Ngày hội tình làng nghĩa xóm

Thứ ba, 06/11/2018 19:20

Ngày 4-11, không khí ngày hội Đại đoàn kết toàn dân của 5/10 thôn của xã Hòa Phước (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11-1930 – 18-11-2018) đã lan tỏa khắp làng trên, xóm dưới. Ngày hội chính là dịp để nhân dân và các đại biểu tham dự cùng nhau đánh giá kết quả việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện nếp sống văn hóa ở địa phương. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cùng sinh hoạt với nhân dân, qua đó thắt chặt mối quan hệ với dân, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Người dân Nhơn Thọ 2 (xã Hòa Phước) tham gia trò chơi “bịt mắt, bắt vịt” tại ngày hội Đại đoàn kết năm 2018.

“Từ nhiều năm nay, ngày hội này đã trở nên quen thuộc, đi vào nề nếp của người dân địa phương, bởi nó phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của bà con. Ngày hội không chỉ đem đến không khí đầm ấm, hòa thuận của tình làng nghĩa xóm mà còn là diễn đàn rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngay từ cơ sở; cùng nhìn nhận lại những kết quả đạt được sau một năm phấn đấu và tìm ra những giải pháp để khắc phục khó khăn” - Chủ tịch UBMTTQ xã Hòa Phước Nguyễn Bút cho biết.

Theo kế hoạch, mỗi thôn có chương trình ngày hội riêng nhưng vẫn đảm bảo 2 phần là phần lễ và phần hội với các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian; đồng thời đánh giá kết quả một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, qua đó biểu dương những nhân tố tiêu biểu trong cộng đồng dân cư. Nói về kinh nghiệm xây dựng, gìn giữ thôn văn hóa nhiều năm liền, Bí thư chi bộ thôn Trà Kiểm Trần Viết Quốc chia sẻ: “Điều cốt yếu là phải phát huy dân chủ trong nhân dân trên cơ sở “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân” đã được các hội đoàn thể, các tộc họ trong thôn cam kết thi đua, thực hiện. Mọi người dân đều nhận thức được rằng xây dựng thôn văn hóa bền vững sẽ làm cho kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó. Thôn xóm yên vui, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”.

Có một thực tế là xã hội càng phát triển theo hướng hiện đại thì các giá trị văn hóa càng có nguy cơ khó bảo tồn. Một khi cộng đồng không còn giữ được tình làng nghĩa xóm, gia đình không còn giữ được các chuẩn mực và giá trị truyền thống thì thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý sẽ bị chà đạp. Cho nên, nếu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà không phát huy được vai trò chủ thể của người dân để giữ gìn giá trị văn hóa thì chẳng khác nào “muối bỏ biển”. Bà Nguyễn Thị Định - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nhơn Thọ 2 xác nhận: “Từ sáng sớm, hơn 230 hộ dân trong thôn đã tụ tập về nhà văn hóa, người thì trau chuốt lại các lều trại cho thêm phần tươm tất, người thì chuẩn bị tham gia phần hội với các trò chơi dân gian. Tất cả tạo nên một không khí đầm ấm, phấn khởi, vui tươi. Ngày hội được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, an toàn nhưng vẫn mang lại cho mọi tầng lớp nhân dân và các đại biểu tham dự một ngày hội thật ý nghĩa, bổ ích”… Bên cạnh đó, thông qua ngày hội, các thôn cũng có kế hoạch tiếp tục vận động nhân dân đóng góp công sức cùng với chính quyền địa phương gìn giữ bền vững các tiêu chí nông thôn mới, đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hàng rào xanh tạo cảnh quan và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do UBMTTQ các cấp phát động từ năm 2016.

VY HẬU