Ngày xuân, viếng mộ các liệt sỹ-văn nghệ sỹ
Trải qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, nhiều văn nghệ sỹ đã sống, chiến đấu, hi sinh và nằm lại với đất mẹ Quảng Nam khi tuổi đời còn rất trẻ, bút lực và tài năng đang độ chín. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Hội VH-NT Quảng Nam lại đến "thăm" các anh chị với tấm chân tình của văn nghệ sỹ.
Bên mộ nhà văn - liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý. |
Dọc sông mẹ Thu Bồn từ thượng nguồn suối Tăk Răng (xã Trà Dơn, H. Nam Trà My), nơi nhà thơ Nguyễn Mỹ ngã xuống đến cuối nguồn tại thôn Thi Thại (xã Duy Thành, H. Duy Xuyên), nơi nhà văn-nhà báo Dương Thị Xuân Quý ngã xuống, có rất nhiều văn nghệ sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là những nhà văn-nhà báo Chu Cẩm Phong-Trần Tiến, nghệ sỹ múa Võ Thị Phương Thảo, nhà báo-nhà văn Trần Văn Anh, nhà báo-nhà thơ Nguyễn Trọng Định, nhà văn Nguyễn Hồng, nhạc sỹ Văn Cận, nhiều nghệ sỹ- diễn viên trong Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà... Dịp đón Tết cổ truyền dân tộc và Xuân Kỷ Hợi 2019 này, chúng tôi theo chân thường trực Hội VH-NT tỉnh đến dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ-văn nghệ sỹ nằm lại dọc dòng sông Thu, xúc động bồi hồi khi nghe nhắc lại những câu chuyện về các anh chị... Chào đón mùa xuân mới này, bên mộ và bia tưởng niệm nhà văn- nhà báo Dương Thị Xuân Quý (trên phần đất vườn gia đình anh Võ Bắc ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, H.Duy Xuyên hiến tặng) hoa mai, hoa trang nở rộ. Góp thêm sắc xuân bên mộ chị là hai chậu hoa vạn thọ vàng ươm do Văn phòng Hội VHNT tỉnh mang đến. Xuân này là năm thứ 51 chị Dương Thị Xuân Quý mãi "nằm lại với đất lành Duy Xuyên". Đang là phóng viên xông xáo của Báo Phụ nữ Việt Nam, đứa con gái đầu lòng mới 16 tháng tuổi nhưng chị vẫn quyết tâm vào chiến trường miền Nam chiến đấu, làm phóng viên tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Tháng 12-1968, chị đi công tác xuống vùng khói lửa ác liệt đông Duy Xuyên để viết và đã anh dũng hy sinh. Tháng 3-1969, ngay khi biết tin người vợ thương yêu hy sinh, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết bài thơ "khóc vợ" nổi tiếng với tựa đề là "Bài thơ về hạnh phúc". Ba câu mở đầu bài thơ được khắc trên bia tưởng niệm chị Dương Thị Xuân Quý: "Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi...".
