Ngân hàng cho vay 36 tháng, gần 20 năm sau mới đi đòi

Thứ tư, 09/12/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 8-12, 185 hộ dân làm pháo trước đây sống chủ yếu tại khu vực Thủy Tú, Kim Liên (P.Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) được mời đến trụ sở UBND phường để nghe Ngân hàng (NH) TMCP Công thương Việt Nam- chi nhánh Bắc Đà Nẵng (nguyên trước đây là NH Công Thương Liên Chiểu - NH CTĐN (viết tắt) phổ biến việc sẽ thu hồi khoản nợ vay mà gần 20 năm trước họ được cho vay để chuyển ngành nghề sau khi Chính phủ cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Hầu hết các hộ dân này đều bức xúc cho rằng, sau gần 20 năm cho vay không thấy đả động gì, "đùng một cái" họ bị NH này đòi nợ, trong khi tâm lý ai cũng nghĩ đã được Nhà nước xóa nợ từ lâu!?

Ông Nguyễn Văn Bưởi làm việc với 185 hộ vay chuyển đổi ngành nghề pháo
sang các ngành nghề khác.

Dân "té ngửa" vì bất ngờ bị đòi nợ!

Trước khi bước vào buổi làm việc chính thức, rất nhiều người dân tập trung quanh phóng viên bức xúc phản ánh việc "bất ngờ" bị triệu tập để đòi nợ này. Phần lớn họ đều là những người đã quá tuổi lao động, già yếu.

Đưa chúng tôi xem giấy mời triệu tập với nội dung để "triển khai một số công việc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của ông (bà)", bà Lê Thị Vận (80 tuổi) ứa nước mắt nói: "Hồi đó, họ cho vay thì chồng tui chủ hộ đứng tên vay, tui có biết chi đâu. Chừ ổng chết rồi, họ gửi giấy mời lên để đòi nợ, tui chưng hửng.  Nhà cửa tui không có. Mới đây, chính quyền TP, quận hỗ trợ 100 triệu đồng để xây cho tui cái nhà tình thương, tình nghĩa chi đó. Chừ NH đòi tiền nợ, tui biết lấy đâu để trả nợ... Mà cho tui hỏi, răng mười mấy năm về trước lúc vợ chồng tui còn đủ đôi, đủ cặp, còn có sức làm ăn để trả nợ, sao họ không đi đòi nợ đi. Giờ chồng chết rồi, còn tui thì già lụm khụm, lấy sức đâu kiếm tiền để trả nợ đây?".

Trong tâm trạng bức xúc không kém, bà Phan Thị Mai (57 tuổi), trú tổ 27, P.Hòa Hiệp Bắc cho biết, trước đây, vợ chồng bà (chồng là Trà Văn Hùng đã qua đời), có vay 4 triệu đồng nhưng không thấy NH đả động chi đến chuyện trả nợ. Giờ chồng bà mất, bản  thân quá tuổi lao động, chỉ biết sống nhờ vào nồi cháo bánh canh, kiếm lời khoảng 20.000 đồng/ngày thì trả tiền gốc cũng khó, nói chi đến trả gốc lẫn lãi. "Hồi Nhà nước cấm làm pháo, gia đình tui mất mấy chục triệu đồng chứ có ít đâu. Nhưng Nhà nước cấm, chúng tôi chấp hành, vay vốn để chuyển đổi sang làm nương, làm rẫy. Sao không thu nợ sơm sớm, để lâu ri mới đòi, sức đâu làm để trả nợ?"- bà Mai nói.

Mặc dù cho rằng  "có nợ phải trả", nhưng hầu hết các ý kiến của người dân tại buổi làm việc chính thức với NH CTĐN đều cho rằng, NH này đã quá tắc trách khi trong vòng gần 20 năm qua không triển khai thu nợ dần dần, đổ dồn đến hôm nay mới thu? Trong khi đó thời hạn vay chỉ có 36 tháng. Và vì sao trong khoảng thời gian không thu đó, phía NH không có lấy một giấy thông báo hoặc gia hạn nợ để dân còn biết mà liệu đường tính trả nợ? Chính "sự im hơi lặng tiếng" quá lâu từ phía NH nên dân cứ tưởng rằng, số nợ này đã được Nhà nước "xóa".

Trong tâm trạng bức xúc, cụ Nguyễn Thái (1933) tổ 89, vay của NHCTĐN 5 triệu đồng vào năm 1995 lập luận, nếu việc thu hồi nợ được thực thi đúng như theo quy định thì người dân làm pháo trước đây của P.Hòa Hiệp Bắc đã trả nợ hết từ lâu rồi. Ông Thái đơn cử: "Có thời điểm dân ở đây được đền bù giải tỏa, sao không trừ vào khoản này đi. Giờ mới đòi nợ, khi tuổi người vay đa phần đã cao, sức đã yếu lấy gì mà trả. Trả lần lần mới trả được, đùng cái đòi trả gốc, lãi, ai mà trả cho được?". Một số người cho rằng, cách làm của NH là bất nhẫn, nhất là lại đòi nợ đúng vào dịp năm hết Tết đến.

