Ngày ấy ở trại Davis
* Kỳ 1: Hà Nội - Paris- Sài Gòn
(Cadn.com.vn) - Ông Hà Cân- nguyên Đại tá QĐND Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hàng Không dân dụng Việt Nam, người con của quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng đã tham gia phái đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) trong Ban liên lạc Quân sự 4 bên ở trại Davis (Sài Gòn). Thực hiện nhiệm vụ quan trọng được tổ chức phân công, ông cùng đồng đội xử lý những tình huống hết sức thông minh, luôn giành thế chủ động về phía ta đồng thời vạch trần được những âm mưu của Mỹ-ngụy nhằm phá hoại những cam kết trong Hiệp định Paris.
Năm nay bước vào tuổi 90, ông Hà Cân sống cùng với gia đình tại Phan Thiết. Mới đây chúng tôi được người thân của ông chuyển đến một cuốn hồi ký được ông viết lại từ năm 1983, ghi lại một cách cụ thể, logic về cách giải quyết khôn khéo của phái đoàn chúng ta tại trại Davis. Chúng tôi xin lược trích và giới thiệu cùng bạn đọc:
Đại tá Hà Cân. |
Mùa hè năm 1972, anh Lê Kỳ Mỹ lúc đó là Trưởng phòng Quân báo của Bộ Tư lệnh (BTL) Quân chủng Không quân trao đổi với tôi là hiện nay Bộ đang tập trung một bộ phận để nghiên cứu về một hiệp định mà ta có thể ký với Mỹ. Tôi chỉ nghe vậy thôi, nhưng thật bất ngờ lúc 9 giờ ngày 12-10-1972, đang làm báo cáo tại căn lán trại sơ tán ở Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Tây), tôi được BTL gọi lên: "Có lệnh của Tổng cục Chính trị điều động đồng chí đi công tác mới! Hai giờ chiều nay phải có mặt ở phòng thường trực Cửa Đông". Đối với con nhà binh, thì những mệnh lệnh điều động, hành quân cấp tốc là việc như cơm bữa, không có gì lạ, lần này tôi tiếp nhận lệnh mà không đoán nổi mình đi đâu.
Khi đến trạm thường trực Cửa Đông tôi gặp một đồng chí đại úy công binh cũng có một lệnh điều động giống tôi. Cán bộ thường trực mời chúng tôi vào gặp Cục trưởng Cục Bảo vệ và được thông báo Tổng cục điều động chúng tôi về Bộ phận nghiên cứu hiệp định... Thế là câu chuyện của Trưởng phòng Lê Kỳ Mỹ nói hồi nào bây giờ là công tác mới của tôi.
Tôi được phân công về bộ phận nghiên cứu các điều khoản về "thay thế vũ khí" trong hiệp định. Những ngày ở ban nghiên cứu chỉ có mấy điều phải đọc đi, đọc lại, nghiên cứu những tình huống, khía cạnh khác nhau. Trong thời gian chuẩn bị ở Ban nghiên cứu Hiệp định thỉnh thoảng được nghe các đồng chí đã tham gia Liên hợp Quân sự Việt- Pháp giới thiệu kinh nghiệm. Khoảng cuối tháng 10-1972, tình hình chuẩn bị khá khẩn trương cho việc ký kết hiệp định nhưng bất ngờ Mỹ lật lọng, việc ký kết không thực hiện sớm và sau đó là chiến dịch B.52 của Mỹ ném bom ồ ạt xuống Hải Phòng, Hà Nội. Tôi còn nhớ, đêm 16-12-1972 đang ngủ nghe tiếng động cơ ì ì trên bầu trời. Sau đó là tiếng bom, tiếng pháo cao xạ, tên lửa vang rền. Hết đợt không kích chúng tôi được thông báo là ta đã bắn rơi B.52 tại chỗ ở huyện Đông Anh. Phấn khởi quá, nhưng cơ quan phải khẩn trương sơ tán lên Thạch Thất. Liên tiếp những ngày ấy là những đợt B.52 của Mỹ rải bom xuống thủ đô Hà Nội. Quân và dân ta đã đánh trả quyết liệt những đợt không kích của Mỹ, bắn rơi nhiều máy bay B.52, bắt nhiều giặc lái. Sau những thất bại nặng nề trong 12 ngày đêm, Mỹ buộc phải nối lại thương lượng và ngừng ném bom.
