Ngày làm việc thứ 12, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Huy động cả hệ thống chính trị để xử lý nợ xấu
(Cadn.com.vn) - Ngày 1-11, các đại biểu thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội.
Trình bày quan điểm đánh giá kết quả tái cơ cấu, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, kết quả tái cơ cấu ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang được thực hiện đúng lộ trình với những kết quả bước đầu góp phần tăng cường an toàn tài chính. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ hơn tiến trình xử lý nợ xấu bởi thời gian qua, nợ xấu tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. “Nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không thể chỉ là công việc của ngân hàng. Quốc hội, Chính phủ cần triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý vấn đề hệ trọng này”, đại biểu kiến nghị.
Các đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Bùi Văn Phương băn khoăn: Vấn đề xử lý nợ xấu mới chỉ có ngành ngân hàng đứng ra giải quyết mà chưa có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây là vấn đề cần có sự chỉ đạo, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đề cập đến tình hình hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), các đại biểu cho rằng, mô hình VAMC đã bước đầu phát huy hiệu quả trên thực tế, nhưng nợ xấu cũ và nợ xấu mới vẫn có xu hướng tăng cao trong bối cảnh nguồn lực của VAMC còn hạn chế thì Chính phủ cần sớm có biện pháp nâng cao năng lực và khả năng quản trị của VAMC. Đại biểu kiến nghị xây dựng cơ chế mua bán nợ xấu theo giá thị trường, có quy chế, định giá nợ xấu để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này.
Chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre) nhận định, thời gian qua, những nợ đọng do xây dựng cơ bản tăng cao làm gia tăng nợ xấu, làm bế tắc dòng chảy tín dụng; gây nên những hệ lụy đối với toàn bộ nền kinh tế. Việc không thể xử lý dứt điểm nợ xấu đã làm chậm tiến trình tái cơ cấu. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị hoạt động tái cơ cấu nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. “Kết quả xử lý 250 ngàn tỷ đồng nợ xấu mà chưa cần ngân sách Nhà nước chứng tỏ công tác xử lý nợ xấu đang đi đúng hướng”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận xét.
Hiến kế những giải pháp cụ thể trong vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, thể chế; minh bạch hơn nữa trong sở hữu chéo; xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các địa phương và cả các cơ quan tư pháp để giúp xử lý tài sản thế chấp, cầm cố một cách đơn giản nhất, nhanh chóng nhất, tạo thuận lợi cho ngân hàng thu hồi vốn. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng thương mại một cách chặt chẽ và trao quyền chủ động cho VAMC xây dựng thị trường mua bán nợ xấu để cải thiện tốc độ xử lý nợ xấu.
Thu Thủy – TTXVN