“Nghề làm nước mắm Nam Ô” chính thức là di sản phi vật thể Quốc gia
Ngày 4-7, UBND Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng long trọng tổ chức Lễ vinh danh “Nghề làm nước mắm Nam Ô” là di sản phi vật thể Quốc gia trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân. Đây là động lực để chính quyền, bà con làng nghề bảo tồn, đưa “thương hiệu” nước mắm Nam Ô trở thành “đặc sản” của Q. Liên Chiểu nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung. Phó Chủ tịch UBND TP đến dự, có bài phát biểu nhân sự kiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên trao Chứng nhận “Nghề làm nước mắm Nam Ô” là di sản phi vật thể Quốc gia của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch cho Q. Liên Chiểu. |
Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, người dân làng Nam Ô hôm nay vẫn gìn giữ và lưu truyền những kinh nghiệm, bí quyết để làm nên những giọt nước mắm đậm đà chất riêng, để hôm nay nghề làm nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô cho biết: Làng nghề làm mắm Nam Ô đã có từ khoảng hơn 300 năm trước. Người dân Nam Ô xưa tới nay luôn tự hào sản phẩm của làng mình từng là sản vật tiến Vua. Nếu như năm 2016 toàn bộ làng nghề muối khoảng 100 tấn cá thì 2018 đã tăng lên gấp đôi (200 tấn) và năm 2019 khoảng gần 300 tấn, cho ra số lượng nước mắm khoảng 130-140 ngàn lít. Từ chỗ một làng nghề nhỏ hẹp, giờ Nam Ô đã có 4 hợp tác xã với 28 thành viên, 1 doanh nghiệp và 55 hội viên cơ sở.
Các đại biểu dự lễ chứng kiến vinh danh “Nghề làm nước mắm Nam Ô” là di sản phi vật thể Quốc gia. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu phấn khởi: Được công nhận Di sản phi vật thế quốc gia là niềm tự hào lớn, phần thưởng xứng đáng, ghi nhận những nỗ lực của chính quyền thành Phố Đà Nẵng, của quận Liên Chiểu và đặc biệt là bà con làng chài vùng Nam Ô trong việc gìn giữ làng nghề có từ hàng trăm năm. Không chỉ mang lại giá trị vật chất, mắm Nam Ô còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề truyền thống bao đời, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Làng nghề có vị trí địa lý thuận lợi, lại gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình thành từ thời cha ông, như: Đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, Lăng thờ cá Ông và các di chỉ, dấu tích Chăm… Đó là điều kiện rất thuận lợi, phù hợp để liên kết phát triển Làng nghề gắn với phát triển du lịch trong tương lai.
Lãnh đạo Q. Liên Chiểu tặng hoa chúc mừng Cty Tập đoàn Trung Thủy – Đơn vị tham gia thực hiện Đề án Du lịch cộng đồng. |
Theo ông Huy, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP Đà Nẵng” với kinh phí gần 4,7 tỷ đồng với mục tiêu cụ thể như: Đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm, xây dưng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương… “Hy vọng với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực của bà con nhân dân, chúng ta sẽ đón ngày càng nhiều những đoàn khách du lich đến với làng nghề làm nước mắm Nam Ô. Đặc biệt, chúng ta kỳ vọng sản phẩm nước mắm Nam Ô sẽ khẳng định được thương hiệu trên thị trường, theo chân du khách đên các vùng miền trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo Quận Liên Chiểu khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên khẳng định: Nghề làm nước mắm Nam Ô có từ lâu đời và gắn liền với tiến trình mở cõi vê phương Nam của dân tộc. Dù trải qua bao thăng trầm, biến thiên thay đổi của thời gian, đến nay nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn tồn tại và phát triển. Theo năm tháng, những kinh nghiệm dân gian, bí quyết, kỹ thuật làm nước mắm vẫn được bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ. Đây không chỉ là một sản phẩm ẩm thực không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân Đà Nẵng mà còn là biểu tượng văn hóa, có tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương. “Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm nuớc mắm Nam Ô” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của di sản. Đồng thời, thể hiện sự ghi nhận công lao và tri ân sâu sắc đối với các nghệ nhân, bà con làng nghề đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa này. Tôi đề nghị chính quyền địa phương và bà con làng nghề tiếp tục phát huy giá trị di sản, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Nghề làm nuớc mắm Nam Ô” gắn với phát triển du lịch của TP Đà Nẵng”; để làng nghề trở thành một sản phẩm độc đáo nhằm giới thiệu, quảng bá nét văn hóa biển đặc sắc, mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế xã hội cho địa phương và cộng đồng, đặc biệt là kinh tế du lịch” – Phó Chủ tịch Trần Văn Miên nói.
Người dân Nam Ô làm nước mắm. |
Dịp này, bên cạnh biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc phát huy, bảo tồn Làng nghề làm nước mắm Nam Ô, UBND quận Liên Chiểu cũng đã công bố Quyết định của UBND TP Đà Nẵng về phê duyệt Đề án Du lịch cộng đồng do Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng đầu tư, triển khai ngay trên vùng đất Nam Ô với kinh phí đầu tư hơn 46 tỷ đồng, trong đó Cty CP Trung Thủy tài trợ đầu tư gần 36 tỷ đồng. Đề án nhằm khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa; đồng thời giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chai và bảo tồn nghề mắm truyền thống của vùng Nam Ô đến với du khách, tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia làm du lịch. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó TGĐ Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng cho hay, bên cạnh thực hiện đề án du lịch cộng đồng, trước sự phát triển của làng nghề nước mắm Nam Ô, Cty Trung Thủy cam kết sẽ tuân thủ sự chỉ đạo của các Sở ban ngành, và đồng hành cùng người dân Nam Ô để Đề án phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, trong đó chú trọng gìn giữ, cải tạo môi trường thiên nhiên để làng nghề được bảo tồn, phát triển cũng như luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết.
CÔNG HẠNH