Ngày làm việc thứ 11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Cần tính nợ công đầy đủ

Thứ bảy, 01/11/2014 08:47

(Cadn.com.vn) - Chiều 31-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân bốn năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch là 6,5-7%. Hiến kế về các giải pháp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần giám sát nợ công, quản chặt thu-chi và phân bổ hợp lý ngân sách.

Rà soát lại hệ thống chỉ tiêu chủ yếu cho đúng thực chất

Sáng 31-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận thể hiện sự thống nhất, đồng tình cao với 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong triển khai nhiệm vụ năm 2015, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí...

Phát biểu kết thúc một ngày rưỡi thảo luận tại Hội trường về kinh tế- xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm và năm 2015, là năm các nước Đông Nam Á theo lộ trình trở thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, cũng có nhiều thuận lợi, thời cơ để thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho cả nhiệm kỳ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại hệ thống chỉ tiêu chủ yếu cho đúng thực chất, tránh hình thức và cần cụ thể hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

T.T

Giải pháp chưa phù hợp

Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ còn xem nặng mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và chưa có giải pháp phù hợp đảm bảo tăng trưởng hợp lý, nhất là chưa đánh giá hết các tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu. Tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn mà tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước. Do đó, nhiều đại biểu lo ngại về việc doanh nghiệp “giả chết” hay chuyển vốn trốn thuế.

Đại biểu Trần Văn Minh nhận xét nợ đọng thuế tăng cao do kinh tế còn khó khăn do vay ngân hàng với lãi suất cao nhưng hàng hóa lại tồn kho không tiêu thụ được nên không trả nợ được và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều doanh nghiệp chậm nộp thuế và bị tính lãi cao mà họ có khả năng trả trong khi vẫn bị lãi chồng lãi.

Hiện xuất siêu vẫn do đóng góp lớn của khối doanh nghiệp FDI. Dù năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, là bước ngoặt lớn trong hoạt động thương mại và cán cân thương mại Việt Nam nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá thêm các cơ sở, tính bền vững của một nền kinh tế đang phát triển, có nhu cầu nhập khẩu và liên tục nhập siêu cao nhiều năm trước.

Các đại biểu cũng muốn có được đánh giá rõ hơn về xuất siêu. Con số này thực chất là do hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu nền kinh tế) hay chỉ là kết quả nhất thời do đóng góp mạnh mẽ mang tính đột biến của một số doanh nghiệp FDI có quy mô lớn vừa đưa vào hoạt động trong vài năm gần đây hay do khó khăn của doanh nghiệp trong nước làm cho nhập khẩu suy giảm.

“Không thể có một đồng mà lại tiêu tới đồng rưỡi” - đại biểu Trần Du Lịch nói về nợ công tại phiên họp chiều 31-10.

Giám sát thu-chi

Tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân từ năm 2011-2014 khoảng 5% GDP, chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ được cho là quá cao so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra đến cuối năm 2015 đạt dưới 4,5% GDP, trong đó đã bao gồm cả trái phiếu Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cân đối ngân sách trong năm 2015 là một vấn đề khó khăn.

Lý lẽ của Chính phủ chưa đủ thuyết phục. Thực tế, cân đối ngân sách khó khăn có một phần do điều hành thu, điều hành chi chưa tốt chứ không thể đổ lỗi cho năng suất lao động thấp. Hiện chế độ đãi ngộ dành cho người lao động vẫn đang cào bằng, không có sự đánh giá dựa trên hiệu quả của năng suất lao động thực tế. Do đó, việc tăng lương theo đúng lộ trình vẫn phải thực hiện và đó là trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ.

Mặc dù ghi nhận các quyết định thực thi chính sách tài khóa trong những năm qua đã đem lại kết quả tích cực nhưng đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng vẫn còn bộc lộ mặt bất cập như cơ cấu chi ngân sách bất hợp lý, cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách liên tục tăng dẫn đến dư nợ công tăng cao (dự kiến là 64% GDP vào cuối năm 2015). Tình trạng này sẽ dẫn đến khó cân đối trả nợ. Thực tế là năm 2014 phải vay 70.000 tỷ đồng để đảo nợ. Một lần nữa, nợ công lại được các đại biểu cho là vấn đề cấp bách cần phải quyết liệt giải quyết bằng cách giảm tỷ trọng vay ngắn hạn, thực thi chính sách tài khóa tiết kiệm.

