Ngành du lịch Đà Nẵng gặp khó trong công tác tuyển sinh

Thứ hai, 17/05/2021 11:57

Gần 2 năm nay, dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Tỷ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực này cao ở mức chưa từng có. Chính điều này tác động tới tâm lý của các thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào ngành du lịch – lữ hành, cũng như việc tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ở khối ngành này.

Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ “khát” nhân lực du lịch do quan niệm chọn nghề theo “thời thế”.

Em Nguyễn Hoàng Ngân, học sinh lớp 12 trường THPT Thái Phiên (TP Đà Nẵng), với mong muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch, đã làm hồ sơ đăng ký vào chuyên ngành tiếng Nhật - du lịch của Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Đà Nẵng). Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành du lịch ảm đạm này, Ngân cũng đang hết sức băn khoăn với lựa chọn của mình. “Tình hình dịch bệnh đang khó khăn, phức tạp, tỷ lệ thất nghiệp cao nên em đang cảm thấy lo lắng mặc dù là rất yêu thích ngành du lịch” - Ngân chia sẻ.

Đây cũng là nỗi lo của rất nhiều thí sinh vốn có niềm đam mê với ngành dịch vụ, du lịch. Chính khó khăn này cũng khiến nhiều em đã không kiên định với nguyện vọng của mình, điều chỉnh ngành nghề dự tuyển. Chính điều này đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp nghề ở khối ngành này. Điều này đã được phản ánh rõ ràng ở kết quả tuyển sinh tại 1 số trường trong năm học 2020-2021.

Trong khi đó, vào thời điểm này, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam và các nước thế giới. Nguy cơ ngành du lịch sẽ thiếu sinh viên là nỗi lo của nhiều trường trong mùa tuyển sinh năm nay và thậm chí là cả năm tới. Bà Lê Thị Khánh Chi - Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Ý -Việt, TP Đà Nẵng đánh giá, dịch bệnh đã làm giảm tỷ lệ tuyển sinh của trường chúng tôi,đầu vào giảm so với năm 2019, chiếm đến hơn 40% riêng ngành du lịch dịch vụ. Thực tế, ngay từ thời điểm bắt đầu đăng ký nguyện vọng này, các trường THPT cần có một định hướng rõ ràng về nghề, để các em thấy rằng, chọn theo đuổi một công việc cần có một niềm đam mê, theo đuổi dài hạn, chứ không phải chạy theo thị hiếu đám đông hay theo đuổi những công việc mang tính thời vụ.

Nói về câu chuyện này, bà Võ Thị Quỳnh Nga, Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Kinh tế, TP Đà Nẵng đưa ra lời khuyên cho các thí sinh yêu thích lĩnh vực du lịch - lữ hành: “Việc lựa chọn nghề nghiệp là quyết định dài hạn bởi vì hôm nay các bạn ấy lựa chọn thì 4 năm sau thì các bạn ra trường, lúc đó dịch được kiểm soát thì cơ hội việc làm cho sinh viên được rộng mở...”.

Có một thực tế hiện nay, rất nhiều nhân lực ngành du lịch được đào tạo bài bản, chất lượng cao đã thay đổi ngành nghề để kiếm sống sau đợt dịch. Trong khi đó, ở tương lai dù ngắn hay dài, tình hình dịch bệnh chắc chắn sẽ được kiểm soát, kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng sẽ phục hồi. Vậy nên, việc chọn theo đuổi ngành du lịch - lữ hành vào thời điểm này là lựa chọn hoàn toàn đúng, đi hợp với xu thế của thời đại và quan trọng hơn cả là có thể đáp ứng nhu cầu “khát” nhân lực trong vài năm tới.

ĐĂNG NGỌC