Ngày xuân ở ngôi nhà rộng mở...
Bà Lê Thị Kìm, cháu 4 đời của ông Trần đang giới thiệu với khách tham quan về khu di tích. |
Lần đầu dừng chân trước khu di tích Nhà Lớn Long Sơn tại Vũng Tàu, điều hấp dẫn chúng tôi không chỉ đây là công trình kiến trúc độc đáo của những khu nhà liền kề nhau, mang sắc màu và phong cách nhẹ nhàng, bình dị gần gũi với đình miễu ở các làng quê Việt Nam, mà còn là nội dung về những câu chuyện phía sau cánh cửa rộng mở mang đậm triết lý nhân văn, tinh thần nghĩa khí, hào hiệp của con người phương Nam khai sinh miền đất mới, không dễ nơi đâu có được. Hôm ấy, nhằm ngày chủ nhật vào tháng chạp, nên lượng người vào ra Nhà Lớn khá đều đặn. Đặc biệt, có cả nhóm học sinh mặc đồng phục đến tham quan hoặc sinh hoạt tại các khoảng sân một cách có tổ chức, khá trật tự. Anh Lê Nhật Ánh - người bạn đưa chúng tôi đến nơi đây, vốn là một nhà thơ- nhà nhiếp ảnh sinh sống tại địa phương, như muốn dành cho chúng tôi một sự bất ngờ nói: “Trước hết các bạn hãy vào ngồi phòng lễ tân, uống trà dùng mứt, thì các bạn sẽ hiểu dần những gì các bạn cần tìm hiểu tại Nhà Lớn”. Tiếp đón chúng tôi một cách ân cần, trịnh trọng là những người phụ nữ đứng tuổi mặc đồng phục bà ba màu đen. Đáng chú ý là tất cả khách tham quan đều được hướng dẫn rửa tay sát trùng và đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19. Một người nói rõ: “Tất cả những người trông coi khu di tích này đều là con, cháu, họ hàng, bà con từ thời trước trông coi, và mọi người đều tình nguyện góp sức để gìn giữ khu di tích này chứ không hề được trả công. Quý khách không cần phải mua vé, vẫn sẽ được mời vào khu nhà khách, ngồi uống nước trà nóng, và nghe kể câu chuyện về Nhà Lớn, nhưng quý khách nhớ thực hiện đúng theo quy định về việc phòng chống Covid trước khi ngồi vào bàn”. Nhà lớn Long Sơn còn gọi là đền Ông Trần, tọa lạc trên diện tích khoảng 2 ha, nằm bên sườn phía Đông Núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được khởi công xây dựng từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành. Ngày 3-8-1991, theo Quyết định số 1371/QĐ-VH, toàn thể khu Nhà Lớn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, đồng thời còn được xếp là một trong 100 điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, du khách tìm đến ngày một đông. Ông Trần - người sáng tạo dựng ra khu Nhà Lớn tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1865, tại làng Thiện Khánh, tổng Hà Thành, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên, một nghĩa sĩ từng tham gia chống Pháp. Năm 1900, khi khởi nghĩa bị thất bại và bị lính Pháp truy lùng ráo riết, Ông Trần đã cùng khoảng 20 người trong gia tộc đi bằng thuyền buồm dừng chân ở chợ bến Long Điền. Sau khi nhận thấy phía Nam đảo núi Lứa (Long Sơn) chưa có người khai phá, ông bèn chọn nơi này mở đất lập nghiệp và truyền đạo. Việc xây dựng các công trình của khu di tích để lại hiện nay tất cả đều nhờ tiền của và công sức tự nguyện của ông và của nhiều người tin theo ông. Đại diện người trách nhiệm tại khu di tích, bà Lê Thị Kìm, cháu 4 đời của ông Trần cho biết: sau khi ông Trần mất (năm 1935), ngoài đạo giáo của Khổng Tử, Nhà Lớn Long Sơn còn hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần. Đạo Ông Trần là đạo làm người, pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau, tuy nhiên mục đích chính vẫn hướng con người về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, cứ thế mà truyền đời, nên được tôn sùng. Trong