Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu: Nửa thế kỷ lửa nghề vẫn cháy...

Thứ ba, 06/09/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Long Bửu, nghệ nhân tài hoa của làng đá Non Nước (trú 55-Huyền Trân Công Chúa- P.Hòa Hải- Q.Ngũ Hành Sơn- TP Đà Nẵng) vừa được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân ngành điêu khắc đá đầu tiên của Việt Nam. Nhiều năm qua, cái tên Nguyễn Long Bửu đã khá nổi tiếng trong và ngoài nước bởi những tác phẩm và những giải thưởng cao quý.

Vẽ trong tưởng tượng

Dường như, ở Nguyễn Long Bửu, chất nghệ sĩ nhiều hơn nghệ nhân. Bởi mỗi tác phẩm của ông, ngoài "bàn tay vàng" còn đậm chất trí tuệ và rung cảm của con tim. Ông hay nói với học trò của mình, kỹ năng luyện mãi sẽ thành, nhưng nếu chỉ có vậy, thành quả làm ra chỉ là những sản phẩm mỹ nghệ và nếu cố gắng cho nó danh xưng mĩ miều thì cũng chỉ là cái tên, vô hồn và trống rỗng. Điều cốt lõi làm nên thành công của Nguyễn Long Bửu trước hết là cái "lộc" trong gia đình 4 đời điêu khắc đá, ở một làng nghề vượt bao thăng trầm mấy trăm năm vẫn rực lửa. Nhưng, đó chỉ là tiền đề, cũng giống như việc ông được đào tạo bài bản ở trường Mỹ thuật Hà Nội. Nó sẽ dừng lại ở một chừng mực nào đó nếu trong suốt 44 năm thực hành nghề điêu khắc đá Nguyễn Long Bửu không vắt óc sáng tạo và khơi thông cảm hứng. Ông bảo, sự vận chuyển của xã hội không ngừng nên quan niệm, cảm thụ của người tiếp nhận cũng thay đổi, nếu nghệ nhân không đứng trong tâm thế của người tiếp nhận, tác phẩm sẽ trở nên xa lạ. Cho nên, ông luôn thổi hồn vào trong đá, cho tác phẩm của mình một sức sống mới, gần gũi hơn, nhưng quan trọng không để mất đi cái căn bản tinh túy ngàn đời ông cha để lại. Một sự quyện hòa vừa độ chín tới, nghĩa là phải rất tinh tế. Mà muốn vậy người nghệ nhân phải luôn khơi thông cảm hứng và trí tuệ. "Người ta bảo đá thì nặng và lạnh, nghệ nhân không có "lửa" thì lấy gì mà "thổi"?, ông Bửu tự đặt câu hỏi cho mình. Thường thì quá trình thai nghén một tác phẩm của ông bắt đầu từ rung cảm với đề tài, trăn trở tìm phương pháp thể hiện độc đáo nhất, hiệu quả nhất. Ông nhắm mắt lại và vẽ tác phẩm trong tưởng tượng, hư vô.

Một trong những mảng điêu khắc đá thành công của Nguyễn Long Bửu chính là tượng danh nhân. Ông bảo, điều cốt lõi trong tượng danh nhân là phải toát lên được thần thái nhân vật. Mà để có điều này, việc tìm hiểu tư liệu về cuộc đời nhân vật thôi chưa đủ. Quá trình thai nghén, vẽ nhân vật trong tưởng tượng, có khi hàng trăm phiên bản nhưng vẫn chưa chớp được thần thái. "Khi làm tượng bác Phạm Văn Đồng, cả năm trời tôi cứ ấp ủ, nhưng rồi lại chớp được thần thái của bác từ trong giấc mơ. Tôi tỉnh dậy vẽ ngay ra giấy, cảm giác như sợ ý tưởng ấy tan biến mất"- ông Bửu kể.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu bên tượng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Cháy mãi lửa nghề

