Ngày đầu tăng viện phí ở Đà Nẵng: Tăng áp lực cạnh tranh cho các bệnh viện

Thứ tư, 02/03/2016 09:35

(Cadn.com.vn) - Ngay trong ngày 1-3, ngày đầu tiên tăng giá viện phí gần 1.900 dịch vụ từ  2-7 lần, ghi nhận tại các BV ở Đà Nẵng có những thay đổi tích cực. Tuy vậy, nhiều  người bệnh lại tỏ ra ngơ ngác, không biết thông tin về sự thay đổi quan trọng này.

 Bảng giá tăng dịch vụ y tế được công khai ở BV Đà Nẵng nhưng rất ít BN quan tâm.

 Người bệnh ngơ ngác

Sáng 1-3, BV đa khoa Hòa Vang tiếp hàng trăm lượt bệnh nhân (BN) tới khám, điều trị. Tuy số lượng BN tới khám không tăng hơn so với mọi khi nhưng cung cách phục vụ của BV có thay đổi. BN Nguyễn Văn Đức ở Hòa Khương nói, trước đây tới khám thường phải chờ đợi từ lúc làm thủ tục đến nhận thuốc ra về mất gần 1 giờ đồng hồ, thì nay chỉ còn nửa giờ. Tại khu vực tư vấn, làm thủ tục, khám nội..., có lưu lượng BN đông, BV đã chủ động kê thêm bàn, cử thêm nhân lực để rút ngắn thời gian phục vụ người bệnh.

BS Nguyễn Đại Vĩnh - Giám đốc Trung tâm y tế Hòa Vang cho biết, theo mức tăng giá viện phí mới từ 1-3 áp dụng cho BV Hòa Vang là hạng ba, thì giá khám bệnh sẽ tăng từ 7 ngàn đồng/lượt lên 10 ngàn đồng/lượt. Bên cạnh đó, giá giường bệnh theo ngày, giá các dịch vụ kỹ thuật cũng tăng khoảng 30%, tuy vậy chỉ áp dụng cho các BN có BHYT. Hòa Vang dù là địa phương khó khăn nhất Đà Nẵng song tỷ lệ bao phủ BHYT vẫn đạt 95% nên tác động của đợt tăng giá dịch vụ y tế lần này không nhiều. Tuy vậy, đã tăng giá dịch vụ y tế thì đòi hỏi về chất lượng dịch vụ cũng phải tăng tương ứng. 

Trong khi đó, ghi nhận ở BV Đà Nẵng, tại khu vực làm thủ tục đăng ký khám, điều trị danh mục tăng giá, mức tăng các dịch vụ y tế cơ bản đã được treo lên bảng lớn để người dân tiện theo dõi. Song, khi được hỏi nhiều bệnh nhân không hề biết giá dịch vụ y tế sẽ tăng từ ngày 1-3. Ông Trần Thường (56 tuổi, xã Quế Thuận, H. Quế Sơn, Quảng Nam) bị viêm tai, tác động tới thần kinh phải ra BV Đà Nẵng mổ, nói rằng không biết giá dịch vụ y tế sẽ thay đổi. Ông Thường chia sẻ, gia đình làm nông rất khó khăn, khi bị bệnh theo BHYT sẽ khám ở BV đa khoa Điện Bàn. Tuy nhiên sau khi chẩn đoán, BS nói phải mổ, nên chuyển viện ra BV Đà Nẵng. Ông Thường lo lắng, khi chuyển ra Đà Nẵng, BHYT sẽ thanh toán thấp hơn đúng tuyến đã là gánh nặng, rồi các dịch vụ BHYT không chi trả, nay giá dịch vụ lại tăng, không biết số tiền gia đình ông dành dụm có đủ chữa trị hay không?

Vì không có BHYT, không bị điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lần này, nhưng nỗi lo với gia đình ông Nguyễn Độ (64 tuổi, tổ 11, P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) còn căng thẳng hơn nhiều. Ông Độ cho biết vợ mình bị bệnh phổi đang nằm hồi sức cấp cứu 2 ngày nay, mới đợt đầu thanh toán viện phí đã hết 12 triệu đồng, phải đi vay nóng của người ta. “Tôi dành dụm được ít tiền mua BHYT cho vợ, nhưng ra phường mua người ta không bán, bảo phải mua cả hộ khẩu. Mà hộ khẩu nhà tôi 19 người, ở trong căn nhà 13,7m2 tại xóm chợ Cồn, nếu mua BHYT 19 người, mỗi người 600 ngàn đồng tính ra gần 12 triệu đồng, tiền đâu mà mua, nên đành thôi”, ông Độ phân trần.

 Tại hành lang BV Đà Nẵng trong ngày 1-3, khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng.

Tăng cạnh tranh cho bệnh viện

Chất lượng phục vụ BN phải được tăng lên, đó là yêu cầu bắt buộc khi tăng giá dịch vụ y tế. Chất lượng phục vụ không chỉ là cơ sở vật chất, tay nghề, thái độ thân thiện mà còn là môi trường thực sự chuyên nghiệp, thoải mái. Mặc dù gần 1.900 dịch vụ đều được áp dụng tăng tại BV Đà Nẵng, song thực tế thời gian chờ đợi khi khám bệnh quá lâu, tình trạng quá tải khi phải nằm trên 2 người một giường vẫn chưa được cải thiện. Anh Đỗ Ngọc Vinh (35 tuổi, xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi) bắt xe đò ra Đà Nẵng khám bệnh vì tin tưởng chất lượng khám chữa bệnh ở BV Đà Nẵng hiệu quả hơn ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, riêng việc chờ để được làm thủ tục khám đã mất gần 1 giờ đồng hồ khiến anh rất oải. Tương tự thế là tình trạng nằm ghép, khiến BN dù đau đớn cũng phải ráng chịu đựng.

BS Trần Ngọc Thạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết, việc tăng giá dịch vụ y tế lần này ít ảnh hưởng tới người nghèo, song ảnh hưởng tới CBNV, HS, SV vì đồng chi trả 20%. BV đã quán triệt CBNV không thu thêm bất cứ một khoản gì khác, đồng thời công khai bảng giá tăng để người bệnh theo dõi. Với tình trạng người bệnh chờ đợi khám lâu, quá tải BN/giường bệnh, BS Thạnh nói, BV đang cố gắng hết sức để mỗi BN có 1 giường bệnh. Trong tháng 4 này sẽ mở rộng trung tâm tim mạch, tiến tới mở rộng thêm trung tâm chấn thương thần kinh, khu hồi sức... là những nơi có lượng BN chen chúc. Việc quá tải này thành phố đã nhận thấy và đầu tư hàng trăm tỷ đồng để giải quyết. Cũng phải nói thêm, cả nước chỉ có 35,1 giường bệnh/vạn dân, trong khi Đà Nẵng tới 66 giường bệnh/1 vạn dân, tỷ lệ giường bệnh như thế là cao. Tuy nhiên vẫn quá tải là bởi các BV ở Đà Nẵng có sức hút với các tỉnh lân cận, khi mà 1/3 bệnh nhân Quảng Nam, Quảng Ngãi đổ về Đà Nẵng.

“Tăng giá dịch vụ y tế lần này là một sự thay đổi tài chính lớn của BV nhằm tiến tới lộ trình tự chủ tài chính vào năm 2018, thông tuyến BHYT các tỉnh vào năm 2021. Do vậy, việc nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện hạ tầng cơ sở sẽ giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho BV trong tương lai”, BS Thạnh nói.

Hải Quỳnh