Ngày đầu tiên xử vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2: Mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo

Thứ ba, 04/04/2017 10:49

(Cadn.com.vn) - Ngày 3-4, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối với các bị cáo Lê Công Chí (1975, nguyên thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa, trú Q. Sơn Trà) về tội “Vi phạm giao thông đường thủy”, Võ Quốc Hùng (1972, chủ doanh nghiệp tư nhân Thảo Vân, trú Q. Hải Châu) và Nguyễn Ngọc Quân (1981, nguyên nhân viên quản lý tàu du lịch đường thủy nội địa, trú Q. Hải Châu) cùng về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”, Lê Sáu (1975, nguyên Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, trú Q. Hải Châu) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo nội dung vụ án, 20 giờ 30 ngày 4-6-2016, tàu DNa 0016 (Thảo Vân 2) do Chí điều khiển chở khách du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) chở quá số lượng người cho phép trong khi không đảm bảo các điều kiện an toàn đối với người và phương tiện theo quy định, dẫn đến lật tàu làm 3 người chết, 4 người bị thương với tổng tỷ lệ là 45%. Thiệt hại về tài sản hơn 570 triệu đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong đó, các bị cáo bị truy tố cụ thể như sau: Bị cáo Chí được xác định là người được Hùng thuê điều khiển tàu Thảo Vân 2 với vai trò là thuyền trưởng, kiêm luôn lái tàu, làm thợ máy… Quá trình vận hành tàu Thảo Vân 2, Chí chở vượt 23 người so với số lượng cho phép, không kiểm tra điều kiện an toàn đối với người và phương tiện, không phổ biến nội quy an toàn và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho khách, dẫn đến lật tàu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo trong phiên tòa ngày 3-4.

Hùng là chủ phương tiện, đã có hành vi đưa phương tiện đường thủy nội địa không đủ điều kiện vào hoạt động kinh doanh, sử dụng phương tiện không đúng công dụng như: lấy mui tàu làm nơi bố trí khách ngồi, không bố trí đủ định biên cho phương tiện chở 28 người, chỉ bố trí một người vừa làm nhiệm vụ thuyền trưởng vừa lái tàu, vừa làm thợ máy nên không có điều kiện kiểm tra vận hành như chức năng của một thuyền trưởng theo quy định. Các nhân viên phục vụ trên phương tiện không có thẻ thuyền viên, không được tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn về vận tải du lịch khi sắp xếp, bố trí khách trên tàu không hợp lý nên khi xảy ra sự cố thì không xử lý được; giao cho các đối tượng điều khiển phương tiện không đảm bảo các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nội địa, tổ chức bán vé và đưa khách lên tàu quá số lượng quy định, sắp xếp bố trí khách ngồi không đúng nơi quy định, dẫn đến lật tàu gây hậu quả nghiêm trọng.

Quân là người được Hùng giao nhiệm vụ quản lý tàu về các hoạt động thu, chi, sắp xếp, tổ chức đặt in vé, bán vé thu tiền, bố trí khách lên tàu và biết tàu này không đủ điều kiện hoạt động kinh doanh nhưng vẫn đưa vào sử dụng phương tiện không đúng công dụng như lấy mui phương tiện làm nơi bố trí khách ngồi, tổ chức bán vé và đưa khách lên thuyền quá số lượng quy định, dẫn đến lật tàu.

Sáu là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng, có trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động của Cảng vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định nhưng thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, xử lý nghiêm việc phương tiện Thảo Vân 2 hoạt động trái phép từ năm 2015 đến tháng 4-2016, để chủ tàu này neo đậu trái phép tại bến cảng Sông Hàn, tự do hoạt động trong một thời gian dài. Mặt khác, từ tháng 2-2016, Sở Giao thông TP Đà Nẵng đã tổ chức họp chỉ đạo xử lý lai dắt tàu Thảo Vân 2 đưa về neo đậu, quản lý tại Trạm Biên phòng không cho hoạt động trước 20 giờ ngày 2-6-2016, nhưng Sáu tổ chức thực hiện không triệt để, thiếu trách nhiệm, để tàu này hoạt động trái phép từ đêm ngày 2 và 3-6-2016. Đêm 4-6-2016, Sáu không tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm để tàu này tiếp tục bán vé, thu tiền đưa khách lên tàu du lịch trên sông Hàn quá số lượng quy định, dẫn đến lật tàu.

