Ngành CNTT và truyền thông là tương lai của Đà Nẵng

Thứ sáu, 17/08/2018 12:06

Đầu tư không lớn, không tốn nhiều diện tích đất, song hiệu quả của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mang lại rất lớn. Trong 6 tháng qua, tổng doanh số ngành TT&TT của Đà Nẵng đạt gần 14 ngàn tỷ đồng. Xét trong cơ cấu kinh tế, rõ ràng con số này rất ấn tượng, rất đáng để TP đầu tư phát triển. Nói như Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, ngành TT&TT là nền tảng quan trọng để bước vào công nghiệp 4.0, đó là tương lai của TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng phát biểu tại Hội nghị gặp mặt DN ngành TT&TT TP sáng 16-8.

Khó từ mặt bằng tới nhân lực

Trong bối cảnh nguồn lực về đất đai tại Đà Nẵng khan hiếm, không còn là lợi thế thu hút đầu tư du lịch, dịch vụ thì việc tập trung phát triển CNTT, truyền thông là hướng đi phù hợp. Bởi lẽ, diện tích đất dành phát triển hạ tầng CNTT phục vụ sản xuất của DN CNTT không cần quá rộng (tích hợp trong các tòa nhà cao tầng). Chưa kể, giá trị sản xuất CNTT, truyền thông trên một đơn vị diện tích đất cao hơn nhiều lần so với các ngành khác. Ông Trần Ngọc Thạch- PGĐ Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết, tổng doanh thu toàn ngành TT&TT của TP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 27%, trong đó xuất khẩu phần mềm tăng 25% cùng kỳ.  TP hiện có hơn 3,1 ngàn DN CNTT chiếm 14% tổng số DN toàn TP.

Không chỉ đóng góp trong cơ cấu kinh tế, ngành TT&TT còn thúc đẩy quá trình quản trị đô thị hiện đại với các tiện ích, ứng dụng thông minh. Ông Đặng Việt Dũng cho biết, TP đang đẩy mạnh thực hiện các ứng dụng thông minh nhằm hướng tới TP thông minh. Trước mắt, TP đã hoàn thành thí điểm nhiều ứng dụng thông minh trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, an toàn thực phẩm... Hiện TP có 572 dịch vụ công trực tuyến mức 3,4, trong đó số lượng hồ sơ nộp và xử lý bằng hình thức trực tuyến chiếm 44%. Dự kiến cuối năm 2018, Đà Nẵng có 847 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 66% thủ tục hành chính hiện có.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, ngành TT&TT của TP vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn. Chẳng hạn như mặt bằng sản xuất cho các DN, dù TP đã triển khai nhưng còn chậm. Năm 2019, TP sẽ triển khai mở rộng Công viên phần mềm số 1 với tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng, gồm tòa nhà 8 tầng, diện tích sàn hơn 1,5 ngàn m2. Khu công viên phần mềm số 2 tới tháng 8-2018 triển khai phương án đấu giá đất; khu công viên phần mềm số 3 tại Hòa Xuân đang quy hoạch... Hoặc một khó khăn khác là nguồn nhân lực cho ngành CNTT hiện cũng đang thiếu, chưa có kế hoạch chủ động đào tạo. Lãnh đạo Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng cho biết, trong lúc nguồn nhân lực TP đào tạo chưa đáp ứng được thì TP cần có hướng dẫn rõ ràng để các DN sử dụng nhân lực người nước ngoài.

Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh nói, Sở sẽ đặt hàng các trường đào tạo nhân lực CNTT theo yêu cầu của DN. Tuy nhiên, các DN cũng phải có cam kết cụ thể việc sử dụng nhân lực từ số lượng, chuyên môn... “Không chỉ cam kết mà phải có cơ chế ràng buộc, không thể để ký cam kết xong cho vào ngăn kéo, đến lúc trường đại học đào tạo xong nhân lực thì bảo DN tôi khó khăn, sắp phá sản, không nhận người”- ông Thanh nói. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cần có điều tra nhu cầu nhân lực từng ngành cụ thể, trong đó tập trung vào ngành du lịch, CNTT. Sau khi có điều tra thực tế sẽ tiến hành ký cam kết 3 bên giữa trường đại học, DN và cơ quan quản lý nhà nước.