Bộ trưởng Ngoại Giao CPCMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định. |
Ban nghiên cứu hiệp định khẩn trương chuẩn bị cho việc triển khai khi hiệp định sẽ được ký kết. Hàng loạt cán bộ được điều động về khu Văn Công- Cầu Giấy học tập, nghiên cứu. Cấp trên quyết định đưa một bộ phận cán bộ sang Paris dự trù bị phiên họp, triển khai Ban liên hợp Quân sự. Lại một lần nữa, tôi phải chuẩn bị khẩn trương mọi việc trước 11 giờ ngày 20-1-1973, hộ chiếu, lãnh quần áo, thanh toán... Mỗi người mang theo 2 vali là quân trang đi B và một số trang bị đi Tây, đi vào những ngày mùa đông mỗi người còn mang theo chiếc áo chống lạnh to tướng và một chiếc mũ lông trông rất buồn cười.
Khoảng 12 giờ trưa ngày 20-1-1973 chúng tôi lên xe để ra sân bay Gia Lâm. Máy bay IL18 của Aeroflot đưa chúng tôi sang Matxcova rồi từ đây đi IL62 sang Paris, sau một giờ máy bay hạ cánh xuống Vientiane (Lào) để nạp nhiên liệu tiếp tục bay đến Rangoon (Myanmar) rồi đến Bombay (Ấn Độ) và hạ cánh ở Taskent lúc trời mờ sáng. Đoàn làm thủ tục nhập cảnh vào Liên Xô, nghỉ xả hơi ở Taskent chuẩn bị bay đến Matxcova. Trong chặng bay tiếp có chị Nguyễn Thị Bình khi đó Bộ trưởng Ngoại Giao CPCMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngồi ở khoang trên. Chẳng bao lâu máy bay thông báo hạ cánh xuống Orly- Paris.
Chúng tôi vào phòng khách danh dự nơi đón tiếp chị Bình. Buổi gặp gỡ người Việt xa Tổ quốc thật cảm động. Đi cùng đoàn xe với chị Bình nên có mô-tô hộ tống. Khi về, đoàn xe chị Bình rẽ về Verrieus le Buisson, còn xe chúng tôi đi về Massy là nơi cơ quan đoàn đại biểu CPCMLT đóng.
Ngày 23-1-1973 Hiệp định được ký tắt và chúng tôi được phổ biến là cuộc họp trù bị về Ban liên hợp quân sự sẽ không họp ở Paris mà họp ở Sài Gòn. Cấp trên thông báo chúng tôi thu xếp để trưa 27-1-1973 về Sài Gòn. Trong những ngày chờ đợi chúng tôi đến nghe đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Cơ Thạch phổ biến những nhiệm vụ cần làm. Ngày 27-1-1973 trong lúc Đoàn ở Paris chuẩn bị ra phòng họp ở phố Kleber để dự lễ ký kết hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chúng tôi ra Orly để đáp máy bay về Sài Gòn. Ra đến ga, một sĩ quan liên lạc Mỹ đến gặp chúng tôi, đó là trung tá Adamo, người sẽ đưa chúng tôi về Sài Gòn. Chúng tôi gồm hai đoàn, đoàn miền Bắc do Đại tá Lưu Văn Lợi dẫn đầu, đoàn miền Nam do Đại tá Đặng Văn Thu dẫn đầu, 11 giờ máy bay cất cánh qua các chặng Nice, Athenes, Beyrouth, Karasi và đến Bangkok (Thái Lan). Sĩ quan liên lạc Mỹ cho biết 2 đoàn sẽ xuống Bangkok vì chuyến bay này không ghé Sài Gòn, sẽ có máy bay không quân ngụy sang đón, xuống máy bay chúng tôi được mời vào phòng khách khá lịch sự chứ không vào nhà ga, và rồi va li của chúng tôi được chất lên 2 chiếc C47 của không quân Ngụy mang phù hiệu Sư đoàn 5 không quân. Sau độ 2 giờ bay, chúng tôi đã ở trên bầu trời miền Nam. Máy bay hạ cánh đầu Đông sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) và lăn đỗ trước ga quân sự, ngăn cách với sân bay dân dụng bằng một bức tường chắn bằng sắt uốn hình chữ U, chúng tôi chuẩn bị xuống máy bay. Một cảnh sát ngụy lên máy bay yêu cầu chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh. Hai trưởng đoàn từ chối yêu cầu này và một cuộc đấu tranh giằng co, bên ta từ chối vì chúng ta đến đây theo các điều khoản của Hiệp định Paris cho nên không có việc làm thủ tục nhập cảnh. Rất đông cảnh sát và phóng viên báo chí đang tập trung ở nhà ga quân sự để chờ đợi giây phút nhìn thấy mấy ông Việt Cộng bước xuống máy bay. Hai đồng chí trưởng đoàn viết một bức điện nhờ Đại sứ Ba Lan cùng đi với chúng tôi chuyển về Hà Nội, Đồng chí Đại sứ Ba Lan vẫn ở trên máy bay với chúng tôi mặc dù đồng chí ấy có thể rời máy bay bất cứ lúc nào.
