Ngậm ngải tìm nấm
(Cadn.com.vn) - Những tháng gần đây, người dân ở các xã vùng núi Đại Đồng, Đại Lãnh của H. Đại Lộc, Quảng Nam như lên cơn sốt khi nhiều thương lái đến đây để thu mua nấm linh chi cổ với giá cực cao. Nhiều nông dân bỗng chốc có tiền triệu trong tay chỉ sau vài ngày đi rừng. Thế là hàng trăm người rời bỏ ruộng đồng, đổ xô vào rừng để săn tìm loại nấm cổ linh chi, bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập...
Phất lên nhờ nấm
Làng Vĩnh Phước (xã Đại Đồng, H. Đại Lộc) những ngày này đang lên cơn sốt với nấm, bởi đi đâu cũng nghe người ta bàn chuyện về nấm, về người này trúng, người kia được. Hầu hết thanh niên trai tráng trong làng đã vào rừng để tìm nấm, trong khi đó nhiều thương lái túc trực thường xuyên ở đây để chờ người dân gùi nấm về. Anh Võ Ngọc (người làng Vĩnh Phước) kể: “Trước Tết, có một số thương lái ở Tam Kỳ đến tìm mua nấm chò nên người dân vào rừng tìm về bán. Ban đầu chỉ vài người đi, nhưng sau thì cả làng cùng rủ nhau đi vì loại nấm này được thương lái mua với giá rất cao, bao nhiêu cũng mua hết. Có người sau một chuyến đi đã kiếm được mấy chục triệu đồng, nhiều người mới về hôm trước thì hôm sau đã khăn gói lên rừng lại để tìm nấm”.
Nấm cổ linh chi - mà người dân ở đây gọi là nấm chò, được khai thác từ chục năm trước. Nếu như trước đây, 1kg nấm cổ linh chi chỉ bán được vài chục ngàn đồng thì mấy tháng gần đây, giá bán của nó bất ngờ tăng cao vùn vụt, từ 300-400 ngàn đồng/kg. Vì nguồn lợi quá lớn nên người dân đổ xô vào rừng tìm nấm, họ lập thành từng đội 5-7 người để lùng sục trong những cánh rừng già.
Và mỗi lần đi như thế ít nhất những phu rừng cũng mang về được vài chục ký nấm, số tiền kiếm được cũng không nhỏ. “Loại nấm này có nhiều kích cỡ, nếu nấm càng lớn thì giá càng cao vì đó là nấm lâu năm. Vừa rồi tôi cũng vào rừng tìm được một cái nấm hơn 10kg và bán cho thương lái giá 300 ngàn đồng/kg, tính ra cũng được 3 triệu đồng, khỏe hơn làm nông mà lại có tiền tươi. Ở đây có nhiều người trúng nấm lắm” - anh Ngọc khoe với tôi. Mới đây, ông M. (cũng ở làng Vĩnh Phước) đã tìm được một nấm cổ linh chi có trọng lượng gần 100kg, và để vận chuyển, ông phải chia nấm ra làm 4 phần rồi chuyển về xuôi. Người dân ở đây đồn rằng, ông M. đã thu được mấy chục triệu đồng từ chuyến săn nấm đó.
![]() |
Những cánh rừng xa là nơi người đi hái nấm tìm đến và hiểm nguy luôn chực chờ họ. |
Cổ linh chi là một vị thuốc đã sử dụng hơn 2.000 năm mà người xưa miêu tả nó là thuốc “kết tinh cái quý của mây mưa trên núi cao, của ngũ hành nên có thể giữ gìn sức khỏe cho các bậc đế vương” hay là loại “Cây cỏ tốt lành, ăn nhiều có thể làm cơ thể nhẹ đi mà không già, sống lâu như thần tiên”. Ngày nay, cổ linh chi được dùng để giúp khí huyết lưu thông, thúc đẩy sự hấp thụ ôxy của tế bào cao hơn nhân sâm 8 lần. Các hoạt chất trong linh chi có tác dụng chống dị ứng, tăng cường miễn dịch, diệt các tế bào ung thư, chữa trị các bệnh liên quan đến tim, huyết áp... Chính vì có nhiều công dụng quý như vậy nên cổ linh chi được thương lái lùng mua ráo riết và nhiều người dân ở xã Đại Đồng trở thành triệu phú nhờ loại nấm này.
