Ngày ấy ở Vị Xuyên...

Thứ ba, 19/02/2019 16:00

Là một trong hai cựu chiến binh (CCB) đại diện cho Đà Nẵng vinh dự tham gia cuộc gặp mặt thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 1-2019 vừa qua, Đại úy Trương Khánh Hợp (1952), quê TP Hà Tĩnh, hiện trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết "cảm giác như được sống lại thời khắc lịch sử 40 năm trước". Bồi hồi, xúc động, cảm xúc vỡ òa khi gặp lại những người đồng đội, có thể trước đó chưa hề quen biết nhưng lại một thời trai trẻ cùng chung chiến hào...

CCB Trương Khánh Hợp kể lại thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ 1979-1988.

CCB Trương Khánh Hợp bảo, từ Đà Nẵng ra Hà Nội dự buổi gặp mặt, ông cùng một CCB khác đại diện cho Hội CCB Đà Nẵng đi trên cùng một chuyến bay. Trước đó, dù hai người chưa quen biết nhưng khi nghe giới thiệu từng chiến đấu tại cùng một trận địa thì "cả hai như một". "Chúng tôi trò chuyện say sưa đến nỗi quên cả thời điểm máy bay hạ cánh, chỉ khi được tiếp viên hàng không thông báo mới biết mình đã đến Hà Nội", CCB Hợp nói. Theo CCB Trương Khánh Hợp, ngay cả khi vào cuộc gặp gỡ, tất cả những người có mặt dù xa lạ nhưng rất đỗi thân quen, như từng cùng ở một đơn vị, tay bắt mặt mừng, rưng rưng ký ức. "Gặp nhau kể chuyện không ngừng nghỉ. Hồi ức về một thời trai trẻ cứ thế ùa về. 40 năm rồi, có những khuôn mặt giờ nhớ nhớ quên quên, nhưng trong ánh mắt mỗi người vẫn hiện lên một nỗi niềm khó tả", CCB Hợp nói. Rồi những câu chuyện được những người tham dự lần lượt kể. Có chiến công, có niềm đau, có suy tư, nỗi niềm... tất cả cứ thế ùa về. "Trong câu chuyện kể về cuộc chiến, có nhiều trận đánh ác liệt lắm, nếu chỉ nghe thôi thì khó ai có thể tin đó là sự thật", CCB Hợp hồi tưởng. Có một CCB ở Huế kể tại buổi gặp mặt rằng, hồi đó ông làm công an vũ trang chốt ở cửa Hữu Nghị quan. Sau một trận chiến đấu, cả đại đội của ông chỉ còn vỏn vẹn... 2 người. Sở dĩ hy sinh nhiều là do bị bao vây 4 phía, chết do đạn pháo, do bị thương mà không được cứu chữa kịp thời... "Như ở Vị Xuyên chẳng hạn, có người phải hy sinh đến... lần thứ tư, chứ không phải một. Hy sinh rồi, đợt pháo sau lại "hy sinh" tiếp, và cứ thế liên tục thân xác phải chịu những đợt pháo kích của địch. Bắn cả ngày, nhồi như thế bảo sao thân xác không tan tác nhiều lần", CCB Hợp rưng rưng. Kể những chuyện này không phải để mà đau thương, bị lụy, mà ngược lại, qua đó cho thấy tinh thần chiến đấu, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì dân tộc. "Người lính, dù chỉ còn duy nhất một mình cũng không nao núng, họ cầm súng để giữ bằng được từng tấc đất cho quê hương", CCB Hợp nhìn nhận...

Năm 1970, Trương Khánh Hợp nhập ngũ, vào chiến trường Nam Lào 120 ngày đêm là chiến sĩ pháo 12,2mm. Trải qua nhiều chiến trường ác liệt từ Lào, Tây Nguyên, Sài Gòn..., ông bị thương và sau đó được cử đi học tại Trường sĩ quan quân chính, Trường chính trị Quân khu 4... Cuối năm 1978, ông ra trường về nhận nhiệm vụ Chính trị viên đại đội, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (Quân khu 2) tham gia chiến trường Campuchia. Đến đầu tháng 3-1979, đơn vị ông nhận nhiệm vụ trở ra miền Bắc. Từ TP Hồ Chí Minh, từng đơn vị bộ đội chủ lực lần lượt hành quân ra Bắc, riêng đơn vị ông đóng quân tại Định Hóa (Thái Nguyên) để chiến đấu. Trong thời gian này, khi Trung Quốc rút quân, tình hình biên giới đã bắt đầu ổn định, Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ chốt giữ biên giới phía Đông Bắc (vùng từ Thái Nguyên đến Lạng Sơn và vùng biển). Năm 1984, mặc dù đường biên giới được định hình, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp, Trung Quốc liên tục gây rối, thực hiện ý đồ lấn chiếm, trong đó có vùng đất Vị Xuyên, nơi có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng, vì vậy mặt trận Vị Xuyên ra đời. "Nơi đây được xem là lò vôi thế kỷ, đạn bom bắn phá ác liệt đến nỗi toàn khu vực núi đá bị xới tung, sức nóng của bom đạn khiến đá ở đây biến thành vôi", CCB Hợp kể. Cũng vì vậy mà nhiệm vụ bảo vệ, chốt giữ từng tấc đất ở Vị Xuyên của những người lính tưởng như đơn giản, nhưng thực ra khó khăn, gian khổ, ác liệt vô cùng, có người ví "còn hơn cả chiến trường Quảng Trị 1972".

Hơn 11 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (từ 1979 đến 1990), kỷ niệm mà ông vẫn còn nhớ như in, thậm chí bị "ám ảnh" ngoài các trận chiến đấu ác liệt từng diễn ra, thì đó là hình ảnh về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ làm nhiệm vụ chốt giữ tại các điểm cao ở Vị Xuyên. "Khó khăn, vất vả lắm, nhưng ai cũng một lòng vì nhiệm vụ", khi nhớ về thời gian này, CCB Hợp không giấu nổi những giọt nước mắt. "Có thời điểm phải nằm hầm hàng tháng trời, do thiếu thốn, kham khổ về vật chất, lại thiếu ánh sáng nên chân tay chiến sĩ ai cũng bị phù. Những ngày mưa gió, hầu như quần áo ướt hết, phải thay nhau lấy chăn quấn lại. Thậm chí khi cấp trên đến thăm cũng chỉ biết nằm một chỗ vì thiếu quần áo mặc", CCB Hợp xúc động hồi tưởng. Tuy khó khăn, gian khổ là thế, nhưng tinh thần của các chiến vẫn luôn kiên định, một lòng vì nhiệm vụ. Với họ, mỗi tấc đất biên cương thiêng liêng không gì có thể đánh đổi được, dù có hy sinh cũng phải giữ cho mảnh đất ấy được vẹn toàn...  

Nhớ lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải để khoét sâu nỗi đau thương, mất mát, "nuôi dưỡng" sự hận thù mà là để cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về lịch sử, về tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và dân ta trước kẻ thù. Và một yếu tố không kém phần quan trọng khác phải khẳng định, đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà hàng nghìn năm qua các thế hệ ông cha đã đổ bao mồ hôi xương máu để bảo vệ giữ gìn.

DOÃN HÙNG