“Ngày quyết định” ở Tây Ban Nha

Thứ bảy, 28/10/2017 11:01

Thủ hiến Catalan Carles Puigdemont cảnh báo, cuộc khủng hoảng do nỗ lực đòi độc lập của những người Catalan ly khai sẽ leo thang nếu chính phủ Tây Ban Nha triển khai các kế hoạch thu hồi quyền tự trị của khu vực giàu có này.

Sinh viên biểu tình ở Barcelona ủng hộ độc lập cho Catalan.     Ảnh: AFP

Chính phủ Tây Ban Nha có thể sẽ sớm ra quyết định áp đặt lệnh cai trị trực tiếp khu vực Catalan để ngăn chặn việc khu vực tự trị này đòi độc lập. Đây là bước đi chưa từng thấy, có nguy cơ gây ra phản ứng giận dữ từ những người muốn ly khai và làm leo thang cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 27-10 trước thượng viện, Thủ tướng Mariano Rajoy kêu gọi Thượng viện thông qua các biện pháp để tước quyền tự trị của Catalan. Các thượng nghị sĩ đứng dậy vỗ tay sau khi ông Rajoy kết thúc phát biểu. Thượng viện Tây Ban Nha bỏ phiếu về quyết định trên vào cuối ngày 27-10 (giờ địa phương). Hàng chục nhà hoạt động tụ tập tại Barcelona, một số giơ biểu ngữ ủng hộ độc lập cho Catalan như gửi một thông điệp tới các nghị sĩ ở bên trong tòa nhà Thượng viện. Đối với Lluisa Pahisa, một ủy viên hội đồng thành phố 65 tuổi, “đây có thể là một ngày lịch sử cho Catalan”.

Khi xung đột kéo dài hàng tháng qua giữa Tây Ban Nha và vùng Catalan đang đến giai đoạn nước rút, Thủ hiến Catalan Carles Puigdemont cảnh báo, cuộc khủng hoảng do nỗ lực đòi độc lập của những người Catalan ly khai sẽ leo thang nếu chính phủ Tây Ban Nha triển khai các kế hoạch thu hồi quyền tự trị của khu vực giàu có này. Trong bức thư gửi Thượng viện Tây Ban Nha, ông Puigdemont nhấn mạnh: “Giải quyết vấn đề mà chính phủ gọi là một tình trạng đặc biệt nghiêm trọng này, sẽ gây ra một tình huống thậm chí còn đặc biệt nghiêm trọng hơn khi thu hồi quyền tự trị chính trị của Catalan”.

Nhiều người dự đoán, các lãnh đạo ủng hộ ly khai ở Catalan sẽ đáp trả bằng một tuyên bố độc lập. Họ đã trình nghị quyết về động thái này lên nghị viện khu vực chờ thông qua. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, một cuộc bầu cử sớm thay cho tuyên bố độc lập đơn phương sẽ là hướng đi giúp Catalan tránh việc Madrid thực hiện Điều 155 cũng như xoa dịu căng thẳng với chính quyền trung ương. Dù vậy, thủ hiến Catalan đã khẳng định, khu vực này sẽ không bầu cử sớm chỉ để xoa dịu căng thẳng với chính quyền Madrid. Theo ông cách thức phản hồi chính quyền trung ương về việc thu hồi quyền tự trị của Catalan sẽ tùy thuộc vào nghị viện vùng này.

Đáp lại, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria trong bài phát biểu với Thượng viện nước này đã bảo vệ biện pháp thu hồi quyền tự trị của Catalan, cho rằng, chính quyền cần đảm bảo luật pháp được tuân thủ. Phó Thủ tướng nêu rõ: “Chúng tôi muốn mở ra một giai đoạn mới trong đó luật pháp phải được tuân thủ”.

Mối quan hệ giữa chính quyền Tây Ban Nha và lãnh đạo vùng tự trị Catalan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Thủ hiến Catalan Carles Puigdemont từ chối xuất hiện trước Thượng viện tại thủ đô Madrid để giải trình về vấn đề độc lập. Theo giới quan sát, động thái này khiến tình hình thêm trầm trọng và việc chính quyền trung ương có các biện pháp mạnh trong khuôn khổ lập pháp là khó tránh khỏi.

Các biện pháp được đưa ra theo Điều 155, khi được thông qua, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 28-10 và giúp chính quyền trung ương tạm thời nắm quyền kiểm soát cơ quan an ninh, cảnh sát, và đài phát thanh công cộng của Catalan... Các biện pháp sẽ vẫn được áp dụng cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử nghị viện khu vực mới. Động thái này có thể khiến người Catalan tức giận và khiến kinh tế khu vực lao đao. Nỗi sợ hãi cho nền kinh tế Catalan tăng lên từng ngày khi có khoảng 1.600 Cty đã di chuyển trụ sở hợp pháp ra khỏi khu vực trong những tuần gần đây.

KHẢ ANH