Nghệ nhân cuối cùng của nghệ thuật múa dân gian Chăm H'roi

Thứ năm, 29/11/2018 12:13

Nền văn hóa nghệ thuật Chăm H'roi Phú Yên mang tính bản địa sâu sắc và đậm nét đặc trưng riêng của dân tộc mình. Hiện nay ở buôn Ma Lăng, xã Cà Lúi (H. Sơn Hòa), Mó Liễu (1948) là một nghệ nhân còn gìn giữ những điệu múa dân gian Chăm H'roi, góp phần bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc.

Lễ hội cầu mưa của người Chăm H'roi. 

Mới đây, có dịp dự lễ cúng bỏ mả ở xã Cà Lúi, tôi được xem Mó Liễu múa điệu con chim Grứ (chim đại bàng), một điệu múa dân gian của dân tộc Chăm H'roi. Mó Liễu múa say sưa, đôi tay lúc đưa lên cao, lúc thì ngang ngang như đôi cánh chim, bàn tay chuyển động theo sự di chuyển của đôi chân và thân hình, tưởng tượng như con chim Grứ đang xoải cánh bay trên trời cao xanh thẳm. Điệu múa này là sự kết hợp khéo léo, tài tình giữa âm nhạc và hình thể; hòa với âm thanh chiêng, cồng và trống đôi lúc trầm lúc bổng. Điệu múa như mời gọi các vị thần linh, linh hồn của người đã khuất về chứng giám tấm lòng thành của dòng họ, con cháu..., cầu mong người về bên kia thế giới được an nghỉ nơi cõi lành với tổ tiên.

Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Chăm H'roi, tuy đơn giản nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong các lễ hội văn hóa cộng đồng, phản ánh sinh động cuộc sống buôn làng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng nền văn hóa Chăm H'roi vẫn tồn tại, trong đó có múa dân gian. Mó Liễu bộc bạch: "Lúc còn thiếu nữ, tôi được mẹ dạy múa. Khi lớn lên, tôi cùng các chị trong buôn tham gia múa mỗi khi địa phương tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống. Hiện nay, bạn múa với tôi là Mí Gié ở cùng buôn Ma Lăng, bà ấy năm nay cũng đã hơn 70. Dù tuổi đã xế chiều nhưng chúng tôi không quên những điệu múa truyền thống của dân tộc mình".

Theo quan niệm của người Chăm H'roi, chim công là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn nên Mó Liễu thể hiện điệu múa này trong các ngày vui của khu dân cư như: lễ hội mừng năm mới, ngày hội đại đoàn kết, cúng bến nước...Trong nghi lễ cúng yàng (trời), cúng thần linh sông, núi, hay cúng lễ bỏ mả thì bà múa điệu con chim Grứ. Đặc biệt trong lễ bỏ mả, thông qua động tác múa thể hiện lời chào từ biệt của người còn sống đối với người đã vĩnh viễn đi xa. Người Chăm H'roi tin con chim đại bàng là hình ảnh của tâm linh, nên điệu múa này thể hiện mối quan hệ giao thoa giữa người sống với linh hồn những người đã khuất.

Ông Ma Ngun ở xã Cà Lúi, nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, bộc bạch: "Mó Liễu rất đam mê múa theo điệu cổ truyền của dân tộc Chăm H'roi. Những điệu múa của Mó Liễu theo tiếng cồng, nhịp trống đôi uyển chuyển quanh cây nêu bên bếp lửa thiêng hay dưới chân nhà rông. Trong mỗi điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển chứa đựng tâm hồn, tình cảm, gần gũi, hòa đồng, thể hiện cốt cách của dân tộc Chăm H'roi, làm say đắm lòng người". Theo các già làng ở xã Cà Lúi, những điệu múa của Mó Liễu mô phỏng theo chim công, chim đại bàng đang bay lượn, gọi là múa "tam gia"; chỉ cần hai đến ba người là có thể biểu diễn được, không cần phải nhiều người như múa xoan. Đặc biệt, múa điệu "tam gia" phải có múa trống đôi mới phong phú, sinh động. Ông Ma Vin, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cà Lúi, chia sẻ: "Người Chăm H'roi sở hữu di sản văn hóa khá phong phú như: âm nhạc cồng chiêng, múa trống đôi và nghệ thuật múa dân gian. Hiện nay, ở xã Cà Lúi, Mó Liễu là nghệ nhân múa truyền thống, bà thường xuyên tham gia các lễ hội văn hóa ở địa phương và lễ hội văn hóa các dân tộc ở huyện, tỉnh. Khi bà thể hiện các điệu múa luôn tạo cho người xem một ấn tượng độc đáo, đưa họ về một vùng đất huyền thoại, linh thiêng, sâu thẳm. Múa xoan, múa trống đôi, múa "tam gia" trở thành di sản văn hóa quý báu không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Chăm H'roi".

Ông Ka Sô Liễng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết: "Các điệu múa dân gian của dân tộc Chăm H'roi gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng; vì vậy sự phát triển bền vững hay dần mai một là phụ thuộc vào sự quan tâm của các cấp, ngành ở địa phương. Không chỉ dừng lại ở việc tìm và phục hồi mà còn phải nghĩ đến vấn đề phát huy các điệu múa dân gian như thế nào để vừa bảo tồn được nguyên gốc, đồng thời giữ lại làm tài sản vô giá cho thế hệ mai sau".

LÊ KHA