Ngăn chặn nạn “nghi kỵ đồ độc”

Thứ hai, 05/09/2022 17:07
Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây, tại xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện tình trạng “nghi kỵ đồ độc", nguy cơ gây mất trật tự, an toàn tại địa phương. Lực lượng Công an xã đã kịp thời vào cuộc ngăn chặn, không để xảy ra vụ việc phức tạp.
Công an xã Ba Xa (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) tuyên truyền xóa bỏ nạn “nghi kỵ đồ độc” trong cộng đồng dân tộc thiểu số Hrê.
Công an xã Ba Xa (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) tuyên truyền xóa bỏ nạn “nghi kỵ đồ độc” trong cộng đồng dân tộc thiểu số Hrê.

Nạn nghi kỵ có “đồ độc” xuất hiện trong các vùng đồng bào thiểu số ở huyện Ba Tơ từ lâu. Nếu bị “gán” cho có “đồ độc”, nạn nhân sẽ bị đánh, sát hại hoặc bị đuổi ra khỏi làng. Đến đường cùng, nhiều nạn nhân tìm đến cái chết. Tình trạng “nghi kỵ đồ độc” tồn tại bao đời nay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Đầu năm 2022, ông Phạm Văn Hai (52 tuổi), ở thôn Nước Lăng, xã Ba Xa (Ba Tơ), thường xuyên đau ốm, nên nghi ngờ ông Phạm Văn Trăm (57 tuổi), ở cùng thôn, đã "đồ độc" mình. Nguyên nhân là, mỗi khi uống rượu, ông Trăm có lời lẽ thách thức bạn nhậu, cũng như tự cho mình có quyền lực "siêu nhiên". Đây là cơ sở để ông Hai nghi ngờ, cho rằng ông Trăm có "đồ độc". Ông Trăm cho biết “Trước giờ tôi không biết "đồ độc" là gì. Họ vu khống tôi có "đồ độc" hại chết người. Tôi lo sợ có chuyện không hay xảy ra với gia đình”.

Nhận được thông tin, Công an xã Ba Xa đã mời ông Hai và ông Trăm, cùng người dân trong thôn gặp gỡ, trao đổi để tổ chức hòa giải, phân tích đúng sai. Sau đó, ông Hai cam kết trước thôn không còn nghi kỵ ông Trăm có "đồ độc" nữa.

Cũng trong lúc uống rượu, ông Phạm Văn Đệ (42 tuổi) và Phạm Văn Long (52 tuổi), đều ở thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, nghi ngờ ông Phạm Văn Ỏi (58 tuổi), ở cùng thôn, đã "đồ độc" hại chết người. Các vụ nghi kỵ trên đã được Công an xã Ba Xa phát hiện kịp thời và tổ chức hòa giải, nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ba Xa Đinh Văn Rừng cho biết, nạn “nghi kỵ đồ độc” chưa được xóa bỏ trong cộng đồng, mà luôn âm ỉ, bộc phát mỗi khi "rượu vào lời ra", nhất là lúc có người hăm dọa, thách thức về "đồ độc" với nhau.

Theo cách nghĩ của người dân miền núi Quảng Ngãi, “đồ độc” là một vật gồm các tạp vật. Muốn hại người khác thì dùng "đồ độc" đụng vào người, hoặc đem chôn gần người bị hại và nguyền rủa. Những năm trước đây, trên địa bàn huyện Ba Tơ xảy ra nhiều vụ “nghi kỵ đồ độc”, gây ra những cái chết thương tâm. Như nhiều năm trước, ông Phạm Văn Lối, ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ), bị người dân trong làng “nghị kỵ đồ độc” hại chết người. Tháng 7-2020, sau khi cha ruột của Phạm Văn Soi (23 tuổi), ở thôn Làng Tốt, bị bệnh chết, Soi cùng một số thanh niên trong làng cho rằng ông Lối "đồ độc" gây ra, nên đã dùng rựa chém chết ông Lối và thả xác trôi sông.

Theo Thiếu tá Đinh Tô Lâm - Trưởng Công an xã Ba Xa, nạn “nghi kỵ đồ độc”, nếu không kịp thời ngăn chặn, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, thì nguy cơ gây ra hậu quả là rất lớn. Vì thế, Công an xã luôn kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, xác minh, làm rõ nguyên nhân và cho người dân trao đổi, cam kết không nghi kỵ, thì mới giải quyết dứt điểm được. Để ngăn chặn hủ tục này, điều quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, không còn suy nghĩ có người "đồ độc" nữa.

T.S