHQ đã phát biểu tại một cuộc họp của HĐBA, hãy để họ “đánh vần” rõ ràng và lãnh đạo Mỹ cần xác nhận điều đó. Sau đó, chúng tôi sẽ quyết định làm thế nào”.

Bước đi thứ hai gồm các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc. Và giai đoạn cuối cùng sẽ bắt đầu tiến trình với tất cả các nước liên quan để thảo luận về toàn bộ các vấn đề an ninh tập thể ở Châu Á.

Đằng sau nỗ lực của Nga

Nga tất nhiên có những lý do chính đáng để muốn tăng cường ảnh hưởng ở Triều Tiên.

Thứ nhất, Moscow có chung biên giới với Triều Tiên, dù chỉ vỏn vẹn có chiều dài khoảng 18km. Vì vậy, Nga tất nhiên sẽ không thể vui vẻ khi Triều Tiên bất ổn. Thứ hai, uy tín của Nga càng tăng lên nếu nỗ lực của Moscow nhằm đưa ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên đạt kết quả. Bởi khi có ảnh hưởng lớn hơn đối với Bình Nhưỡng, Nga sẽ có thêm lợi thế với Mỹ khi đàm phán về các vấn đề khác như Ukraine và Trung Đông. Thứ ba, Nga cũng có thể đang muốn củng cố mối liên hệ với Trung Quốc, vốn đang chịu áp lực rất lớn từ Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Bằng cách tham gia vai trò lớn hơn trong vấn đề này, Nga đang giúp giảm áp lực lên Trung Quốc.

Cuối cùng, điều mà Điện Kremlin quan tâm, cũng giống như Trung Quốc, là muốn Mỹ ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc. Nga cho rằng, hệ thống này có thể theo dõi các hoạt động quân sự trong biên giới của họ và là mối đe dọa đối với an ninh.

Cơ hội thành công

Hôm 15-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết, Moscow chưa có tiếp xúc cấp cao với ban lãnh đạo mới của Triều Tiên, nhưng điều này có thể diễn ra. Interfax dẫn lời ông Morgulov cho biết: “Trên lý thuyết thì điều này (các cuộc tiếp xúc) là khả thi”.

Động thái này cho thấy Nga đang đặt ra nhiều tham vọng cho bài toán Triều Tiên. Nhưng giới quan sát nhận định, cơ hội thành công là rất ít. Bởi trên thực tế, Triều Tiên không dễ “hy sinh” chương trình hạt nhân tên lửa của họ. Ngoài ra, Moscow cũng không có nhiều ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng mặc dù cả hai có nhiều mối quan hệ chính trị và các mối quan hệ tin cậy vững chắc.

KHẢ ANH

Nga ấn định ngày bầu cử tổng thống

Ngày 15-12, Thượng viện Nga đã bỏ phiếu ấn định ngày 18-3-2018 là ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở nước này.

Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko thông báo quyết định trên đã được các thượng nghị sĩ nhất trí thông qua trong cuộc bỏ phiếu. Hôm 14-12, tại cuộc họp báo lớn thường niên năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử diễn ra năm 2018 với tư cách là ứng cử viên tự do, không theo danh sách đảng, song ông hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của các đảng và đông đảo người dân.

A.BÌNH