Gỡ vướng cho doanh nghiệp

Theo ông Dũng, việc ngầm hóa hệ thống cáp quang viễn thông, điện lực trên địa bàn TP hiện rất khó khăn, từ kinh phí, quỹ đất. Trong khi đó, đây là lộ trình cần thiết để đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị. Ông Lương Hồng Khanh, Giám đốc VNPT Đà Nẵng nói, việc hạ cáp ngầm TP không phải bỏ kinh phí, DN viễn thông tự làm, nhưng TP cần hỗ trợ thủ tục. Chẳng hạn Sở TT&TT duyệt ngầm hóa rồi nhưng khi đưa sang sở GTVT xin giấy phép lại rất khó khăn. Hơn nữa, khi ngầm hóa cần có sự đồng bộ giữa các DN viễn thông, chia sẻ hạ tầng dùng chung, tránh tình trạng nay đào đường, mai lại đào đường. Mà việc chia sẻ hạ tầng dùng chung TP cũng phải đứng ra làm trọng tài, chứ để các DN đàm phán, ai cũng dựa trên lợi ích của mình, rất khó. Trong khi đó, ông Ngô Tấn Cư - Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho rằng, những mớ bùi nhùi nhếch nhác trên cột điện chủ yếu do cáp viễn thông. Có đến 30% cáp viễn thông trên trụ điện là vô chủ, khi kéo thì kéo trộm, không dùng nữa thì bỏ đó, không chịu gỡ xuống. Vì lý do đó, cáp viễn thông phải ngầm hóa trước, còn điện lực sẽ từ từ ngầm hóa sau. Hơn nữa, chi phí để ngầm hóa điện tốn kém rất lớn. Đơn cử như tuyến đường Lê Duẩn tốn tới 34 tỷ đồng, tiền đi vay giờ vẫn chưa trả hết.

Ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, việc ngầm hóa cáp quang nói cho sang, thực ra mới dừng ở chôn lấp. Như tuyến đường Lê Duẩn, sau này các DN muốn tăng dung lượng, tăng cáp cũng phải đào lên lại. Ông Ngô Tấn Cư nói, Đà Nẵng mình không đủ tiền, đủ đất làm ngầm hóa tuynel, vì thế chọn chôn lấp, mỗi DN một đường ống màu sắc khác nhau, ai nhiều ống thì phải bỏ chi phí nhiều.

Nhiều DN viễn thông cũng cho biết việc tiếp cận các tòa nhà cao tầng để đặt trạm BTS theo quy định của Luật viễn thông hiện rất khó, không nhận được hợp tác từ các chủ tòa nhà. Vì thế, khi cấp phép xây dựng, TP cần lồng ghép vào yêu cầu buộc chủ đầu tư cam kết để DN viễn thông được lắp trạm BTS. Theo ông Thanh, Sở TT&TT cấp phép BTS trên các nhà cao tầng, tuy nhiên trước khi cấp phép cần phải lấy ý kiến của Sở Xây dựng. Song, khi gửi văn bản tới Sở Xây dựng thì bặt vô âm tín, do vậy chậm trễ xử lý kiến nghị của DN. Ông Đặng Việt Dũng chỉ đạo Sở Xây dựng ngay trong ngày 16-8 phải có trả lời về việc BTS trên nhà cao tầng cũng như mẫu BTS thân thiện môi trường.

Ngoài ra, theo phản ánh của bà Khánh Nga - Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng, hiện TP mọc lên nhiều nhà cao tầng song chưa có hệ thống thùng thư, chưa có cơ chế ủy quyền cho BQL chung cư, tòa nhà nhận thay. Vì lý do đó, việc chuyển giao thư từ, bưu phẩm rất khó khăn. Bà Nga đề nghị ngay khi có phương án xây nhà cao tầng phải có phương án thùng thư cho các hộ dân nhận thư từ, bưu phẩm. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng thống nhất với đề xuất này và cho triển khai ngay, kiểm tra toàn diện các chung cư, nhà cao tầng, nhà ở xã hội trên địa bàn TP.

Để phát triển ngành TT&TT ngoài cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy thì việc giải quyết vướng mắc thường xuyên của DN CNTT, viễn thông của lãnh đạo TP cũng là giải pháp hết sức cần thiết.

HẢI QUỲNH