Nga và "nỗi oan" MH17

Thứ ba, 22/07/2014 07:18

(Cadn.com.vn) - Ngay sau khi MH17 bị bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không vào đêm 17-7, mọi con mắt ở phương Tây đổ dồn vào Nga. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, Nga không trực tiếp tham gia thảm kịch này.

Các quan chức Kiev và phương Tây, cùng với hầu hết các báo chí phương Tây, đều đổ lỗi cho Nga khi nói rằng Moscow đang hậu thuẫn và huấn luyện phe nổi dậy ở miền đông Ukraine. Ngay cả khi người Nga không được trực tiếp tham gia vào vụ việc, Moscow vẫn bị cáo buộc cung cấp cho các phiến quân các hỗ trợ vật chất kỹ thuật cần thiết để thực hiện vụ tấn công.

Washington hôm 20-7 thậm chí còn cho rằng, chính Moscow cung cấp vũ hệ thống tên lửa cho phe nổi dậy bắn rơi MH17, rồi sau đó nhanh chóng chuyển hệ thống này ra khỏi lãnh thổ Ukraine.

Đối với Ukraine và phương Tây, đây là chiến lược thông minh. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà Trắng và Kiev đang nỗ lực tận dụng bi kịch này để gây áp lực Nga từ bỏ hỗ trợ phe nổi dậy. Cả hai tìm cách lợi dụng tình hình để tập hợp hỗ trợ lớn hơn từ Châu Âu trong việc áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu Moscow "không lùi bước". Có nhiều lý do để nghĩ rằng, chiến lược này sẽ thành công và việc bắn rơi MH17 sẽ giúp thay đổi cuộc chơi ở Ukraine.

Nhưng mọi áp lực đang đè nặng lên vai Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến ông không thể ngồi yên được nữa. Để giải tỏa bế tắc và làm yên lòng những trái tim nóng bỏng đang hướng về các nạn nhân tại hiện trường ở miền đông Ukraine, ông chủ Điện Kremlin hôm 21-7 ra tuyên bố đặc biệt về vụ việc này, trong đó cam kết sẽ hợp tác đầy đủ với các nhà lãnh đạo trong công cuộc điều tra thảm họa MH17.

Như vậy, có một "thuyết âm mưu" ngày càng rõ ràng nhưng bị bỏ qua: đó là Nga không tham gia vụ MH17. Rõ ràng, Mỹ và tình báo khác đều xác nhận, các tên lửa đất đối không được bắn lên từ các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Ukraine, không phải từ lãnh thổ Nga. Moscow cũng không có quân "biệt phái" ở Ukraine. Nhưng "thuyết âm mưu" khác cho rằng, Nga có quân đội và tình báo ở miền đông Ukraine và họ ngụy trang bằng thường phục. Và chính lực lượng này tham gia vào các hoạt động bắn rơi MH17.

Tuy nhiên, cứ cho là Nga có lực lượng quân sự và tình báo ở miền đông Ukaine, đây đều là những cái đầu tinh vi. Họ chắc chắn sẽ đủ thông thái để nhận ra rằng, một máy bay ở độ cao 10.000m là máy bay dân sự. Và trên hết, việc bắn rơi một máy bay dân sự không phải là ý tưởng hoàn hảo. Tôi hiểu rằng, nhiều nước ở phương Tây xem Nga như kẻ thù. Nhưng thật là ngu ngốc khi cho rằng đối thủ là một kẻ ngốc.

Có nhiều lý do chính đáng để nghi ngờ hệ thống tên lửa bắn hạ MH17 đến từ Nga. Điện Kremlin rõ ràng có lợi ích trong việc phá vỡ và vô hiệu hóa sức mạnh không quân của Kiev. Tuy nhiên, với khả năng không quân khá hạn chế, các phiến quân có thể làm gián đoạn đáng kể các hoạt động của quân đội Ukraine bằng vũ khí thô sơ hơn là dùng các loại vũ khí chống máy bay như MANPADS hay Buk. Quan trọng hơn, quân đội Ukraine cũng có tên lửa Buk và có báo cáo hồi tháng trước rằng, quân nổi dậy chiếm được ít nhất một trong các hệ thống này. Như vậy, một vấn đề ít ai nhắc đến hiện nay là khả năng hệ thống tên lửa dùng đến bắn hạ MH17 có nguồn gốc từ quân đội Ukraine.

Có thể thấy, ngay cả khi Nga không trực tiếp tham gia bắn rơi MH17, nhưng thảm kịch này cũng khiến Moscow cần mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề Ukraine, nhằm tiến đến chấm dứt xung đột đang leo thang nhanh chóng.

Thanh Văn