Hoa tím dâng viếng nghệ sỹ múa Phương Thảo. |
Liệt sỹ - nghệ sỹ múa Võ Thị Phương Thảo hiện có 2 ngôi mộ, một ở Xuyên Thanh, xã Duy Châu (Duy Xuyên) và một ở NTLS Điện Bàn. Dường như có mối liên hệ tâm linh nào đó mà chị muốn gắn bó với vùng đất nơi chị trút hơi thở cuối cùng sau khi bị mảnh đạn cối của kẻ thù xuyên lồng ngực vào đêm 6-4-1967, khi chưa tròn 24 tuổi. Nghệ sỹ Phương Thảo quê ở làng La Qua (xã Điện Minh-Điện Bàn) là thiếu nhi miền Nam trong bức ảnh quàng khăn đỏ trên vai Bác Hồ đã trở thành huyền thoại. Viếng hương mộ chị Võ Thị Phương Thảo trong dịp đón xuân mới là chậu hoa phớt tím. Nhà thơ Phan Chín-Phó Chủ tịch Thường trực Hội VH-NT tỉnh chia sẻ, vì chị Phương Thảo hy sinh khi tuổi xuân rất trẻ, sôi nổi nên giới văn nghệ sỹ thường mang hoa đến dâng lên mộ chị. Về thôn Vinh Cường (xã Duy Tân, Duy Xuyên) dâng hương tại Bia tưởng niệm nhà văn-liệt sĩ-AHLLVTND Chu Cẩm Phong trong dịp đón chào xuân mới sẽ thấy công trình tôn tạo di tích bề thế, khang trang. Nhà văn Chu Cẩm Phong, tác giả của tác phẩm nổi tiếng "Nhật ký chiến tranh", quê ở P. Minh Hương, TP Hội An. Năm 1964, Chu Cẩm Phong xin về Nam chiến đấu. Thời gian đầu làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, sau đó chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Chu Cẩm Phong bắt đầu viết các trang "Nhật ký chiến tranh" từ ngày 11-7-1967 và kết thúc vào ngày 24-4-1971, 7 ngày trước khi ông cùng 3 chiến sỹ khác anh dũng hy sinh ngày 1-5-1971. Đến thăm và thắp hương bàn thờ Chu Cẩm Phong tại nhà riêng gia đình ông Văn Công Mịch, ở gần khu di tích, người vì cảm kích mà tự nguyện lập bàn thờ, chúng tôi rất xúc động vì gần 40 năm qua gia đình ông Mịch luôn hương khói, làm đám giỗ tưởng nhớ ngày mất nhà văn-liệt sỹ Chu Cẩm Phong.
Quê hương Điện Bàn là nơi thắm máu đào của các nhà văn - nghệ sỹ - chiến sỹ trong chiến tranh. Tại Nghĩa trang Liệt sỹ TX Điện Bàn, hoa tươi, những nén nhang, điếu thuốc, chén rượu mùa xuân... dâng bên bia mộ nhà văn Nguyễn Hồng, nhà thơ Nguyễn Ngọc Anh. Nhà văn Nguyễn Hồng (sinh ngày 20-11-1948, quê Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) vào chiến trường Quảng Đà năm 1971, công tác tại Ban Văn học, Cục Chính trị Quân khu 5. Ngày 3-12-1973, trong một cuộc đụng độ không cân sức với quân địch tại xã Điện Hồng, Nguyễn Hồng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh. Nhà thơ - nhà báo Ngọc Anh, tác giả bài thơ "Bóng cây Kơ-nia" nổi tiếng được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, tên thật Nguyễn Ngọc Anh (sinh ngày 3-3-1934) tại Đại Lộc, Quảng Nam. Ông tham gia chiến đấu chống Mỹ từ năm 1957 tại chiến trường Tây Nguyên và mất ngày 15-10-1965. Sau nhiều lần tìm kiếm, gia đình nhà thơ đưa ông về yên nghỉ ở nghĩa trang này. Tại NTLS xã Điện Quang (Điện Bàn), hoa tươi, hương, bánh và rượu cũng được thành kính dâng lên nhạc sỹ Văn Cận và 12 cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà bị trúng bom tọa độ hy sinh ngày 24-1-1968, trong khi đang khẩn trương tập luyện chuẩn bị phục vụ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Trong một bài viết, nhà thơ Phan Chín trải lòng: "Đến, để lại thêm một lần nữa nghe lòng dâng lên bao niềm xúc động khi nhìn thấy những bó hoa ai đó vừa đặt xuống, còn tươi, và rất nhiều những chân nhang mới. Đến, để được nghe vang lên trong xa vắng những câu văn hào sảng, những lời thơ ấm nồng, những câu hát ngọt ngào... mà các anh, các chị đã đem đến cho cuộc đời này cùng cả tuổi thanh xuân sôi nổi của mình!...".
THẠCH HÀ