“Lạm phát” lãnh đạo cấp phó!

Trong phiên thảo luận chiều 31-10, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, đó là tình trạng “lạm phát” lãnh đạo cấp phó. Các đại biểu lập luận rằng chính vì nhiều lãnh đạo đã dẫn đến tốc độ tăng chi thường xuyên lớn hơn chi đầu tư, đây là điều bất hợp lý và việc này kéo theo hệ lụy là không có nguồn để chi tăng lương, cuối cùng, “trăm dâu đổ đầu tằm”, người lao động, những công chức, viên chức thông thường, hưởng hệ số lương hai phẩy, ba phẩy là người khổ nhất, chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Đại biểu Trần Đình Nhã đặt câu hỏi: Quốc hội nên làm gì trước tình trạng lạm phát cấp phó trong các cơ quan tổ chức hưởng ngân sách. Theo đại biểu, hiện cả nước có đến 139 nghìn cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước có nghĩa là có khoảng 130 nghìn cấp trưởng, người đứng đầu cơ quan tổ chức này và kéo theo đó, số lượng cấp phó gấp từ 2 – 4 lần. Cấp phó nhiều, tất yếu bội chi ngân sách tăng lên.

Đơn cử, mỗi cấp phó bình quân hàng năm Nhà nước chi khoảng 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ, như vậy, mỗi năm ngân sách Nhà nước đã tốn ngót nghét 4.000 tỷ đồng và con số này sẽ tăng gấp 2 đến 5 lần nếu số lượng cấp phó tăng lên tương ứng. Đại biểu đề nghị Quốc hội đưa ra nghị quyết có tính bước ngoặt trong cải cách hành chính, đó là việc bố trí cấp phó trong các cơ quan tổ chức hưởng ngân sách nhà nước không quá 3. Trường hợp đặc biệt cần tăng thêm cấp phó báo cáo Quốc hội xem xét quy định, như vậy mới ngõ hầu bắt kịp được các nền hành chính hiện đại, văn minh.

Kiểm soát nợ công

Mặc dù Chính phủ khẳng định nợ công vẫn ở mức an toàn nhưng đây vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều đại biểu đặt vấn đề.  Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Chính phủ cần phải đánh giá thực chất, bổ sung đầy đủ các số liệu về nợ công. Việc sử dụng nguồn vốn vay này vẫn tồn tại tình trạng thất thoát, lãng phí. Báo cáo của Chính phủ nói là nợ công vẫn ở mức an toàn nhưng sức ép trả nợ là rất lớn.

Từ thực tế đó, đại biểu này đề nghị đánh giá đúng tình hình nợ công, bổ sung các khoản nợ chưa được tính, cân nhắc kỹ quyết định về các dự án lớn, ví dụ như dự án sân bay Long Thành. Đặc biệt, vai trò kiểm toán nhà nước trong quản lý nợ công phải được tăng cường. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là dư luận xã hội mất niềm tin vào các khoản vay không hiệu quả, dàn trải, thất thoát.

Vấn đề đặt ra là phải làm cho người dân tin các dự án được đấu thầu một cách minh bạch, hiệu quả chứ không phải tình trạng “chia” dự án. Đồng thời, nói đến an toàn nợ công phải tính đến an toàn của đồng tiền. Bởi vậy cần tính con số nợ công một cách đầy đủ, minh bạch, thống nhất để có lộ trình trả nợ một cách chặt chẽ. “Không thể có một đồng mà lại tiêu tới đồng rưỡi” - đại biểu Trần Du Lịch phân tích.

* Theo Thông cáo số 10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, hôm nay (1-11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015. Phiên họp sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp.

Thu Thủy-TTXVN