Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5): Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng

Thứ ba, 31/05/2022 08:58
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020, cho thấy so với năm 2015, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại Hội nghị Toàn cầu thường niên của tổ chức UNION về phòng chống tác hại thuốc lá.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại Hội nghị Toàn cầu thường niên của tổ chức UNION về phòng chống tác hại thuốc lá.

Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; Tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56,0%. Tỷ lệ người bệnh được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020. Số bệnh nhân cai nghiện thành công từ năm 2017 đến năm 2020 là 1.111 người.

Trong lứa tuổi học sinh 13-17 tuổi, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019 cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36%năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm 50%), tỷ lệ học sinh đã thử thuốc lá hoặc thuốc lào giảm từ 12,1% xuống 8,3%.

Nhận thức về tác hại của thuốc lá năm 2020 cao hơn năm 2015; có 96,2% người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi; 81,1% tin rằng hút thuốc lá gây đột quỵ, 77,8% tin rằng hút thuốc lá gây đau tim và 72,2% tin rằng hút thuốc lá gây ra cả 3 bệnh trên. 65,2% người dân đã từng nghe tới Luật phòng chống tác hại thuốc lá…

"Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua, đáp ứng được một trong những mục tiêu quan trọng của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đó là ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho hay.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, chỉ trong 2 năm 2019-2020, số lượng các đơn vị thực hiện nghiêm quy định môi trường không khói thuốc đạt được là: 7.957 trường mẫu giáo, 7.846 trường tiểu học, 4.606 trường trung học cơ sở, 1.318 trường trung học phổ thông, 202 trường đại học, cao đẳng; 598 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; 4.325 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà; 377 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách; 371 khách sạn, 513 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.

"Kinh nghiệm của các nước cho thấy, vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nên phòng, chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả. Cùng với đó là sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá... Với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng sản phẩm này", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lượng Ngọc Khuê nhấn mạnh.

BÍCH THỦY