Nghệ An triển khai nhiều giải pháp hạn chế đuối nước ở trẻ em

Thứ hai, 10/07/2023 08:34
Trung bình mỗi năm, Nghệ An xảy ra 35 vụ đuối nước khiến trên 50 trẻ em tử vong. Để hạn chế tình trạng này, tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ xây dựng gần 200 bể bơi ở phường, xã.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống đuối nước luôn được chú trọng.
Công tác phòng chống đuối nước luôn được tỉnh Nghệ An chú trọng.

Nhiều trẻ tử vong do đuối nước

Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, đường bộ dài, có 13 con sông lớn nhỏ tổng chiều dài trên 1.000km, bờ biển dài 82km; có nhiều kênh, ao, hồ trên các địa bàn dân cư; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, nắng nóng thất thường. Trong điều kiện kinh tế của tỉnh chưa phát triển, kinh phí đầu tư các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, trong đó có bể bơi còn thiếu. Hiện nay, toàn tỉnh có 875.825 trẻ em, trong đó 16% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Đây là nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn thương tích, nhất là đuối nước trẻ em.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn từ 2021 đến tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh có 131 trẻ em tử vong do đuối nước. Bình quân mỗi năm tại Nghệ An xảy ra 35 vụ đuối nước trẻ em khiến trên 50 trẻ bị tử vong.Trong đó, tỉ lệ đuối nước tại ao nhà, hồ nước cạnh nhà khá cao. Cụ thể, năm 2021 là 40,4% (21/52 trẻ); năm 2022 là 43,34% (23/53 trẻ). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, trong số 26 trẻ tử vong do đuối nước thì có 7 trẻ đuối nước ở ao, hồ cạnh nhà, chiếm tỷ lệ 26,9%.

Cũng theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, ngoài các nguyên nhân khách quan như: điều kiện địa hình nhiều ao hồ, khí hậu nóng bức của địa phương; sự thiếu giám sát, sơ ý của người lớn khiến trẻ em bị rơi xuống ao, hồ, sông dẫn đến đuối nước (một bộ phận gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, lo kinh tế, con cái ở nhà với ông bà, người thân- PV), còn có nguyên nhân chủ quan là do tỉ lệ trẻ chưa biết bơi hoặc chưa có kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước còn thấp. Theo thống kê, trẻ từ 6 đến 15 tuổi biết bơi chỉ chiếm 23,6% trong tổng số 511.498 trẻ em trên toàn tỉnh Nghệ An.

Mặt khác, số giáo viên, người hướng dẫn đáp ứng yêu cầu dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn ở các trường mới đạt 1.193 người, mỗi giáo viên phải chịu trách nhiệm 428 học sinh ở bậc tiểu học và THCS. Cùng với đó, sự quan tâm của chính quyền, cấp ủy và trường học đối với công tác phòng, chống đuối nước chưa sâu sắc. Trách nhiệm phối hợp giữa địa phương, gia đình và nhà trường chưa cao, chưa đánh giá đúng nguy cơ để tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, các hoạt động vui chơi cho trẻ em còn ít…, chưa ngăn chặn được nguy hiểm ở một số vị trí khi xảy ra mưa lũ, dẫn đến những cái chết thương tâm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống đuối nước luôn được chú trọng.

Hướng đến mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi”

Để giảm thiểu số trẻ em bị tai nạn đuối nước, hàng năm vào các thời điểm mùa hè, mùa mưa lũ, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Các ban, sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác này. Cùng với đó, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch liên ngành về phòng chống đuối nước trẻ em; kế hoạch thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng chống đuối nước trẻ em; kế hoạch phòng chống đuối nước trẻ em, học sinh; chỉ đạo thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.

Tuy vậy, công tác phòng chống đuối nước trẻ em vẫn còn có một số hạn chế, khó khăn, bất cập. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, trường học chưa thực sự ưu tiên, quan tâm sâu sát công tác phòng chống đuối nước trẻ em; chưa quan tâm đúng mức đối với việc xây dựng môi trường an toàn, loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, giữa gia đình, nhà trường ở một số địa phương trong các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em có lúc chưa chặt chẽ.

Ông Đoàn Hồng Vũ cho biết, từ năm 2021 tới nay, ngân sách chỉ chi trực tiếp hơn 16,6 tỷ đồng cho công tác phòng, chống đuối nước. Xã hội hóa trong lĩnh vực này còn yếu nên đến nay, toàn tỉnh mới có 216 bể bơi đạt yêu cầu, trong đó, có 111 bể bơi cố định và 105 bể bơi di động. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em còn thiếu và yếu, chưa có cán bộ chuyên trách công tác trẻ em ở cấp huyện và cấp xã; chế độ, phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên khối, xóm, thôn, bản còn thấp.

Trước tình trạng trẻ tử vong do đuối nước cao, tại kỳ họp 14, HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021-2026, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với từng gia đình trong công tác phòng chống đuối nước với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Rà soát các tiêu chí để hỗ trợ công tác dạy bơi, học bơi. Về mặt lâu dài, theo ông Quý, cần nghiên cứu đưa môn bơi vào giảng dạy trong trường học. Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết hỗ trợ xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Mỗi đơn vị cấp xã hoặc trường học sẽ được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng 1 bể bơi di động, kích thước tối thiếu 8x18m. Cụ thể, mỗi xã hoặc trường thuộc khu vực I, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đầu tư xây bể bơi nhưng không quá 100 triệu đồng. Các xã, trường học còn lại được hỗ trợ không quá 70 triệu đồng/bể bơi. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ xây dựng 178 bể bơi.

Với những nỗ lực này, mục tiêu đến năm 2025, 50% trẻ em tỉnh Nghệ An trong độ tuổi 9-16 được phổ cập bơi, biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% huyện, thành phố, thị xã hoàn thành việc xây dựng mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi” và giảm thiểu từ 5-10% số trẻ em tử vong do đuối nước.

Dương Hóa