Nghệ An - trăn trở nghề đóng thuyền tôn
Nghề truyền thống có thương hiệu
Chẳng biết nghề đóng thuyền tôn ở xã Hưng Thịnh, H.Hưng Nguyên có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, đây là nghề gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây. Đặc biệt, mỗi dịp mùa mưa lũ đến thì thuyền tôn đã trở thành món hàng đắt khách, có thời điểm đóng không kịp để bán cho khách. Thuyền tôn được người dân sử dụng để di chuyển người và tài sản trong mùa mưa lũ, các cơ quan đoàn thể cũng sử dụng để phục vụ cho việc tiếp tế lương thực, cứu hộ. Bên cạnh đó, thuyền tôn còn là lựa chọn hàng đầu của những người nông dân dùng để gặt lúa mùa mưa lũ, đánh bắt cá…
Anh Ngô Xuân Công (1985, trú xóm 5, xã Hưng Thịnh) cho biết, bản thân anh đã có 23 năm làm trong nghề gò hàn. Những ngày đầu mới học nghề, anh Công được các “đàn anh” đi trước truyền dạy kinh nghiệm. Sau một năm vừa làm thợ phụ vừa học nghề, anh Công đã trở thành thợ chính của cơ sở Hạ Tần đóng tại xã Hưng Thịnh. “Bạn bè cùng lứa tuổi tôi đều đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, còn tôi vốn đam mê nghề gò hàn này nên đã quyết định bám trụ ở lại quê hương lập nghiệp. Vợ buôn bán ở chợ, còn tôi đi làm thợ gò hàn, mỗi ngày công cũng kiếm được 350 nghìn đồng, đủ để trang trải cuộc sống. Làm nghề này ngoài niềm đam mê, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì. Đặc biệt, thợ làm tôn phải có sức khỏe bởi mọi công việc đều dùng bằng sức người” – anh Công cho hay.
Cũng theo anh Công, công đoạn làm thuyền tôn trải qua các bước sau: cắt tôn, tạo hình (làm thép viền xung quanh), đắp múi, hàn các ngồi trên thuyền và cuối cùng là gò. Trong đó, công đoạn cắt tôn là dễ nhất, công đoạn đắp múi là khó nhất bởi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ để giữ thăng bằng cho chiếc thuyền. “Thuyền tôn có 4 loại: loại to nhất dài 4,5m dùng cho 6 người sử dụng; loại nhỏ nhất dài 2m dùng cho một người sử dụng. Mỗi thuyền to phải cần 3 người làm còn thuyền nhỏ chỉ cần một người làm. Mỗi ngày, một người lành nghề có thể làm được 3 - 4 chiếc thuyền nhỏ. Do thường xuyên tiếp xúc với các đồ vật sắc nhọn nên xước da, chảy máu là chuyện bình thường” – anh Công cho biết thêm.
Với 25 năm kinh nghiệm làm nghề, anh Nguyễn Văn Cường (trú xã Hưng Thịnh) cho rằng, nghề gò hàn này nếu ai không thực sự đam mê thì dễ bỏ dở giữa chừng bởi để học được nghề và sống với nghề không hề đơn giản. Muốn có sản phẩm đẹp đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, tỉ mỉ, khéo léo, chịu khó, có sức khoẻ và phải chịu được môi trường làm việc nhiều tiếng ồn. Các cơ sở gò hàn ngoài làm thuyền tôn còn phải làm được đa dạng các mặt hàng, phục vụ sinh hoạt hàng ngày như gáo múc nước, hòm đựng quần áo, lò đun, thùng gánh nước, ống máng hứng nước mưa, thùng đựng lúa, ống hút khói…
Sở dĩ thuyền tôn được người dân tin tưởng và lựa chọn do có nhiều ưu điểm. Kích thước thuyền có thể điều chỉnh do lựa chọn, yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, thuyền tôn cũng dễ dàng vận chuyển, sử dụng vì có trọng lượng nhẹ. Đặc biệt, độ bền của thuyền tôn cao hơn so với các loại thuyền gỗ, bè tre khác. Bên cạnh đó, giá thành thuyền tôn phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn. Trung bình, mỗi thuyền tôn loại nhỏ có giá giao động từ 400 – 700 nghìn đồng, loại lớn từ 1,5 - 2 triệu đồng. Ngoài ra có những thuyền to, giá 2,5 - 3 triệu hoặc cao hơn nữa tùy theo yêu cầu của khách.
Trăn trở sợ mai một
Mặc dù vậy, nghề sản xuất thuyền tôn ở Hưng Thịnh hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá thuyền bán ra vẫn ổn định theo các năm dẫn đến lợi nhuận không cao. Ngoài ra, số lượng lao động gắn bó với nghề ngày càng ít đi do công việc vất vả, thu nhập thì không đều. Thu nhập của công nhân chỉ khá hơn vào những dịp cuối năm hoặc mùa lũ lụt có nhiều khách hàng đặt mua thuyền. Do đó, nghề này không được thế hệ trẻ ưa chuộng. Hiện nay lao động tại các cơ sở gò hàn, sản xuất thuyền tôn trên địa bàn xã Hưng Thịnh chủ yếu là các bậc trung niên, người già. Bởi vậy, việc lưu giữ nghề truyền thống này đang đối mặt với nhiều thách thức.
Chị Nguyễn Thị Hạ (1971)- chủ cơ sở gò hàn Hạ Tần, đóng tại xã Hưng Thịnh trăn trở chia sẻ: “Khi tôi sinh ra đã thấy bố mẹ đóng thuyền tôn bán cho khách. Trước đây, làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh có nhiều người dân theo nghề gò hàn nhưng thời gian sau, do nhiều yếu tố tác động nên nhiều gia đình bỏ nghề. Riêng cơ sở chúng tôi, sau khi chuyển địa điểm ra tuyến đường lớn này cũng chỉ có 3 công nhân làm việc. Các công nhân này đều là những người thợ có tay nghề, gắn bó lâu dài với cơ sở. Lâu nay, cơ sở chúng tôi cũng không có người mới vào học nghề. Bởi vậy, nỗi lo nghề truyền thống đóng thuyền tôn cũng sẽ mai một theo thời gian”.
Dương Hóa