Ngành Thủy sản Đà Nẵng thực hiện tốt lời Bác dạy
(Cadn.com.vn) - 55 năm trước, vào ngày 31-3-1959, trong chuyến về thăm cán bộ, nhân dân huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Biển bạc của ta, do dân ta làm chủ”...
Lời Bác luôn nhắc nhở, thôi thúc những người con đất Việt không giây phút nào lãng quên trách nhiệm làm chủ vùng biển của mình và càng có ý nghĩa hơn với lực lượng khai thác thủy sản, ngày đêm bám biển, lao động sản xuất trên các vùng biển của Tổ quốc. Trong những ngày này, ngành thủy sản cả nước đang tưng bừng, phấn khởi kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống (1-4-1959 - 1-4-2014). Hòa trong không khí đó, ngành Thủy sản Đà Nẵng cũng đang ra sức thi đua, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn QPAN trên biển, đảo.
Âu thuyền Đà Nẵng- một trong những nơi trú bão tin cậy của ngư dân miền Trung. Ảnh: H.T |
Nghề cá Đà Nẵng là nghề truyền thống lâu đời, từ năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng đồng loạt nhiều nhà máy, tạo tiền đề về cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội như: Nhà máy nước mắm Nam Thọ, Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh 14, Nhà máy sản xuất bột cá, Xí nghiệp đóng sửa tàu thuyền...
Từ những cơ sở thực tế này, hàng vạn lao động, cán bộ kỹ thuật, quản lý nghề cá được đào tạo, học tập trưởng thành góp phần tích cực trong lao động sản xuất. Nghề cá Đà Nẵng đã chuyển mình sang nền sản xuất hàng hóa, có quy mô ngày càng lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Từ năm 1997 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng, sự phối hợp của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các Hội, đoàn thể, ngành Thủy sản Đà Nẵng đã triển khai có hiệu quả các chương trình kinh tế lớn về khai thác hải sản, chế biến thủy sản, xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá, đưa ngành thủy sản phát triển không ngừng, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và chế biến xuất khẩu thủy sản, kinh tế kết hợp QPAN, giải quyết việc làm. Nhiều công trình mang tầm vóc quốc gia đã được xây dựng, phát triển lớn mạnh như, Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang; Khu trú bão và neo đậu tàu thuyền Thọ Quang, Cảng cá Thọ Quang, Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang... Đặc biệt, Âu thuyền Đà Nẵng trở thành một trong những nơi trú bão tin cậy của bà con ngư dân miền Trung.
Về tổ chức sản xuất trên biển, ngành Thủy sản Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đến nay toàn thành phố đã thành lập 87 tổ khai thác hải sản với 567 tàu (56.843 CV), hoạt động tại các vùng khơi, lộng và ven bờ có hiệu quả. Thành phố đã có 4 nghiệp đoàn nghề cá với 461 thành viên là chủ tàu, thuyền viên tham gia tại các quận Sơn Trà, Thanh Khê.
Các tổ khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi đã phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phòng chống lụt, bão và cứu hộ, cứu nạn trên biển... Thành phố đã hỗ trợ lắp đặt 100 máy thông tin liên lạc tầm xa cho các tổ đánh bắt xa bờ, các trạm trên bờ để xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc giữ các ngư dân hoạt động trên vùng biển và cơ quan chức năng trên đất liền.
Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã điều động 63 lượt tàu/861 lượt CBCS các lực lượng quân đội, cứu nạn cứu hộ, huy động 94 lượt tàu cá ngư dân tham gia cứu nạn 60 lượt tàu/255 người an toàn.
Tính đến năm 2013, thành phố có 1.322 chiếc tàu đánh cá, tổng công suất 99.800 CV, có 97 tàu có công suất trên 400 CV, đã có nhiều tàu có công suất 1.000 CV. Số lượng khai thác hàng năm đạt từ 35 đến trên 40 nghìn tấn thủy hải sản, năm 2013, đạt 43 nghìn tấn, doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 125 triệu USD, chỉ đứng sau ngành điện, viễn thông và dệt may.
Cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân của Chính phủ, TP Đà Nẵng đã có chính sách riêng để hỗ trợ ngư dân vươn khơi như: Chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ có tổng công xuất từ 400CV trở lên với 3 mức 500, 600 và 800 triệu một tàu, đến nay đã hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng. Hỗ trợ 100% bảo hiểm thuyền viên cho các lao động làm việc trên các tàu có công suất từ 50CV trở lên; hỗ trợ hầm bảo quản hải sản, máy dò cá, đào tạo miễn phí hàng ngàn thuyền trưởng, máy trưởng, cấp 1.000 phao cứu sinh, hàng trăm bình chữa cháy...
Vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghề cá được tăng cường, quan hệ sản xuất từng bước được bổ sung tích cực nhằm phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Vì vậy đã góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế thành phố, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay, trước sự cạnh tranh gay gắt, ngành Thủy sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Ngành Thủy sản Đà Nẵng vẫn còn nhiều điều trăn trở, nhiều việc phải làm, ngành Thủy sản Đà Nẵng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, quyết tâm thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy năm xưa: “Biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”.
Lời dạy của Bác có ý nghĩa vô cùng to lớn và ngày càng phải được thấm nhuần trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội và giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đất nước trong tình hình hiện nay.
Hồng Thanh