Nghe già làng Cơ Tu kể chuyện

Thứ năm, 27/04/2017 08:57

(Cadn.com.vn) - Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi ngược về làng Ô Rây xưa (nay là thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), một vùng quê gắn với một quá khứ hào hùng của người dân Cơ Tu trong những năm kháng chiến chống Mỹ… Nhắc lại thời tham gia du kích, bảo vệ Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy trên đồi Nắp Vung, ánh mắt già Đinh Văn Lương (82 tuổi) sáng lên niềm tự hào. Già kể: Những năm chiến tranh, dân làng Ô Rây làm nhà dưới những tán rừng và cách xa nhau để tránh bị địch phát hiện, tập kích. Lúc bấy giờ, bọn địch chiếm đóng ở quận lỵ Hiếu Đức, đồn Dương Mẹo ở dưới xuôi được yểm trợ pháo thường xuyên lên làng càn quét, bắt người. Tuy nhiên, lần nào bọn địch vào làng cũng gặp cảnh “vườn không, nhà trống”. Có thời điểm, người dân trong làng chẳng có gì để ăn ngoài lá và quả của một số loại cây rừng, muối thì thường xuyên phải thay thế bằng rễ tranh. Dù đói khổ song dân làng vẫn luôn một lòng theo cách mạng, kiên trì bám làng, hăng say lao động sản xuất lấy lương thực nuôi cán bộ, bộ đội đánh Mỹ.

Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang giờ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống.

Còn trong ký ức của già Đinh Văn Sâm (70 tuổi), dãy Đồng Xanh - Đồng Nghệ trải dài qua vùng giáp ranh Đại Lộc (Quảng Nam) có địa hình núi non hiểm trở, không chỉ là một thành trì vững chắc bao bọc dân làng mà còn là niềm tin không chuyển dời từ cái nôi phong trào cách mạng của huyện nhà. Tất cả gần như đều bị bao phủ bởi đồi rừng, lau lách, đường đi cheo leo, nhiều vách đá dựng đứng. Nếu ai không đi sơ tán mà “bám trụ” phục vụ kháng chiến đều phải ở rất bí mật, chủ yếu sống với núi rừng. Việc thiếu ăn, mặc rét, bị vắt, muỗi rừng “hành hạ” là chuyện thường tình. Cũng theo già Sâm, lúc đó, những thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi như già còn chưa hiểu cách mạng là gì nhưng khi thấy giặc về làng sát hại dân lành thì ai nấy đều hừng hực khí thế sẵn sàng ở lại giúp cách mạng. Mặc dù, bị địch liên tục dùng máy bay đánh phá từ Ô Rây, Tống Cói đến Phú Son, đồi Sông Hương, những cánh rừng không còn cây cối, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải hy sinh, thế nhưng, bom đạn của kẻ thù không thắng được ý chí đấu tranh của các cơ sở cách mạng. Những chàng trai, cô gái người Cơ Tu không ngại xông pha làm du kích, giao liên sát cánh với cán bộ, bộ đội huyện trong mọi gian khổ, hiểm nguy…

Già làng Lê Thị Tiểu (90 tuổi) sẻ chia, sau ngày đất nước thống nhất, dân làng Ô Rây được tái định cư ngay trên vùng đất chiến khu xưa, không còn du canh, du cư nữa. Lãnh đạo TP và huyện đã thực hiện nhiều chương trình phát triển cụ thể, thiết thực, phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân miền núi nhằm tạo điều kiện cho đồng bào Cơ Tu nhanh chóng cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, huyện, xã còn chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế trang trại với quy mô nhỏ, đủ để bảo đảm cuộc sống và tạo thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh đó, trong các chính sách an sinh xã hội dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, có thể nhận thấy, hiệu quả nhất là chính sách đầu tư giáo dục, tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng tăng, học sinh bỏ học rất ít. Đường giao thông đã thuận tiện hơn rất nhiều, ô-tô vào tận làng. Hộ dân nào cũng có công trình vệ sinh và sử dụng nước sạch, không còn tình trạng ở nhà tạm như trước nữa. 100% hộ dân có điện sinh hoạt, được khám chữa bệnh miễn phí… Ông Nguyễn Văn Lớ - Bí thư chi bộ thôn Phú Túc cho biết: “42 năm qua, đời sống đồng bào Cơ Tu nơi đây khởi sắc từng ngày. Niềm vui gần đây nhất là việc nhiều khu du lịch sinh thái được đầu tư, xây dựng ở địa phương đã tạo việc làm cho người dân; một số hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật, nấu rượu cần phục vụ khách du lịch. Người Cơ Tu bây giờ không còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước như trước nữa”.

Vy Hậu