Ngày thi cuối Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Nhe nhàng, suôn sẻ

Thứ ba, 05/07/2016 09:53

(Cadn.com.vn) - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã chính thức khép lại vào chiều 4-7 với môn thi Sinh học. Tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, theo ghi nhận chung, tình hình thi cử diễn ra khá nhẹ nhàng và suôn sẻ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra và động viên các TS tại điểm thi Trần Phú (Đà Nẵng) trước giờ thi môn Lịch sử.  Ảnh: P.T 

Đề thi tiếp tục có sự phân hóa 

Với môn Lịch sử (sáng 4-7), nhiều thí sinh (TS) đánh giá đề thi năm nay hay, tuy ra vừa sức nhưng đòi hỏi ở TS khả năng tư duy, kỹ năng phân tích, tổng hợp tốt. Theo đó, đối với những TS dự thi môn Sử chỉ để xét tốt nghiệp không quá khó để đạt điểm 5. Ngược lại, với những TS dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ khối C sẽ không đạt điểm cao nếu không hội đủ các yêu cầu trên.

* Trong ngày thi cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã kiểm tra thực tế tình hình thi THPT quốc gia tại Gia Lai. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao công tác tổ chức tại điểm thi Gia Lai.   

Trước những thông tin không chính thức về việc đây là kỳ thi cuối cùng tổ chức "hai trong một" gây bất an dư luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Bộ GD-ĐT chưa quyết định chính thức về việc đây sẽ là kỳ thi cuối cùng theo hình thức hai trong một hay là không. Hiện Bộ đang tổ chức khảo sát để có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, Bộ sẽ nghiên cứu để tổ chức những kỳ thi nhẹ nhàng nhưng phản ánh được chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh xét tốt nghiệp, tuyển sinh".

* Chiều 4-7, anh Ra-pắc Bông (người dân tộc Cơ Tu, 47 tuổi, trú xã Thượng Long, H. Nam Đông, TT-Huế) bước vào môn thi môn Sinh học. Anh Bông là Chủ tịch UBMTTQ xã Thượng Long và 4 lần về TP Huế "ứng thí".

Điều đặc biệt năm nay, ngoài anh Bông, cô con gái thứ 2 của anh là Ra-pắc Tuyết (19 tuổi, học sinh Trường THPT Hương Giang - Nam Đông) cùng tham dự kỳ thi THPT quốc gia tổ chức tại điểm thi Trường THPT Nam Đông (TT Khe Tre, H. Nam Đông). Cả hai cha con anh Bông dự thi lần này đều để lấy kết quả xét tốt nghiệp. "Nhiều người khuyên mình đã đứng tuổi rồi, đừng đi thi tiếp nữa. Nhưng bản thân lại là cán bộ chủ chốt địa phương, để làm gương cho con em trong xã, mình vẫn quyết ôn luyện tiếp tục đi thi đợt này để có thêm nhiều cái chữ mà làm việc cho dân, cho xã", anh Bông chia sẻ.

Ngoài trường hợp anh Bông lớn tuổi dự thi lần này, tại xã Thượng Long còn có 2 TS đặc biệt khác dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp đợt này là: Đoàn Văn Vân (47 tuổi) và Đoàn Văn Lãnh (42 tuổi, đều là cán bộ xã Thượng Long.

MT – HL

TS Ngọc Châu (HS trường THPT Ngô Quyền, thi Sử để xét tuyển ĐH, CĐ khối C) nhận xét: "Nội dung đề Sử ra trong chương trình lớp 12, có một phần nhỏ nằm trong chương trình lớp 11, bám sát chương trình học. Tuy nhiên, có những câu mở đòi hỏi ở khả năng tư duy, kỹ năng phân tích, tổng hợp cùng kiến thức xã hội của mỗi bản thân TS mới có thể làm tốt ở phần thi này. Vì thế, em nghĩ, không dễ gì đạt điểm cao ở môn Sử".

Châu cho biết thêm, bản thân em chỉ làm được 3/4 câu. Ngoài ra, nhiều TS cho biết, rất thích câu phát biểu suy nghĩ về chủ trương "thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc" của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đường lối đổi mới đất nước. "Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc huy động sức mạnh toàn dân là rất quan trọng. Vì thế, em thấy câu hỏi này mang tính thời sự...", T. Nhung, TS thi tại điểm Trần Phú dự thi môn Sử để xét tốt nghiệp chia sẻ.