Trước khi được phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nguyễn Long Bửu cũng từng vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Có thể nói, sự tôn vinh của Nhà nước dành cho cống hiến của ông là niềm mơ ước với bất cứ nghệ nhân nào. Song, công bằng mà nói, để được vinh danh như vậy, Nguyễn Long Bửu đã phải miệt mài lao động, cống hiến suốt gần nửa thế kỷ. Cứ nhìn vào khối lượng đồ sộ tác phẩm mà ông tạo ra được trưng bày nhiều nơi trong và ngoài nước đủ thấy sức lao động, sáng tạo của ông như thế nào. Trong số đó có thể kể đến tượng Quan Âm đặt tại Thái Lan, Tháp đá tại Pháp, tượng Phật Thích Ca đặt tại Ấn Độ...Ở trong nước, phần lớn các địa phương từ Bắc tới Nam đều có tác phẩm của Nguyễn Long Bửu, chẳng hạn tượng Quan Âm tạo sơn (Lạng Sơn và Khánh Hòa), tượng đài du kích Ba Tơ và Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi), tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (Hải Phòng)..., đặc biệt là quần thể 28 tượng đá  được Chính phủ lưu lại trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Hiện tại, Nguyễn Long Bửu đang thực hiện tượng Quan Thế Âm tại Phú Quốc-Kiên Giang cao 35 m.

Bên cạnh những tác phẩm lớn khẳng định tên tuổi, Nguyễn Long Bửu còn được vinh danh tại nhiều cuộc thi điêu khắc trong và ngoài nước. Nổi bật như Huy chương Bạc giải điêu khắc sáp quốc tế tại Thái Lan năm 2002. Đây là cuộc thi lớn với sự tham dự của 28 nước, trong đó có những cường quốc về điêu khắc và ông Bửu là đại diện duy nhất của Việt Nam. Đây là cuộc thi quốc tế đầu tiên mà ông tham dự, vì thế thành công từ cuộc thi đã để lại nhiều cảm xúc và ký ức lâu bền. Ông kể, chủ đề của cuộc thi là sự bình yên, hạnh phúc của nhân loại thể hiện đặc trưng truyền thống văn hóa của mỗi nước tham dự. Sau khi nhận được khối sáp ong màu nâu, trong 3 ngày liền, ông Bửu đã tạo ra tác phẩm về người phụ nữ Việt với chiếc áo tứ thân, tay cầm nón quai thao trước đôi bồ câu hòa bình đang bay lượn. Tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh với BTC, khi nó được vinh danh, nhiều điêu khắc gia đến từ các nước đã biết tới điêu khắc Việt đầy nể trọng.

Nguyễn Long Bửu tâm sự, hiện ông đang thai nghén sáng tạo nhiều mẫu tượng danh nhân cho một ý tưởng ấp ủ đã lâu dành cho quê hương. Trong đề án gửi lãnh đạo TP, ông Bửu mong muốn 90 bức tượng danh nhân sẽ được đặt tại 90 tuyến đường chính của TP. Nếu được TP phê duyệt thì đây là dự án độc đáo mà chưa địa phương nào cả nước làm được. Bởi lẽ những bức tượng danh nhân không chỉ tạo thêm không gian đẹp cho TP, nhất là khi sự kiện APEC 2017 sắp đến, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, giáo dục sâu sắc. Hiện TP đã đồng ý chủ trương đặt tượng danh nhân tại 11 tuyến đường của Q.Ngũ Hành Sơn và "đặt hàng" ông Bửu sáng tạo mẫu. Yêu cầu đặt ra là các mẫu tượng ngoài tính nghệ thuật, có hồn còn phải gần gũi với đời thường để người dân nhìn vào là nhận ra ngay danh nhân được tạc tượng. Các bức tượng được điêu khắc từ đá nguyên khối, kích thước và bệ cao 2,2m, trên bệ tượng khắc tên danh nhân, tiểu sử vắn tắt...

Với Nguyễn Long Bửu mỗi ngày trôi qua thật nhanh. Như sợ không đủ thời gian chật chội của đời người cho những dự định, thai nghén ấp ủ quá nhiều, nên ông không cho phép mình dừng lại. Ông bảo, từ bữa ra Hà Nội nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân về cái lưng cứ đau ê ẩm, muốn ngả xuống, nhưng lòng lại thôi thúc dựng dậy. Ở ngoài xưởng còn nhiều tác phẩm dang dở đang chờ ông. Ngọn lửa nghề trong ông vẫn hừng hực cháy, dù đã trải qua gần nửa thế kỷ...

Hải Hậu