Ăn của rừng...
Thông tin về việc nấm chò mang lại nguồn lợi lớn như có chân, lan truyền rất nhanh đến các xã vùng núi của Đại Lộc vì vậy hàng trăm người đã vào rừng để săn tìm. Tôi tìm đến nhà anh Thắm (ở thôn Hà Nha, Đại Đồng) khi anh và vài người khác mới vừa mang nấm từ rừng về. Vẻ mặt hiện rõ sự mệt mỏi, anh Thắm cho biết: “Nghe người ta đi nấm trúng quá nên tôi cũng vào rừng kiếm vận may nhưng có đi rồi mới biết khổ, chừ có cho tiền tôi cũng không đi nữa”. Anh Thắm cùng với 4 người trong làng lập thành một nhóm, tìm đến những cánh rừng xa nhất của núi Giằng để săn tìm nấm và hành trình này không dễ như họ nghĩ.
Anh Thắm kể: “Chúng tôi phải đi bộ mất 2 ngày mới đến được khu rừng và sau đó chia nhau đi tìm nấm. Trong 9 ngày đêm ở rừng, chúng tôi chỉ kiếm được gần 100kg nấm. Loại nấm này chủ yếu mọc trên cây chò, cao 20-30m nên để lấy được nấm, chúng tôi dùng cây nhỏ có trong rừng làm thang leo lên. Nói dại, chỉ cần sẩy chân thì chỉ có chết. Ở đây đã có nhiều người bị té ngã nhưng may có dây bảo hiểm nên thoát chết, còn việc trầy da chảy máu là chuyện bình thường”.
![]() |
Số nấm cổ linh chi mà nhóm của anh Thắm khai thác được. Với gần 100kg nếu bán được với giá cao họ có thể thu về hơn chục triệu đồng. |
Để bán nấm cổ linh chi với giá cao, trong lúc khai thác, những phu rừng phải dùng dây buộc vào nấm rồi từ từ đưa xuống đất. Những cây nấm nhỏ thì dễ, còn gặp cây nấm có trọng lượng lên đến vài chục ký thì sự nguy hiểm đối với người đi khai thác càng tăng lên. Nhưng không phải ai vào rừng cũng may mắn mang được linh chi về, anh Thắm kể rằng, rất nhiều người lặn lội vào rừng hơn nửa tháng mà không tìm được một mẩu nấm mang về. Vì thế mà người dân ví von rằng, việc đi săn nấm này cũng giống như ngậm ngải tìm trầm.
Người dân các xã ven rừng của của H. Đại Lộc vốn nổi tiếng sống nhờ vào tài nguyên rừng. Trước đây, khi phong trào đi trầm rộ lên thì cũng có hàng trăm người đổ xô đi tìm vận may, rồi đến việc săn tìm cây cảnh trong rừng..., nhưng cuối cùng thì không nhiều người “phất lên” được nhờ rừng mà ngược lại, có người đã bỏ mạng, có người bị tàn tật. Và, bây giờ lại đến cơn sốt săn tìm nấm. Cho tôi xem những vết rách vẫn còn ứa máu trên cánh tay, anh Tùng (cùng nhóm với anh Thắm) trầm ngâm: “Ai cũng biết đi rừng nguy hiểm nhưng nếu ở nhà thì tôi cũng chẳng biết làm gì, ruộng đất ít, đi làm nhà máy thì đã lớn tuổi. Nên cứ bám vào rừng mà sống, được đồng nào hay đồng ấy”.
Hiện nay, những phu rừng ở H. Đại Lộc vẫn tiếp tục đua nhau vào rừng tìm nấm và họ khai thác triệt để, bất kể nấm cổ linh chi lớn hay nhỏ. Và chắc chắn, với cách khai thác đó thì chỉ trong một thời gian ngắn loại nấm quý này sẽ không còn. Và đến lúc đó, không biết người dân ở đây sẽ còn lấy của rừng những gì nữa?
Phóng sự: Lưu Hoàng Anh