Đồng quan điểm này, các TS ở TT- Huế cho rằng đề Sử hay, ngoài câu hỏi về sự kiện còn có phần liên hệ qua vấn đề thời sự. Qua đó, giúp TS hiểu sâu về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đồng thời tạo điều kiện để các bạn trẻ thể hiện chính kiến, lòng yêu nước qua bài thi của mình. Trong khi đó, không ít TS ở Quảng Nam cho rằng, câu 2 của đề Sử ra hơi lạ. Theo đó, các em chưa từng gặp cách đặt câu hỏi ra đề như câu II (3 điểm năm nay).

Do TS ĐKDT môn Sử ít (745 TS ĐKDT), nên trong môn thi này, tại Cụm thi 40 Đà Nẵng chỉ có 3 điểm thi gồm: THPT Trần Phú, Thái Phiên và CĐ Lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 703 TS dự thi, vắng 42 em; có 2 TS bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu. Tương tự, tại Cụm thi THPT quốc gia 39 do ĐH Huế chủ trì, chỉ có 1.381 TS dự thi môn Sử trong tổng số gần 14.000 TS dự kỳ thi THPT quốc gia. Chỉ có 4 điểm thi hoạt động, 6 điểm còn lại không hoạt động vì không có TS dự thi. Chính vì thế, không khí bên ngoài điểm thi trầm lắng, lác đác phụ huynh đứng đợi TS. Tương tự, các địa bàn khác như Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Trị, số lượng TS đăng ký dự thi không nhiều...

Buổi chiều, trong môn thi cuối cùng, phần lớn các TS dự thi môn Sinh học để xét tốt nghiệp lẫn xét tuyển ĐH, CĐ khối B ở Đà Nẵng, TT- Huế đều cho rằng đề năm nay khó hơn so với năm ngoái, đặc biệt là 15 câu cuối (50 câu). "Dù phần lý thuyết ra nhiều hơn phần bài tập, nhưng vẫn đòi hỏi TS phải biết vận dụng tính toán mới làm được. Phần khó nhất là phần bài tập, tính số liệu. Theo em, với đề thi này, ngay cả HS có học lực trung bình dự thi môn Sinh để xét tốt nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 40% với điều kiện nắm chắc kiến thức lý thuyết", TS Phạm Minh Tuấn (HS trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Đà Nẵng, điểm trung bình môn Sinh lớp 12 đạt 7,4, dự thi xét tuyển ĐH, CĐ khối B) nhận xét. Trong khi đó, các TS ở Quảng Nam, Quảng Trị, Nghệ An lại cho rằng đề ra vừa sức, chỉ cần nắm chắc kiến thức lý thuyết có thể đạt từ 60-70%...

Tâm trạng của các TS sau khi kết thúc môn thi cuối cùng.

Đổi mới quyết liệt công tác thi cử, tuyển sinh

Trong buổi làm việc với Cụm thi 40 do ĐH Đà Nẵng chủ trì sáng 4-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc mở rộng cụm thi ĐH ở tất cả các địa phương là "phép thử" để Bộ trao quyền cho địa phương và các trường ĐH trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh.

Qua kiểm tra tình hình thi cử tại một số địa phương trong cả nước, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dư luận và nhân dân rất đồng thuận với cách tổ chức thi của Bộ GD-ĐT. Bởi lẽ, không chỉ giảm áp lực cho TS, tạo không khí nhẹ nhàng trong thi cử, mà còn góp phần giảm chi phí, đỡ tốn kém cho toàn xã hội. Việc đổi mới sẽ gặp không ít khó khăn nếu không tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. 

Kết thúc kỳ thi, theo đánh giá chung, tình hình thi cử tại các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên trong 4 ngày vừa qua diễn ra suôn sẻ, an toàn, chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Công tác coi thi nghiêm túc. Đơn cử, tại Cụm thi 40, tổng số TS bị đình chỉ thi trong 4 ngày thi là 8 em: 6 trường hợp do mang ĐTDĐ, 2 trường hợp do mang tài liệu (trong đó, ngày thi cuối cùng có 3 TS bị đình chỉ thi). Còn ở Gia Lai, tổng số TS bị đình chỉ trong 4 ngày thi là 7 em với lý do mang tài liệu vào phòng thi (chỉ xảy ra ở Cụm thi ĐH). Ở TT- Huế có 3 TS bị đình chỉ thi. Đáng ghi nhận là ở Quảng Trị, trong 4 ngày thi không có trường hợp TS nào bị đình chỉ thi cả ở Cụm thi địa phương lẫn cụm thi ĐH. Tại Quảng Nam, tổng số TS bị đình chỉ thi ở cả Cụm thi ĐH và Cụm thi địa phương trong 4 ngày thi là 7 (3 trường hợp mang ĐTDĐ, 4 trường hợp mang tài liệu) và 2 trường hợp bị khiển trách.

Nhóm P.V Thời sự