Nga “xây dựng đế chế” ở Châu Phi
Nga đang tiến đến Châu Phi và điều này khiến các nhà phân tích Mỹ lo lắng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, vẫy tay chào) chụp ảnh với các nhà lãnh đạo Châu Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Phi hôm 24-10. Ảnh: TASS |
Không hề sợ hãi, các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia Châu Phi đang chào đón Moscow với vòng tay rộng mở, đến nỗi đại diện của 43 quốc gia Châu Phi là thành viên LHQ đã tham dự hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức vào tuần trước ở thành phố nghỉ mát Sochi. Moscow thông báo đã ký các thỏa thuận mới trị giá khoảng 12,5 tỷ USD tại hội nghị thượng đỉnh này, với các mặt hàng như vũ khí, khoáng sản, năng lượng hạt nhân và thậm chí cả lính đánh thuê. Đây là cú hích khiến Washington lo ngại.
Mỹ thờ ơ, Nga tiến tới
Ông Nile Gardiner thuộc cơ quan tư vấn Quỹ Di sản ở Washington bình luận: “Mỹ cần chú trọng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Châu Phi”.
Một nhà phân tích khác cho rằng, Nga dường như đang hành động trong khi Mỹ “ngủ quên”. Tổng thống Trump vẫn chưa đến thăm Châu Phi, nhưng ông Putin thì khác. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thực hiện 2 chuyến công du quan trọng đến Châu Phi trong năm nay. Trong khi gần đây không có chuyến thăm tương ứng nào của một thành viên cấp cao chính quyền ông Trump. Nga đã tổ chức hội nghị lớn có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Châu Phi ở Sochi trong tuần qua trong khi Mỹ chỉ mời một vài nhà lãnh đạo Châu Phi đến thăm Washington.
Trong khi Mỹ đạt kim ngạch thương mại hàng năm đáng nể 60 tỷ USD với Châu Phi, trong 5 năm qua, Nga đã tăng hơn gấp đôi kim ngạch trao đổi thương mại của mình với Châu Phi, lên mức 20 tỷ USD và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Châu Phi.
Nga tiếp cận mọi lĩnh vực
Gần 20 trong số 54 quốc gia Châu Phi được LHQ công nhận đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Nga.
Câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia như Ethiopia có nên xem xét trả cho Nga số tiền khổng lồ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay không, khi nước Nam Phi tương đối giàu có đã ký một thỏa thuận với Moscow. Ai Cập cũng đã ký hợp đồng với Cty hạt nhân Nga Rosatom để xây dựng nhà máy điện hạt nhân 4.800 MW trên bờ biển Địa Trung Hải. Ở Uganda, Nga cũng đang xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 30 triệu USD. Điện Kremlin cũng để mắt đến trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ của Mozambique.
Nga đã xóa khoản nợ lịch sử cho nước này đồng thời cũng cung cấp thiết bị quân sự, gồm cả máy bay trực thăng, để giúp kiềm chế một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo vốn cũng để mắt tới lợi nhuận từ khí đốt. Moscow thậm chí còn có ngân hàng có quan hệ với nhà nước - Cơ quan Quốc tế Phát triển Chủ quyền, được thành lập trong năm nay, và đang có các thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Nigeria, Guinea và Cộng hòa Dân chủ Congo. Tổng thống Putin cũng tham gia vào giải quyết tranh chấp giữa Ai Cập và Ethiopia, vốn đang bất đồng về dự án đập ngăn dòng sông Nile, điều mà Ai Cập cho là có thể đe dọa nguồn nước của mình.
Về mặt quân sự, Nga cũng cho thấy sẵn sàng ủng hộ nếu các nước Châu Phi cần. Trong tuần vừa qua, Moscow cử hai máy bay ném bom Tupolev T-160 có khả năng hạt nhân chiến lược, tương đương B1 của Mỹ, đến thẳng Nam Phi. Các cơ quan truyền thông địa phương đã được mời chứng kiến những chiếc máy bay này lần đầu tiên hạ cánh xuống Châu Phi.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tin rằng, Nga sẽ không cung cấp viện trợ nước ngoài theo kiểu cổ điển mà thay vào đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong tuần này, ông Ramaphosa phủ nhận cáo buộc, các quốc gia Châu Phi “đang rơi vào bẫy nợ khi họ vay tiền để tài trợ cho một số dự án của quốc gia”. Ông Ramaphosa tuyên bố, sự hợp tác hiện nay là vì lợi ích chung, phát triển, hợp tác thương mại và đầu tư và hội nhập.
AN BÌNH