Ngành công nghiệp ngọc bích Myanmar: Canh bạc chết người (Kỳ 2: Hành trình từ mỏ đến chợ rồi đến Trung Quốc)

Thứ năm, 16/07/2020 15:34

Các nhà sản xuất ngọc lớn nhất tại Myanmar là các Cty có vỏ bọc chính phủ nhưng thực chất lại thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Hầu hết ngọc được buôn lậu tại các chợ đen ở Myanmar vào Trung Quốc qua biên giới.

Nhiều người mua ngọc đến từ thị trấn biên giới Ruili của Myanmar, giáp ranh với Trung Quốc. Ảnh: Diplomat

Phát triển mạnh sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ

Chính quyền quân sự nắm quyền trong nửa thế kỷ tại Myanmar. Sau gần 20 năm hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định thay đổi khi cho rằng những cải cách chính trị thực sự đang diễn ra ở nước này. Sau khi khôi phục chế độ dân sự thông qua bầu cử dân chủ, Tổng thống Obama khi đó đã gặp Cố vấn nhà nước Suu Kyi vào tháng 9-2016 và tuyên bố, tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ được dỡ bỏ.

1 tháng sau, ông Obama thu hồi một số mệnh lệnh hành pháp liên quan đến lệnh trừng phạt đối với Myanmar và vào tháng 12, ông đã chấm dứt những hạn chế đối với viện trợ của Mỹ cho nước này. Động thái này của Tổng thống Mỹ đã bị các cơ quan giám sát minh bạch chỉ trích nặng nề nhưng ông Obama cho rằng đó là điều đúng đắn, người dân Myanmar xứng đáng nhận được phần thưởng từ cách quản lý mới và một chính phủ mới.

Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đồng nghĩa với việc các lệnh cấm nhập khẩu ngọc bích từ lâu của Myanmar và các công ty liên quan đến hoạt động khai thác ngọc của nước này bị xóa khỏi danh sách đen Mỹ. Vào thời điểm đó, Cơ quan giám sát môi trường Global Witness có trụ sở tại London cho rằng, Chính phủ Mỹ đang bỏ đi một trong những rào cản đối với các cựu tướng, trùm ma túy và các công ty quân sự, những thế lực vẫn bí mật kiểm soát các ngành công nghiệp quan trọng như ngọc bích tại Myanmar. Các mỏ ngọc ở Hpakant chỉ cách Myitkyina, thành phố chính của bang Kachin, 100km nhưng phải mất 6-10 giờ đi qua những qua con đường cực kỳ gồ ghề, không được trải nhựa để đến đó. Một số trạm kiểm soát được lập dọc đường và người nước ngoài bị cấm vào khu vực khai thác. Mặc dù bất hợp pháp, người mua Trung Quốc vẫn tìm đường đến các mỏ để không phải mua qua những người trung gian.

Đối với Shima Verma, một người trung gian đến từ bang Rakhine, ông và gia đình đã kinh doanh ngọc bích trong nhiều năm qua. Verma cho biết ông thực hiện hàng chục chuyến đi giữa Hpakant và Mandalay mỗi năm và gặp với những người mua Trung Quốc tại chợ để thực hiện các giao dịch. Đối với những viên đá trung bình, người khai thác ngọc được 60 USD, ông được 150 USD và người mua Trung Quốc sẽ kiếm được 500 USD. Với công việc này, Verma cho biết ông kiếm được 2.000-3.000 USD mỗi tháng, gấp 10 mức lương trung bình ở Myanmar.

Phần lớn ngành khai thác ngọc do chính quyền quân sự kiểm soát. Mặc dù sở hữu nước ngoài là bất hợp pháp tại Myanmar, các nhà sản xuất lớn nhất lại là các Cty có vỏ bọc chính phủ nhưng thực chất lại thuộc sở hữu của người Trung Quốc đến từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông. Ước tính chỉ có 10-15 chủ sở hữu sở hữu khoảng 100 Cty khai thác lớn trong nước. Mỏ Wai Khar được cho là thuộc sở hữu của 5 Cty khác nhau. Các Cty này không kiểm soát được vấn đề an toàn của các công nhân tìm ngọc và không chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra. Khu vực khai thác của các Cty này thường rất khó xác định. Các Cty này thường gian lận giấy phép và được tài trợ bởi các doanh nhân Trung Quốc, đôi khi mang hai quốc tịch. Global Witness cho rằng, đây là một vụ cướp tài nguyên thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Một báo cáo năm 2015 của Global Witness có tên “Ngọc bích: Bí mật Quốc gia lớn của Myanmar” tiết lộ những hoạt động bên trong của ngành khai thác ngọc trị giá 31 tỷ USD. Báo cáo tiết lộ một mạng lưới rộng lớn các Cty liên kết với quân đội Myanmar, các nhóm phiến quân sắc tộc hoạt động trong khu vực, bọn buôn lậu bán ma túy và vũ khí với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo những người bán ngọc ở Mandalay, mỗi ngày có hàng ngàn người đến thị trường ngọc lớn nhất thế giới. Tại Mandalay, người bán kết nối với người mua Trung Quốc, đa số đến từ thị trấn biên giới Ruili ở Vân Nam, Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, buôn bán ngọc chậm lại, nhưng đến năm 2011, ngành công nghiệp ngọc bích ở Ruili phát triển thịnh vượng đã thu hút rất nhiều thanh niên từ khắp Vân Nam đến làm việc ở thị trấn biên giới, tinh chế đá để bán cho khách hàng trên khắp Trung Quốc.

Người mua Trung Quốc kiểm tra các loại đá ở mọi kích cỡ từ những người bán hàng Myanmar, người trung gian hoặc doanh nhân Trung- Myanmar. Một số ngọc đi qua các kênh chính thức đến các cửa hàng đá quý ở Naypyidaw, nhưng hầu hết được buôn lậu tại chợ đen vào Trung Quốc thông qua biên giới gần nhất. Chỉ một phần nhỏ các khoản thu này có thể được theo dõi và bị đánh thuế.

Ngày càng ít giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt. Hiện nay với sự phổ biến của điện thoại thông minh và internet tốc độ cao ở Myanmar, hầu hết người mua Trung Quốc tổ chức đấu giá trực tuyến để giao dịch, nhận tiền thông các ứng dụng Trung Quốc như WeChat hoặc Taobao. Hiện đã có trang Chợ Ngọc bích Taobao, được thành lập bởi chính phủ Trung Quốc và gã khổng lồ thương mại điện tử Taobao. Các giao dịch không dùng tiền mặt này có nghĩa là doanh thu rất khó theo dõi. Ước tính 80% giao dịch không phải trả thuế.

AN BÌNH

(còn nữa)

>> Ngành công nghiệp ngọc bích Myanmar: Canh bạc chết người (Kỳ 1: Máu và nước mắt)