Nga – Ukraine trước “cuộc chiến khí đốt”

Thứ năm, 31/10/2013 10:40

(Cadn.com.vn) - Việc Nga kiên quyết đòi Ukraine khoản nợ gần 1 tỷ USD có nguy cơ đẩy hai nước vào một “cuộc chiến khí đốt” mới.

Tập đoàn xuất khẩu khí đốt độc quyền của Nga Gazprom ngày 29-10 yêu cầu Ukraine gấp rút trả hóa đơn quá hạn trị giá 882 triệu USD, động thái khiến người ta lo ngại về “cuộc chiến khí đốt” mới cũng như gia tăng áp lực nhằm vào Kiev khi họ cố gắng xây dựng mối quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU).

Theo Reuters, Moscow cũng dọa sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Kiev, chứng tỏ sự tức giận đối với nỗ lực của Ukraine nhằm đạt được thỏa thuận đối tác với EU. Thủ tướng Dmitry Medvedev mô tả, việc thanh toán là rất quan trọng, đặc biệt là phải thực hiện trước khi Kiev ký các thỏa thuận với EU vào tháng tới, vốn được cho là sẽ đánh dấu sự thay đổi lịch sử đối với một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Thủ tướng Medvedev cũng nói bóng gió rằng, giờ đây Ukraine có thể sẽ buộc phải thanh toán trước cho các lô hàng khí đốt trong tương lai.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn Gazprom Alexei Miller cho biết, hãng xuất khẩu khí đốt quốc doanh này trước đó gia hạn cho Naftogaz - Cty khí đốt nhà nước Ukraine - đến ngày 1-10 phải thanh toán các khoản nợ trị giá 882 triệu USD, song cho đến nay, phía Kiev vẫn “bặt vô âm tín”. Ông cho biết, Gazprom cũng đã trả cho Ukraine 1 tỷ USD tiền trung chuyển khí đốt của mình sang Châu Âu. Trong tuyên bố chính thức, ông Miller nói: “Đây là vấn đề nước sôi lửa bỏng”. Naftogaz  từ chối bình luận về phát biểu của Gazprom, nhưng Thủ tướng Mykola Azarov cho biết, chính quyền Kiev “đang giám sát vấn đề này”. Thủ tướng Azarov cũng thừa nhận “có một số khúc mắc nhưng khó có thể nói là nghiêm trọng”.

Tập đoàn Gazprom đang ráo riết đòi khoản nợ gần 1 tỷ USD của Ukraine. Ảnh: Reuters

Moscow thường bị tố cáo sử dụng thế độc quyền về xuất khẩu khí đốt như vũ khí lợi hại tác động đến quyết định của các nước thuộc Liên Xô cũ, vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga nhưng lại mong muốn có quan hệ gần gũi hơn với Phương Tây. Nga-Ukraine từng hai lần rơi vào “cuộc chiến khí đốt” trong mùa đông khi Gazprom ngăn chặn việc giao hàng, không chỉ cho Ukraine, mà cả những bạn hàng khác ở Châu Âu, buộc một số nước phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Vụ việc đầu tiên xảy ra vào tháng 1-2006 và sau đó là tháng 1-2009, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân các nước giữa các đợt cao điểm sử dụng thiết bị sưởi ấm trong mùa Đông.

Tổng thống Vladimir Putin muốn Ukraina tham gia vào liên minh kinh tế do Moscow lãnh đạo. Đầu năm nay, Điện Kremlin ám chỉ rằng, giá khí đốt mà Kiev vốn gọi là “cắt cổ” có thể được giảm nếu nước này gia nhập liên minh kinh tế, trong đó hợp nhất Nga với hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Kazakhstan và Belarus. Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Viktor Yanukovich gặp nhau tại khu nghỉ mát Biển Đen của Sochi hôm 27-10 cho các cuộc đàm phán song phương, song không bên nào bình luận gì về nội dung cuộc họp.

Từ khi lên nắm quyền năm 2010, Tổng thống Viktor Yanukovych hướng về Nga hơn phương Tây. Tuy nhiên, trong vấn đề gia nhập liên minh kinh tế với Nga, ông Yanukovych lại có nhiều bất đồng với Moscow. Nguyên nhân là Ukraine mặc dù rất muốn gần Nga nhưng vẫn ưu tiên việc ký hiệp định thương mại tự do với EU, dự kiến sẽ hoàn thành tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 11 này ở Vilnius, giúp mở cửa cho Ukraine vào thị trường EU. Ukraine, nhập khẩu gần như tất cả khí đốt từ Nga, trả khoảng 400USD cho mỗi 1.000m3, cao hơn một chút so với mức giá trung bình dành cho khách hàng Châu Âu. Naftogaz cho biết, đầu tháng này, họ nhập 17 tỷ m3 khí đốt, đủ cung cấp trong mùa Đông này, tức là không sợ Gazprom cắt hàng như năm 2006 và 2009.

Tuy nhiên, khi Điện Kremlin tuyên bố có thể viện đến hệ thống thanh toán trước nếu Kiev không đáp ứng yêu cầu, nguy cơ về một cuộc chiến khí đốt mới giữa Nga – Ukraine vẫn rình  rập.

Khả Anh