đó, ông Trần vẫn dạy con cháu giữ gìn những phong tục, tập quán của ông như: mặc quần áo bà ba, người đàn ông đi chân trần, để đầu trần, ở trần, sống và làm việc như một nông dân bình thường, “đầu đội trời, chân đạp đất” như những bậc anh hùng xa xưa. Tất cả hoạt động từ sinh hoạt đến tính cách đều học theo ông và mang đậm chất con người vùng đất Nam Bộ. Chúng tôi được hướng dẫn vào tham quan khu di tích được chia thành từng nhóm nhỏ. Thật thú vị, Nhà Lớn Long Sơn gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, nhưng không theo một quy hoạch tổng thể nào cả. Các nhà lầu nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nghiêm luật xây dựng đương thời. Tất cả đều thể hiện nét tín ngưỡng của đạo Ông Trần và tính quần cư, đoàn kết giữa những người dân tha hương khi đến chốn rừng núi hoang vu lập nghiệp. Ngoài các gian thờ Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Ông Trần cùng những người trong gia tộc họ Lê, còn một số nhà phụ như: lẫm lúa, kho đựng đồ, nhà bếp, nhà máy đèn, nhà ở của bá tánh và dòng tộc... Hầu như những vật lưu niệm tại Nhà lớn phần lớn được sưu tầm từ khá nhiều vật dụng của cả ba miền Nam- Trung- Bắc như bàn ghế, tủ thờ, những bức hoành phi, liễn thờ... Trong đó, có giá trị nhất là bộ bàn ghế bát tiên (cẩn hoa cương và xà cừ được cho là của vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh tại thành phố Vũng Tàu) và bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ gồm 33 chiếc, có nguồn gốc từ vùng Hà Đông. Hoặc ngay phía sau khu chính điện (nơi ông Trần thường ngồi giảng đạo lý) vẫn còn lưu giữ bộ ảnh chữ Nôm truyện Lục Vân Tiên, trước vẽ trên lụa, sau được phục chế trên kính.
Tác giả (giữa) cùng những người trông coi, bảo quản Nhà Lớn Long Sơn. |
Bà Lê Thị Kìm cũng cho biết, hàng năm vào ngày giỗ Ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày Tết Trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn đều có tổ chức lễ hội long trọng, thu hút hàng chục ngàn người gần xa (chủ yếu từ các tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ) về tham dự. Đặc biệt, khách còn có thể nghỉ qua đêm tại dãy nhà phố cổ bằng gỗ và được thiết đãi cơm chay miễn phí. Mỗi mùa Tết đến, nhà Lớn lại chuẩn bị những phần quà là sách vở, tặng cho những em học sinh nghèo mà hiếu học và gạo cho những hộ nghèo trong xã...
Tác giả (giữa) cùng những người trông coi, bảo quản Nhà Lớn Long Sơn. |
Sau khi rời khỏi khu di tích Nhà Lớn, trên con đường về, dọc theo Làng biển Long Sơn, chỉ về những xóm nhà lô nhô trên mặt nước, thật thú vị khi anh Lê Nhật Ánh tiết lộ với chúng tôi, ở đây, bên cạnh những tập tục truyền thống kỳ lạ có phần kỳ bí, đặc biệt nhất phải kể đến tục chết chung hòm, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và tò mò. Tục này bắt nguồn từ chính lời răn dạy của Ông Trần: “Sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan đồng quách”, kẻ hèn, người sang, dân nghèo hay người có chức quyền khi chết đi, đều ngang hàng, bình đẳng như nhau, nên đám xác ở Long Sơn không diễn ra linh đình hay thời gian kéo dài, tất cả đều diễn ra chóng vánh, không tổ chức ăn uống mà chỉ làm bữa cơm đạm bạc với tinh thần tiết kiệm, không xa hoa phung phí.
Chiếc mái chèo khổng lồ của chiếc ghe Sấm đã đưa ông Trần cùng gia đình từ Hà Tiên đến Bà Rịa - Vũng Tàu để khai hoang lập nghiệp trưng bày bên trong ngôi Nhà Lớn. |
Các vật lưu niệm tại Nhà Lớn sưu tầm từ nhiều vật dụng của cả ba miền Nam - Trung - Bắc. |
TRẦN TRUNG SÁNG