Ngày 28-1, ngày đầu tiên Hiệp định Paris có hiệu lực là như vậy đó. Ngay từ đầu đã thấy sự lật lọng của Mỹ. Đêm đó chúng tôi ở trên máy bay, kẻ thức, người ngủ bên ngoài phóng viên báo chí chờ đợi khá đông cũng trong mệt mỏi. Đêm TSN đầu tiên của chúng tôi khá dài, không biết ngày mai chúng có giở thêm trò gì. Sáng 29-1-1973 hai trưởng đoàn đề nghị Đại sứ Ba Lan cứ rời máy bay. Khoảng 9 giờ sáng sĩ quan liên lạc Mỹ mang đến công hàm của Mỹ - ngụy trong BLH quân sự phản đối đoàn ta không đến họp đúng giờ. Một trò hề!, Trưởng đoàn chúng ta làm công hàm phản đối. Đến 12 giờ một đoàn xe Ford đen cắm cờ trắng chạy ra đậu trước sân ga, sĩ quan liên lạc Mỹ đến báo: "Mọi thủ tục dàn xếp xong, mời các ông về trại Davis". Các trưởng đoàn yêu cầu nhổ cờ trắng. Xe chạy dọc đường băng về trại Davis. Gọi là trại không sai chút nào. Đó là một trại lính Mỹ ở sát hàng rào với sân đậu máy bay vận tải dựng bằng vách gỗ, lợp tôn tất cả đều dựng theo kiểu tạm thời. Chúng tôi thay quân phục và chuẩn bị họp cuộc họp đầu tiên. Từ trại Davis đến phòng họp không xa lắm, mỗi đoàn có phòng họp riêng được chuẩn bị đầy đủ bút viết, bàn họp chung hình vuông trải nỉ xanh, đoàn miền Bắc ngồi đối diện với đoàn Mỹ, đoàn miền Nam ngồi đối diện với đoàn ngụy. Không khí khá căng thẳng. Mục hỏi ủy nhiệm thư của Chính phủ, chúng ta không đưa vì việc này đã giải quyết ở hội nghị Paris, sau đó chúng ta phản đối việc giữ trên máy bay quá lâu. Cuộc họp đầu tiên không giải quyết được vấn đề gì. Ngày hôm sau cuộc họp giải quyết cờ của Liên hợp, ta đòi dùng màu đỏ, ngụy đòi dùng màu vàng, Mỹ đề nghị chọn màu da cam và một sĩ quan Mỹ mang đến mẫu vải màu da cam làm mẫu, chúng ta đồng ý màu đó từ đó BLH dùng cờ da cam có số 4 để cắm trên xe của mình và các sĩ quan đeo băng tay màu da cam có chữ số 4 để làm việc. Ngoài một số mặc quân phục QĐND Việt Nam, còn có một số mặc quân phục quân giải phóng.
Mấy ngày đầu chúng tôi đến Sài Gòn là như vậy. Phải "đấu" ngay từ phút đầu máy bay dừng bánh và "đấu" không ngừng từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.
Mai Phúc (lược trích)
(còn nữa)