Ngẩn ngơ với cúc họa mi Đà Lạt

Thứ sáu, 28/02/2020 16:35

Trang trại hoa.

Cứ chớm đông, khi đó ở Hà Nội bắt đầu xuất hiện trên đường phố những gánh hàng hoa bắt đầu bán cúc họa mi, và cả trên facebook lại xuất hiện những bộ ảnh chụp với loại hoa cánh nhỏ, chóng tàn và thời gian nở rất ngắn, làm phương Nam lại nôn nao nhắn gởi: "Ship cho mình một bó họa mi đi". Để rồi, đôi khi cuộc hành trình từ Hà Nội về lại các tỉnh miền Trung, quà tặng là một bó hoa cúc họa mi đẹp đẽ. Nhưng cúc họa mi Hà Nội kết thúc mùa rất sớm, tới đầu tháng 12 thì gần như đã tàn và không còn nữa, và cũng chính vì sự mỏng manh ấy mà tình yêu với loại hoa này trong giới trẻ càng tăng cao. Loại hoa ấy có sức hút đến lạ, nhưng trong các hàng hoa ở chợ tuyệt đối không bày bán vì hoa không giữ được lâu.

Thành phố xứ lạnh Đà Lạt nắm bắt được nhu cầu của người yêu hoa, khởi đầu từ Lang Farm đã trồng cúc họa mi trong chậu, trong lồng kính, đưa ra thị trường. Và chen cùng các loài hoa rất quen ở Đà Lạt như cẩm tú cầu, hoa hồng, xác pháo hoặc nhiều loại cúc từ màu vàng tới màu tím, màu đỏ, cúc họa mi mau chóng có chỗ đứng trong muôn sắc hoa ở Đà Lạt. Thật ra, xưa đây là loài cúc mọc hoang dã, cánh trắng ngần, giống như hoa dã quỳ, ủ trong lòng đất rồi một hôm bừng trỗi dậy, bung một trời hoa trắng, làm cả một cánh đồng trở nên ảo diệu.

Có một câu chuyện về loài hoa mỏng manh này: Theo thần thoại La Mã, Belides, một trong các nữ thần  được phân công chăm sóc các cánh rừng. Để rồi, nhan sắc của Belides đã vô tình lọt vào tầm mắt của  vị thần cai quản các vườn cây là Vertumrus. Từ đó, ngày đêm Vertumrus cứ săn đuổi  nên Flora, nữ chúa các loài hoa, đã biến cô thành một đóa hoa cúc họa mi.

Đà Lạt vốn là nơi mà mọi người vẫn thường nói là bất cứ hạt giống nào rơi xuống nơi này cũng đâm chồi và nở hoa. Bao nhiêu giống hoa lạ đã được đem tới Đà Lạt, để chen cùng những loài hoa đã trở thành một phần của Đà Lạt, gợi cho bao nhiêu người tìm đến như hoa oải hương sắc tím, hoa cẩm tú cầu có trên mọi nẻo đường và không thể nhắc đến hoa xác pháo, thậm chí hoa ban, hoa mua, hoa tam giác mạch cũng đã được gieo trồng... Vì thế, có lẽ nào cúc họa mi không có phần ở Đà Lạt?

Khác với Hà Nội, cúc họa mi được trồng trong vườn, đến mùa cắt cành, theo chân những chiếc xe đạp hoặc những gánh hàng hoa xuống phố trong trời chớm đông se sắt. Cúc họa mi Đà Lạt lại được trồng trong chậu, lại pha nhiều màu sắc làm duyên. Ở các quán cà-phê trên con dốc Lê Đại Hành lên khu Hòa Bình, chủ nhân của các quán đã đặt những chậu hoa cúc họa mi ngay trên lối vào, như cách gọi mời khách vào quán. Những chậu cúc họa mi đó cũng trở thành nơi tạo ra bao nhiêu bức ảnh.  Và ở hồ Tuyền Lâm, nơi có hàng ngàn cây thông đứng, nơi có cả một cánh rừng đã gây trồng cây ngô đồng, chủ một Homestay đã tạo ra một thảm cúc họa mi để cho khách tìm đến tận hưởng.

Và  một điểm đến vô cùng đặc biệt với loài hoa cánh nhỏ, mỏng manh khiến bao người yêu quý này chính là  Khu du lịch Rau và hoa ở làng hoa Vạn Thành. Cái tên thì không ấn tượng, nhưng bước vào nơi đây, không kể các loại hoa khác, chỉ riêng cúc họa mi đã níu chân du khách như chẳng muốn rời đi. Xưa, khu du lịch này nằm bên kia đường, là nơi gây trồng hoa và rau với triền dốc đi lên đi xuống, trong ba năm nay đã dời về phía đối diện với diện tích khoảng 3 ha, đất bằng phẳng. Khi bước vào khu trồng hoa đầu tiên là thấy cúc họa mi với nhiều màu sắc, trồng vừa tầm khách, có lối đi rõ rệt, đẹp như không thể nào đẹp hơn.

Cúc họa mi ở Khu du lịch Rau và hoa có thể nói là điểm nhấn tuyệt vời cho bất cứ ai tìm đến Đà Lạt, và đem lòng mê đắm loài hoa này, nhưng không đi được Hà Nội trong mùa cúc họa mi xuống phố.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG