Nghề hái cà-phê thuê

Thứ bảy, 02/12/2017 11:28

Đã vào giữa mùa thu hoạch cà-phê, nhưng bến xe ở Gia Lai và Đắc Lắc lại nhộn nhịp hẳn lên bởi lượng lao động từ khắp nơi đổ về, mà phần đông là ở miền Trung. Từng chuyến xe khách từ miền xuôi, theo quốc lộ 19, 25, 26 lên Tây Nguyên nườm nượp chở theo từng đoàn người  đi hái thuê cà-phê. Mùa này, trong những vườn cà-phê ở khắp Tây Nguyên lúc nào cũng râm ran tiếng cười nói, rào rạt âm thanh của những quả cà-phê rơi xuống bạt, những bàn tay cứ thoăn thoắt trên những chùm quả chín mọng đỏ bừng giữa mùa gió chướng lạnh khô se sắt. Đội ngũ hái cà-phê thuê nhiều năm trở lại đây đã gia tăng số lượng đáng kể. Một chủ vườn cà-phê ở Ea H'leo (Đắc Lắc) cho biết, người hái cà-phê thuê phải hái đạt sản lượng là từ một tạ rưỡi đến hai tạ một ngày. Không chỉ hái nhanh và sạch quả trên cành, tránh rơi vãi mà còn hạn chế tối đa việc tuốt nhiều lá xanh hoặc làm gãy cành để cây cà-phê không bị kiệt sức ở mùa sau dẫn tới thất thu. Thông thường thì những chủ vườn và người hái cà-phê thuê chỉ có sự thỏa thuận miệng với nhau, nếu hai bên đáp ứng được yêu cầu thì làm việc. Khi chủ vườn và người lao động đã tin tưởng nhau thực hiện đúng những điều đã thỏa thuận và có một tình cảm nhất định thì cứ vào vụ thu hoạch cà-phê khi chủ vườn điện thoại là người lao động thu xếp công việc gia đình để đi làm.



Nhiều người từ các đia phương đến Tây Nguyên hái cà-phê thuê.

Thời gian gần đây, vì cần lượng nhân công nhất định cho vụ mùa nên nhiều chủ vườn đã tìm đến người môi giới để thỏa thuận về số lượng lao động cần thuê và giá cả, từ đó hình thành những chợ lao động tự phát. Tất nhiên vào những lúc cao điểm, bao nhiêu nhân công cũng được sử dụng hết.  Người hái cà-phê thuê đến địa phương đều với mục đích chính đáng là kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình ở quê; họ đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động trong ngày mùa, giúp thu hoạch sản phẩm nhanh, gọn, vì vậy họ được các chủ vườn trân trọng và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi.

Người các nơi về đây hái thuê cà-phê có nhiều hoàn cảnh. Có người đã đi hái thuê nhiều năm nên cứ vào vụ thu hoạch khi chủ vườn điện thoại là đến làm. Nhưng cũng có những người mới đi làm lần đầu vì vậy họ phải đi theo những người đã từng đi hái thuê. Bỏ lại những mệt mỏi trên tuyến đường dài trên chuyến xe Bắc - Nam trên quốc lộ 14, chị Phan Thị Thu (quê Hà Tĩnh) cùng nhóm người cùng quê vào xã Đăk Mar (H. Đăk Hà, Kon Tum) hái cà-phê thuê đã tươi tỉnh trở lại khi nhìn thấy những vườn cà-phê chín đỏ, khoe sắc dưới nắng vàng. Chị bảo: "Ở quê lũ lụt, khổ quá! Bọn em vào đây hái cà-phê thuê cho người bà con để kiếm thêm đồng tiền trang trải và lo cho con ăn học!". Chị Trần Thị Thêu (41 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi) kể: gia đình nghèo khó chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên chị đành khăn gói đi làm thuê ở nhiều nơi. Năm nào cũng vậy, sau khi đi phụ hồ hay làm những công việc khác, chừng giữa tháng 11 là chị lại khăn gói lên Chư Sê, Gia Lai hái cà-phê thuê. Chị Thêu cho biết: "Mỗi năm chỉ có một vụ mùa, người ta cần nhân công lắm nên tôi lại lên đây. Không chỉ mình tôi mà còn rất nhiều bà con từ các nơi khác ở Hà Tĩnh, Quảng Nam hay Bình Định cũng lên đây hái cà-phê thuê cả!". Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình (ở H.Thạch Hà Hà Tĩnh) cũng lên Tây Nguyên làm thuê mấy năm nay. Cứ ăn Tết Nguyên đán xong là anh chị nhờ ông bà nội nuôi con để vào Gia Lai kiếm việc làm, gần đến Tết lại trở về quê cùng gia đình. Anh Bình cho biết: "Mấy năm nay thiên tai, rồi mùa màng thất bát nên vợ chồng phải gửi con cái lại quê để lên đây kiếm việc làm, đặng kiếm tiền mà ăn tết và lo cho mấy đứa con ăn học. Nếu không có những vườn cà-phê này, chắc hai vợ chồng phải vào trong Nam đi làm công nhân lương ba cọc ba đồng thôi!"

Nhìn những bàn tay trầy xước rướm máu vì lao động, những đôi bao tay rách tướp và những vết trầy xước trên mặt những người lao động này mới thấy công việc thu hái cà-phê cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Cứ 3 - 4 người một bạt kéo lê dưới gốc cà phê để hái, rồi lại gồng mình trút đổ vào những chiếc bao nặng 60-70kg và vác lên điểm tập kết cách xa cả trăm mét đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe. Gặp những chủ nhà khó tính, chuyện làm thêm giờ, làm những công việc không liên quan cũng là thường. Nhưng cũng có nhiều chủ nhà dễ tính, quan tâm tới nhân công. Chị Vũ Thị Thư (38 tuổi, quê Bình Định) đang hái cà-phê cho một chủ vườn ở Ia Sao (Gia Lai) cho biết: "Những chủ vườn này thấu hiểu được nỗi vất vả của người làm nên thương lắm. Tôi đã làm công việc này mấy năm rồi, gặp chủ nào cũng thương cả. Chuyện ăn uống cũng được quan tâm. Mình làm được việc nên có khi hái xong, ngoài tiền công, chủ vườn còn cho thêm quà cáp, tiền về xe nữa! Cứ thế, năm sau đến mùa sau là họ lại điện thoại lên hái. Thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe và gia đình. Cũng thân thiết lắm!".



Ngoài việc thu hái cà-phê, nhiều người còn làm thêm việc phơi, xay cà-phê.

Mỗi vụ mùa, chủ vườn có thể thuê tới 10 - 20 nhân công tùy vào diện tích cần thu hái. Họ chăm lo đến chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của người làm để nhân công của mình dồn sức thu hoạch nhanh. Có khi cả chủ và người làm cùng chung một bạt hái, cùng quan tâm nhau về gia đình, về quê hương bản quán và cuộc sống khó khăn hiện tại. Có người làm thuê cũng đã được chủ vườn giữ lại để trông coi vườn cho mình với mức lương vài triệu đồng một tháng, xây nhà cho ở, hay đưa cả vợ con lên để chăm sóc, cùng làm. Ông Đặng Văn Giỡ, một chủ vườn ở Chư Păh (Gia Lai) cho biết: "Tôi cũng đi kinh tế mới vào đây nhiều năm trước nên hiểu cuộc sống khốn khó của những người phải đi tha phương cầu thực, việc giúp đỡ nhau trong công việc, hay quan tâm tới đời sống của nhân công mình cũng là điều bình thường. Mình có đối xử tốt với người làm thì họ mới hết lòng với mình. Tôi cũng chẳng phân biệt chủ tớ gì, và chắc mọi người cũng thế. Tất cả cũng chỉ vì mưu sinh và lo cho gia đình thôi!".

Thu nhập trung bình của người hái cà-phê thuê dao động từ 150 - 180 ngàn đồng/người/ngày tùy vào khu vực, nhưng đó là khoản thu nhập đáng kể để những người lao động có được sau những ngày tháng vất vả. Những giờ nghỉ ngơi, những người lao động lại quây quần bên nhau, hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình và cùng mơ ước tới một tương lai tốt đẹp hơn.

MINH NGỌC - KSOR KHÔI