Ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị xâm hại

Thứ năm, 17/10/2019 11:57

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đến tìm hiểu thực tế về công tác giáo dục HS tại Trường TH Huỳnh Ngọc Huệ (Q. Thanh Khê) liên quan Quyền trẻ em.

Nhắc lại chủ đề này, người viết đã ghi lại 2 vụ việc cụ thể xảy ra trên địa bàn Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng). Qua một đoạn video, hình ảnh đăng trên mạng xã hội facebook, chị Trần Nguyễn Ngọc Diệp, ở đường Trần Phú (Đà Nẵng) đã đến CAP Chính Gián (Q. Thanh Khê) trình báo việc con gái của chị Diệp là Trần Nguyễn Bảo Duy (13 tháng tuổi) bị cô giáo giữ trẻ bạo hành. Ngoài ra, còn có một số phụ huynh các cháu khác gửi tại cơ sở giữ trẻ trên đến tụ tập gây mất ANTT. Qua xác minh, xác định đối tượng có hành vi bạo hành trẻ em là chủ cơ sở giữ trẻ tư nhân "Mẹ Mười" tại địa chỉ K251/32 đường Thái Thị Bôi có tên là Đinh Thị Hồng. Theo Hồng khai nhận, trong quá trình tổ chức giữ trẻ, do trẻ biếng ăn, bị bệnh ngoài da nên Hồng đã có hành vi nắm và nhấc cổ trẻ, dùng tay khống chế ép trẻ ăn và dùng tay đánh vào mặt trẻ. Những hành vi trên diễn ra trong khoảng thời gian 1 tháng. Ngày 22-5-2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra CAQ Thanh Khê ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hành hạ người khác, sau đó TAND Q.Thanh Kê đã xử bị cáo Đinh Thị Hồng 2 năm tù giam.

Cũng gần thời điểm nói trên, sau khi đi uống bia về, Nguyễn Hữu Hội thấy cháu Lê N.P. đang chơi đùa tại đường kiệt 32 Nguyễn Đăng, thuộc P. An Khê (Q. Thanh Khê), Hội nảy sinh ý định sờ soạng, hôn hít cơ thể cháu P. để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Để thực hiện ý định này, Hội gọi cháu P. đến, rồi hứa cho tiền và bảo cháu P. đi theo. Khi đến bãi đất trống trước nhà số 24-Nguyễn Đăng, Hội lấy tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng đưa cho cháu P. Thấy chung quanh không có ai, Hội đã thực hiện nhiều hành động áp chế để thỏa mãn thú tính làm cháu P. la hét và khóc. Lúc này, Hội sợ bị phát hiện nên đã lấy lại tờ tiền 5.000 đồng đã đưa cho cháu P. trước đó. Nghe tiếng khóc của cháu P., cháu Lê Phước Sang và cháu Lê Thanh Huyền Ngọc đi tìm thì thấy cháu P. đang đứng với Hội. Sự việc trên đã được cháu P. kể lại cho bà nội là Nguyễn Thị Lệ nghe nên bà Lệ đã đưa cháu đến CAP An Khê trình báo vụ việc. Sau đó, ngày 9-10-2018, TAND Q.Thanh Khê đã mở phiên tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Hội 2 năm 6 tháng tù giam.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Q. Thanh Khê Nguyễn Thanh Xuân, đó chỉ là 2 trong tổng số 20 trẻ em bị xâm hại trên địa bàn Q. Thanh Khê trong vòng 5 năm qua. Thời gian qua, các loại tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em và bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp với xu hướng ngày càng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. "Do vậy, chúng tôi đã tăng cường thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng cho trẻ; hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về loại tội phạm này... Đặc biệt, Q. Thanh Khê rất chú trọng đến công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em", ông Xuân nhấn mạnh.

Hiện nay, trên địa bàn Q. Thanh Khê đã xây dựng được khá nhiều mô hình có hiệu quả để góp phần ngăn chặn nguy cơ về tình hình xâm hại trẻ em. Đó là 13 câu lạc bộ (CLB) về xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững với gần 300 thành viên và 9 CLB phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình này được thành lập ở cấp phường nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến tư vấn giúp đỡ các trường hợp bị bạo lực, xâm hại. Đó là chưa kể đến 92 "Địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng, 35 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 22 tổ tư vấn, 20 tổ hòa giải bạo lực gia đình được các chi hội phụ nữ đảm nhận. Ông Trịnh Hồng Hải- Trưởng phòng LĐ-TB và XH Q. Thanh Khê cho biết, UBND quận đã chỉ đạo UBND 10 phường thành lập CLB Quyền trẻ em với 400 em tham gia. Hàng năm, quận đều tổ chức tập huấn cho các em về các nội dung liên quan đến phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình. Cũng từ chính các em trong các CLB này việc tuyên truyền sẽ được nhân rộng ra các lớp và toàn trường. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các em vui chơi, giao lưu, học hỏi, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Riêng ngành GD-ĐT cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực liên quan đến công tác này thông qua việc tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em, tiến tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục. Các trường đã thành lập CLB "Quyền trẻ em", "Tổ tư vấn pháp lý" nhằm kịp thời giúp đỡ các em HS về vấn đề tâm lý...

"Chúng tôi xác định tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần. Vì thế việc đảm bảo an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu, trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nguy cơ xâm hại trẻ em trên địa bàn", ông Nguyễn Thanh Xuân khẳng định.

PHƯƠNG KIẾM