Ngăn chặn tận gốc việc điều chế, sản xuất ma túy từ thuốc gây nghiện, tiền chất
(Cadn.com.vn) - Hiện nay, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kinh doanh và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc tại các cơ sở y tế để “gom” về điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp (MTTH)...
Tại Đà Nẵng, mặc dù chưa phát hiện vụ việc nào tương tự, nhưng để chủ động phòng tránh, các ngành chức năng, cụ thể là Sở Y tế và lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy đã tích cực phối hợp nhằm ngăn chặn từ gốc loại tội phạm mới phát sinh này...
Nguy cơ cao
Thượng tá Nguyễn Văn Hoa–Trưởng Phòng CSĐTTP về Ma túy CATP Đà Nẵng cho biết: Gần đây, lực lượng CSPCTP Ma túy một số địa phương đã liên tục phá dỡ các ổ sản xuất MTTH và bắt giữ hàng chục đối tượng có liên quan. Điều đặc biệt, để sản xuất loại ma túy này, các đối tượng đã mua các loại thuốc tân dược như thuốc trị viêm mũi dị ứng, cảm cúm thông thường chứa tiền chất gây nghiện Pseudoephedrine (PSE)..., sau đó điều chế thành MTTH.
Điển hình như tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, TPHCM..., lực lượng phòng chống tội phạm ma túy đã phát hiện và bắt quả tang nhiều nhóm đối tượng đang sản xuất ma túy “đá” từ thuốc tân dược.
Cụ thể, giữa năm 2012, CATP Hà Nội triệt phá thành công đường dây sản xuất, mua bán, tàng trữ ma túy tổng hợp trong nước được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Tạ Thị Hiền (44 tuổi), hộ khẩu thường trú tại ngõ 145 phố Đội Cấn, Q. Ba Đình, Hà Nội cầm đầu. Nắm được công thức sản xuất ma túy “đá” trong thời gian lao động tại Cộng hòa Czech, sau khi về Việt Nam, Hiền đã móc nối với các đối tượng, hình thành đường dây tội phạm sản xuất MTTH từ nguồn nguyên liệu thuốc cảm cúm và hóa chất có thành phần PSE tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.
Trước đó, ngày 30-3-2012, lực lượng CSĐTTP về Ma túy CA tỉnh Nghệ An phối hợp cùng với CATP Vinh đã tiến hành đột nhập tại hai căn hộ nhà 113, 114 khu chung cư B3 Quang Trung (TP Vinh) bắt giữ đối tượng Lê Thanh Hải (1971) và người tình Tăng Thị Lan Phương (1974) cùng ông Tăng Ngọc Nuôi (bố của Lan Phương). Tại đây, cơ quan CA đã phát hiện được hàng chục can nhựa đựng hóa chất, thuốc tân dược, máy sấy khô và các nguyên liệu khác để sản xuất ma túy, thu giữ 1,2kg ma túy “đá”. Số ma túy này được Hải và đồng bọn chiết tách PSE có trong các thuốc Ameflu và thuốc Tiffy để lấy tiền chất...
Dẫn chứng một số vụ điển hình để thấy rằng, tình trạng tội phạm lợi dụng các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần có chứa tiền chất PSE để điều chế, sản xuất MTTH tại Việt Nam đã và đang có dấu hiệu phức tạp, nếu không có giải pháp đồng bộ, căn cơ thì hệ lụy sẽ khôn lường.
Nếu không kiểm soát chặt chẽ tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng methadone – một dạng thuốc gây nghiện thì nguy cơ bị tội phạm lợi dụng buôn bán, sử dụng rất cao (ảnh minh họa). |
Siết chặt quản lý
Ông Nguyễn Út – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Để kịp thời chấn chỉnh và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chế chuyên môn y tế, việc sản xuất, kinh doanh, quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, đặc biệt là các tiền chất, hóa chất, dược phẩm mà tội phạm có thể lợi dụng để sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy..., thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng, cụ thể là Phòng CSĐTTP về Ma túy CATP tích cực kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố có kê đơn, sử dụng các loại thuốc này để điều trị ngoại trú, nội trú; đồng thời kiểm tra tại các cơ sở có sản xuất, kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng.
Qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần tại các cơ sở công lập trên địa bàn TP Đà Nẵng nhìn chung đã đi vào nề nếp. Các bệnh viện và khoa điều trị đã có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ việc sử dụng, đảm bảo thuốc đến tay người bệnh hợp lý, an toàn, không để xảy ra tình trạng thất thoát gây hậu quả xấu.
Tại 2 cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng methadone - một dạng thuốc gây nghiện được phép sử dụng có kiểm soát để điều trị thay thế nghiện các chất dạng ma túy ở Q.Thanh Khê và Hải Châu, Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tăng cường kiểm tra từ khâu nhận (bí mật về thời gian), bảo quản vào kho theo quy định (khóa, hệ thống báo động, camera...). Chính nhờ quản lý như vậy mà đến nay chưa có biểu hiện thất thoát methadone hoặc chất gây nghiện, hướng thần khác ra bên ngoài để tội phạm có thể lợi dụng buôn bán, sử dụng trái phép.
“Qua nhiều đợt kiểm tra trước đây, đặc biệt là trong năm 2014 cho thấy, Đà Nẵng đã làm nghiêm việc quản lý thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần. Tuy có một vài đơn vị, việc hủy thuốc thừa chưa đúng theo quy định, phương pháp tiến hành, tuy nhiên, Sở đã chấn chỉnh, đồng thời nhắc nhở rút kinh nghiệm. Ngoài việc kiểm tra định kỳ thì Sở cũng thực hiện các đợt kiểm tra lồng ghép, đột xuất nhiều lần, tránh hiện tượng đối phó”, ông Nguyễn Út khẳng định.
Ông Út cho biết thêm, để tăng cường công tác quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu điều trị, Sở Y tế TP đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ dược thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn triển khai các văn bản quy phạm về quản lý thuốc gây nghiện, quản lý thuốc hướng tâm thần và các quy định pháp luật có liên quan cho đơn vị và cá nhân để hiểu rõ hơn nữa tầm quan trọng của công tác quản lý các loại thuốc này. Đặc biệt là Thông tư 19 mà Bộ Y tế vừa ban hành.
Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên phối hợp với Phòng CSĐTTP về Ma túy CATP kiểm tra, giám sát việc mua bán, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân..., nhằm đảm bảo không để thất thoát, lộ lọt những loại thuốc này ra ngoài thị trường hoặc để cho các đối tượng tội phạm lợi dụng điều chế, sản xuất ma túy.
Việt Hùng