Người dân bức xúc phản ánh những ẩn khuất trong việc thu hồi nợ xấu
của NH Công thương chi nhánh Bắc Đà Nẵng với phóng viên. Ảnh: P.T

Đòi nợ là để tạo sự công bằng!

Đấy là một trong những lý giải của ông Nguyễn Văn Bưởi- Giám đốc NHCTĐN- trong buổi làm việc với 185 hộ dân còn nợ tiền vay NH này.

Ông Bưởi cho biết: Năm 1995, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHCTĐN đã dùng nguồn vốn huy động của dân với số tiền 5 tỷ đồng để cho 980 hộ dân làm pháo ở xã Hòa Hiệp (nay là P.Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu) vay để chuyển đổi ngành nghề. Tính đến nay, đã có 239 hộ trả đủ nợ cả gốc lẫn lãi, số tiền gốc đã thu là hơn 1,878 tỷ đồng. Số hộ dân còn nợ là 741 hộ, số tiền là 3,157 tỷ đồng, tiền lãi chưa trả là 7,634 tỷ đồng. Trong đó, riêng P.Hòa Hiệp Bắc hiện có 185 hộ với số tiền gốc là 819 triệu đồng, tiền lãi là 1,965 tỷ đồng.

Theo  đó, lộ trình các hộ này phải trả nợ sẽ được thực hiện như sau: Nếu hộ dân nào trả nợ gốc trong tháng 12 này (15 và 25-12) thì NH sẽ xem xét miễn giảm lãi toàn bộ. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, neo đơn thì làm đơn để được xem xét miễn giảm toàn bộ phần lãi. Trong trường hợp người dân quá khó khăn thì có thể trả một phần tiền gốc trong tháng 12 này, sau đó tiếp tục trả trong những tháng tiếp theo. NH se ghi nhận thiện chí trả nợ của bà con để xem xét miễn giảm toàn bộ lãi giống như các trường hợp trên. Sau tháng 12-2015, hộ vay vốn mới trả nợ thì NH sẽ thu cả gốc lẫn lãi. Trong trường hợp không trả, NH sẽ kiện ra tòa để thu hồi nợ cho Nhà nước. Toàn bộ án phí có liên quan, người thua kiện phải chịu.

Tại buổi làm việc, một số người dân còn bức xúc cho biết, họ không hề vay tiền của NH nhưng vẫn có giấy triệu tập đến để phổ biến việc "đòi trả nợ".

Về vấn đề này, phía NHCTĐN đã xin lỗi và cho biết, do trong quá trình đánh máy trước đây không có dấu. Nên khi gửi văn bản này về, phía phường tạm dịch ra theo võ đoán, dẫn đến sự nhầm lẫn đáng tiếc trên!

Lý giải về việc để đến hôm nay mới đòi nợ, ông Bưởi cho biết: "Thực ra hồi đó, chuyển đổi nghề pháo cuối năm gây khó khăn cho bà con nên Chính phủ (CP) chỉ đạo các NH cho vay để giúp dân chuyển đổi ngành nghề. NH chúng tôi đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của CP. Nhưng do CP không nói rõ ràng chuyển nguồn cho NHCTĐN để NH cho vay. Chính vì thế, NH phải tạm thời lấy từ nguồn tiền huy động của dân để cho vay. Vào thời điểm đó, trình độ dân trí của bà con còn thấp, nên bà con có quan niệm là Nhà nước hỗ trợ, giúp bà con xử lý tồn tại sau khi chuyển đổi nghề pháo, không nghĩ đây là khoảng cho vay.

Sau khi cho vay, NH vẫn đi đòi nợ, nhưng do đặc thù của khoản vay này nên mức độ đòi nợ không quyết liệt bằng các khoản cho vay thương mại khác. Trong khi đó, lực lượng nhân viên NH thu hồi nợ lại mỏng nên có những hộ NH chưa đến được...". Cũng theo ông Nguyễn Văn Bưởi, xét thấy khoản nợ này là để giúp bà con chuyển đổi nghề pháo, đồng thời đánh giá khả năng thu hồi khoản nợ này không cao, nên  NHCTĐN cũng đã 3 lần làm văn bản xin xóa nợ (cụ thể là năm 2001, 2006 và 15-3-2015) tuy nhiên không được CP chấp nhận... Theo ông Bưởi việc đòi nợ cũng là nhằm thực thi việc công bằng giữa hộ vay đã trả, giữa hộ vay ít, vay nhiều và hộ không vay...

Đại diện chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc, ông Trần Duy Phương cho rằng: NH phải nghiên cứu để giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý, bởi hầu hết các hộ dân này đều trong diện khó khăn.

Rõ ràng, những bức xúc của người dân P.Hòa Hiệp Bắc là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề ở đây cần làm rõ hơn sự tắc trách trong quá trình thu hồi nợ của NHCTĐN.

P.T