Ngày nước thế giới (22-3-2019): “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên với mức độ ngày càng nghiêm trọng dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, suy giảm diện tích rừng, chất lượng rừng và các hệ sinh thái. Nhân Ngày Nước Thế giới 2019 (22-3), phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Châu Trần Vĩnh về vấn đề này.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh (thứ hai từ trái sang) khảo sát thực tế hoạt động cấp nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ - Đà Nẵng. |
P.V: Ngày Nước thế giới năm nay lấy chủ đề là “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông có thể nói rõ hơn về chủ đề này?
Phó cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Nước là một trong những thành tố quan trọng nhất của môi trường sống, của thiên nhiên và ngược lại thiên nhiên trù phú sẽ là yếu tố quan trọng để bảo đảm một nguồn nước dồi dào và trong lành.
Để góp phần giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu nêu trên; đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ, tác động tương hỗ mật thiết giữa thiên nhiên với nước, Liên Hợp Quốc chọn chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cho Ngày Nước thế giới năm 2019 nhằm điều chỉnh những cam kết trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, mọi người đều phải được hưởng lợi. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.
Ngày Nước thế giới 22-3-2019 cũng nhằm tuyên truyền, vận động cho việc tiếp cận với nguồn nước sạch, an toàn của các cộng đồng trong xã hội, đặc biệt là các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số...
P.V: Hướng tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6: “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” (SDG6) đến năm 2030, chúng ta cần phải tiến hành thực hiện những việc gì, thưa ông?
Phó cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Hướng tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG6) “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người”, ngành tài nguyên nước hướng đến gia tăng hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước. Bảo đảm việc khai thác nước không vượt qua ngưỡng giới hạn khai thác đối với sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước. Theo đó, tập trung vào các nội dung như: Gia tăng hiệu quả sử dụng nước trên tất cả các lĩnh vực và đảm bảo khai thác, cung cấp nước ngọt bền vững để giải quyết tình trạng khan hiếm nước và giảm đáng kể số người bị khan hiếm nước. Cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm và giảm thiểu giải phóng, xả thải các hóa chất và vật liệu nguy hiểm vào nguồn nước; giảm tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và tăng đáng kể việc tái chế và tái sử dụng nước an toàn.
Bên cạnh đó, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, bao gồm cả thông qua hợp tác xuyên biên giới; thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước bao gồm núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ. Ngoài ra, mở rộng hợp tác quốc tế và hỗ trợ tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh bao gồm: thu gom nước, khử muối, xử lý nước thải, tái chế và áp dụng công nghệ tái sử dụng nước. Hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường.
P.V: Cục Quản lý Tài nguyên nước đã có những chính sách nào để quản lý bền vững tài nguyên nước, thưa ông?
Phó cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Từ sau khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 có hiệu lực đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt 6 Nghị định và ban hành 30 Thông tư của Bộ. Điều này có thể khẳng định, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước đã được xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là phải tập trung triển khai trên thực tế để đưa các chính sách, biện pháp quản lý đó vào cuộc sống, bảo đảm quản lý tài nguyên nước có hiệu quả. Trong đó, tập trung vào các giải pháp mang tính trọng tâm như: Xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.
Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia để có được thông tin về nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng ban hành, đồng thời giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn quan trọng tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Chính phủ thành lập và đưa vào hoạt động 5 Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; tăng cường năng lực, bao gồm cả tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công cụ kỹ thuật, thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước từ Trung ương đến các cấp ở địa phương.
P.V: Xin cảm ơn ông !
DIỆU THÚY (thực hiện)