Sau khi VKSND công bố cáo trạng, bị cáo Quân và bị cáo Sáu không đồng ý với tội danh mà VKSND truy tố. Trong phần xét hỏi, bị cáo Chí là người được thẩm vấn đầu tiên. Chí khai rằng bị cáo biết tàu không đủ điều kiện lưu thông nhưng vẫn cố tình cho tàu xuất bến hoạt động bình thường. “Quân là người bán vé, khi khách lên tàu bị cáo thấy trên 30 người nên có nói với Quân “tàu đã quá số người cho phép, đừng bán vé nữa nhưng Quân im lặng. Bị cáo đã nói với Đỗ Xuân Thông (1970, anh rể của Hùng) nhờ nói lại với Quân về việc dư người” - bị cáo khai. Bị cáo là người làm thuê, nhận tiền theo chuyến. Cụ thể chuyến đầu tiên bị cáo nhận 100 ngàn đồng, chuyến tiếp theo được trả 50 ngàn đồng. Theo bị cáo việc tàu có hoạt động hay không là do quyết định từ Quân (Quân là em vợ của Hùng nên được Hùng giao nhiệm vụ quản lý) cho nên dù biết tàu không được phép nhưng theo “lệnh” của Quân thì bị cáo vẫn thực hiện. Sau khi báo cho Quân biết việc dư người, bị cáo xuống khoang để vận hành máy nên không biết đến số lượng khách lên nhiều như vậy. Khi sự việc xảy ra, bị cáo đã điện thoại cho Quân (lúc này ở trên bờ), điện thoại cho chủ tàu đang hoạt động gần đó nhờ cứu, lúc tàu chìm bị cáo đã nhảy xuống cứu 2 đứa trẻ, 1 chị gái và một người nước ngoài. Bị cáo khẳng định, nếu không có lệnh của Hùng và Quân thì bị cáo không thể tự ý cho tàu vận hành.

Luật sư (LS) đặt ra câu hỏi, nếu theo lời khai của Chí, mức lương Chí nhận không phụ thuộc vào lượng khách có trên thuyền mà nhận theo chuyến thì vì lý do gì bị cáo lại chấp nhận cho tàu lưu thông khi tàu chở quá số người? Thay vì một chuyến cho phép tối đa 28 người trong khi trên tàu lúc này có tới 56 người, Chí có thể chia làm 2 chuyến để có thêm 50 ngàn đồng cho một lượt? Và, như vậy liệu Chí có phải là người có toàn quyền trong việc quyết định tàu dừng hay đi… Theo bị cáo khai nhiều lần nhắc nhở ông Hùng về việc bổ sung giấy tờ cho đầy đủ nhưng ông Hùng nói rằng đó không phải là việc của bị cáo. Bị cáo chỉ là người làm thuê, kiếm gạo nuôi con nên không thể nói bị cáo được quyền định đoạt gì trong việc vận hành tàu Thảo Vân 2.

Đối lập với lời khai của bị cáo Chí, bị cáo Hùng (chủ tàu) cho rằng, vì bị cáo ốm nên đã giao cho Chí toàn quyền trong việc lưu thông tàu. “Trước đó tôi đã giao trách nhiệm cho thuyền trưởng. Có nghĩa là Chí có quyền quyết định chạy hay không chạy chuyến đó” - Hùng nói. Hùng khẳng định, Chí khai hoàn toàn sai sự thật. Tuy nhiên, cũng trong lời khai của mình, Hùng khẳng định, Chí lao động không có ký kết hợp đồng, lương nhận theo chuyến… Quân là người tổ chức bán vé, in vé, mua xăng dầu, thu tiền… mang về cho Hùng. “Tất cả là do Chí, vì nếu Quân có bán vé nhưng Chí không chạy thì vẫn không chạy, đó là lệnh của tôi đối với Chí trước đó” - bị cáo Hùng khai. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây, tại sao Hùng lại để người làm thuê toàn quyền quyết định trong việc này, liệu lời khai của bị cáo có hợp lý? Cũng theo lời bị cáo Hùng, tàu bị cáo đủ điều kiện nhưng chỉ thiếu 1 giấy thông tuyến mà thôi và trước khi vụ việc xảy ra, bị cáo đang tiến hành thủ tục(?!). Về việc in vé sai quy định (không có cuống vé lưu nên dẫn đến không kiểm soát được số người có trên tàu khi xảy ra sự cố), Hùng cho rằng biết sai nhưng vì khi bị cáo ốm đã giao cho Quân quản lý chung nên không biết diễn biến sau đó…

Bị cáo Quân phản bác lại toàn bộ lời khai của Hùng, cho rằng lời khai đó hoàn toàn sai. Bị cáo không có bằng cấp nên không có việc quản lý mà chỉ đang giúp anh chị mà thôi. Hằng tháng bị cáo nhận 3 triệu đồng tiền lương, không hề có việc được anh Hùng giao quản lý. Khi được hỏi ai là người có quyền quyết định tàu được phép đi - dừng, bị cáo Quân khẳng định Hùng là người quyết định. Bị cáo chỉ đứng trên bờ bán vé, thỉnh thoảng tham gia pha chế nước… Bị cáo không có quyền, không có tài sản nên càng không có quyền đưa tài sản này vào hoạt động. Vì vậy, truy tố bị cáo tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” là không đúng…

Hôm nay (4-4), TAND TP Đà Nẵng tiếp tục với phần xét hỏi đối với bị cáo Sáu và phần luận tội.

Trang Trần