Ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Đợt dich COVID-19 lần thứ tư này tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đã có nhiều công ty "bị tê liệt" phải tuyên bố phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh, trong đó có cả những "ông lớn". Ngay khi dịch bùng phát trở lại từ cuối tháng 4-2021, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề là Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh.
Các ngân hàng tích cực tung nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. |
Vietnam Airlines ký kết vay 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại vào sáng 7-7 với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng. Theo đó, các ngân hàng sẽ giải ngân khoản tiền này tới Vietnam Airlines gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12-2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Sau khi giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines dưới hình thức cho vay ưu đãi, các tổ chức tín dụng này sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất 0%. Phần chênh lệch giữa lãi suất của khoản vay tái cấp vốn và lãi suất thị trường sẽ được Vietnam Airlines tính toán và xây dựng phương án xử lý sau khi hoàn tất hợp đồng tín dụng để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của cổ đông Nhà nước. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm. V. Hùng |
Doanh nghiệp "căng mình" trong đại dịch
Nhiều doanh nghiệp ví von thời điểm này chẳng khác nào đang trong cơn bão lớn và phải tìm mọi cách để vượt qua. Dù đơn hàng các doanh nghiệp nhận được nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng hàng loạt khó khăn vẫn đang chực chờ. Đó là giá thành của sản phẩm bị đẩy lên rất cao vì nguyên liệu đầu vào tăng 30%-80%, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng 20%-30%, lương cho người lao động tăng khoảng 10%. Trong khi sản phẩm làm ra giá bán có khi giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, không ít doanh nghiệp đối mặt với việc thua lỗ với những đơn hàng ký dài hạn. Trong khi đó, dưới tác động do dịch COVID-19 diễn ra liên tiếp, các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải cố gắng cầm cự khi thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công và đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, nhưng chỉ chạy 2-3 xe để duy trì tuyến, mỗi chuyến xe tuyến Hà Nội-Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành khoảng 7,5 triệu đồng. Doanh nghiệp vận tải khách hoạt động cầm chừng, các bến xe cũng rơi vào cảnh đìu hiu, thất thu vì vắng phương tiện.
Một số lĩnh vực khác như nhà hàng, du lịch, hàng không… cũng rơi vào cảnh "chết lâm sàng" từ năm ngoái và đến giờ vẫn chưa có cơ hội để vượt qua. Bà Lê Thị Hương Giang, Giám đốc điều hành khách sạn 5 sao Sen Trắng (Công ty TNHH Sen Trắng - TT-Huế) cho biết từ tháng 3-2020 đến nay, toàn bộ hoạt động đi lại, du lịch của khách quốc tế bị đình trệ. Hoạt động kinh doanh nhà hàng của khách sạn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với việc khách hàng đã hủy 80% lượng đặt tiệc.
Tương tự như vậy, ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa, cho biết do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn trên địa bàn phải đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Với tình hình hiện tại, doanh nhân và ông chủ có khả năng trở thành con nợ, doanh nghiệp bên bờ phá sản...
Hỗ trợ trực tiếp ở vùng tâm dịch
Nhằm tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các ngân hàng đã ngay lập tức vào cuộc để triển khai hàng loạt gói vay ưu đãi.
Cụ thể, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) đã nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi lên 200.000 tỷ đồng. Theo đó, tùy theo đối tượng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất giảm còn 4,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5%/năm đối với các khoản vay trung-dài hạn, tương đương thấp hơn từ 2%-2,5% lãi suất cho vay thông thường, cùng đối tượng. Mức lãi suất cho vay bằng USD với ưu đãi 2%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 4,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.
Mốt số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ đồng, giảm lãi suất 1%-1,5% so với kỳ trước; Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) dành hơn 10.800 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ với lãi suất chỉ từ 4,48%/năm... Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Lãnh đạo VietinBank cho biết đây là thời điểm quan trọng và cần thiết để các doanh nghiệp và ngân hàng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cộng sinh cùng nhau vượt khó và phát triển. Vì vậy, ngân hàng sẵn sàng giảm lợi nhuận để đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch COVID-19.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới và miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Phó Thống đốc khẳng định quan điểm xuyên suốt cả năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước là chủ động tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế để cùng đồng hành, chia sẻ từ phương diện vốn, lãi suất… đến cải cách thủ tục hành chính, không để doanh nghiệp đơn độc một mình trong cuộc chiến với COVID.
T.Hà