Nghề “săn” đá cảnh - góc khuất phía sau những món hời bạc triệu

Thứ hai, 16/01/2017 09:51

(Cadn.com.vn) - Mỗi viên đá cảnh đặc biệt mà những người đi “săn đá” lấy được có thể mang lại vài triệu thậm chí vài chục triệu đồng lợi nhuận, nhưng để có được điều đó, những “thợ săn đá cảnh” có nguy cơ hứng chịu thương tật suốt đời thậm chí đánh đổi cả sinh mạng với cái nghề đặc biệt nguy hiểm này.

Vất vả, hiểm nguy là thế nhưng nhiều năm qua, người dân nơi đây vẫn coi nó là một nghề “hái ra tiền” và sẵn sàng phó mặc tất cả.

Ông Bùi Xuân Thắng bên tác phẩm nghệ thuật bạc triệu của tạo hóa. 

Những hòn đá mang “màu máu”

Đi ngang qua địa phận thôn Tân Lâm thuộc xã Cam Thành (H. Cam Lộ, Quảng Trị), chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì trong vườn của gia đình nào cũng nhô nhổm các loại đá lớn nhỏ khác nhau. Người dân nơi đây gọi chúng là những “cây đá” và trồng chúng ở khắp mọi nơi. Ai hỏi họ thường nói đùa rằng loại cây này khó trồng nhưng rất có giá trị bởi chúng không giống như các loại đá thông thường khác. Ông Bùi Văn Thắng (49 tuổi, một người dân địa phương) cho biết: “Loại đá này ở đây chúng tôi vẫn thường gọi là những viên “đá máu”. Bởi lấy được chúng về trồng ở đây không phải đơn giản mà những người trong nghề phải vất vả leo lên những ngọn núi cao, phải đổ máu mới có được. Từ lý do đó đá mới có cái tên đặc biệt như vậy chứ không phải màu sắc của chúng giống như màu của máu đâu”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì khi nhu cầu “đưa núi rừng về nhà” của người nhiều tiền lắm của thì cái nghề này cũng bắt đầu manh nha ở vùng này. Kể từ năm 2002 không biết từ đâu mà các chủ xây dựng lùng sục khắp nơi tìm mua đá cảnh về trang trí nhà cửa, cơ quan, xí nghiệp… Trong khi đó, xã Cam Thành lại được bao quanh bởi những dãy núi đá cao với nhiều loại đá mang hình thù khác nhau. Thấy thị trường đá cảnh lên cơn sốt nên một số người trong địa phương bắt đầu trèo núi đi “săn” đá về bán lại cho các nhà thầu xây dựng. Một thời gian sau khi thấy món hời lớn từ sản phẩm tự nhiên này mang lại mà nhà nhà, người người lao vào cái nghề này. Đến tận bây giờ nó trở thành một nghề “hái ra tiền” ở vùng đất này.

Theo ông Thắng, giá của đá cảnh được tính theo khối. Nếu như loại đá dùng làm hòn non bộ thì mỗi khối như vậy có giá ít nhất là 2 triệu đồng. Những viên riêng rẽ thì tùy theo kích thước, hình thù mà định giá. Viên nào lớn, hình thù đẹp và vẫn còn nét hoang sơ, nguyên thủy, chưa bị bất cứ tác động của ngoại lực nào càng có giá. Nhiều viên lên đến chục triệu trăm triệu đồng là chuyện thường. Bởi thế mà đa số người dân ở đây nhà nào cũng có người làm nghề “săn” đá cảnh. Nhiều gia đình nhờ những hòn đá vô tri vô giác này mà trở thành tỷ phú, xây được nhà cao cửa rộng và mua sắm các vật dụng khác trong gia đình.

“Ban đầu chưa biết nên chúng tôi cứ mang về hàng loạt rồi gọi nhà thầu đến chọn mua. Nhiều lúc cả bãi đá lớn như vậy mà họ không chọn được cái nào thế là vừa mất công lại mất thời gian. Sau này thành quen, biết gu thẩm mỹ của người mua nên chúng tôi chỉ chọn các loại đá phù hợp, tức là phải có nhãn quan về đá. Nhưng khổ nỗi, những viên đá được ưa chuộng lại nằm ở một độ cao lớn, ẩn sâu trong hóc hẻm khiến người đi “săn” phải mất nhiều thời gian tìm kiếm. Đã thế việc vận chuyển chúng về tới nơi cho nguyên vẹn, không bị trầy xước gì lại là một khó khăn khác nữa”, ông Thắng tâm sự.

Những khu trồng toàn “cây đá”. 

Hiểm nguy rình rập

Nghe kể thôi chưa đủ, có theo chân những người đi tìm đá cảnh ở thôn Tân Lâm mới thấy nỗi vất vả và nguy hiểm của nghề này. Từ mờ sáng nhóm thợ tìm đá phải chuẩn bị cơm nước, dây thừng đầy đủ để bắt đầu chuyến hành trình. Thông thường những “thợ săn” chia thành từng nhóm, mỗi nhóm có từ 4 đến 5 người đi cùng với nhau rồi chia nhau ra để tìm kiếm. Từng khoảng núi đá cao chất ngất bị lùng sục, không có nơi nào vắng dấu chân của những người đi tìm đá. Ở nơi này, những ngọn núi có độ cao từ 600 đến 800m nên phải mất hơn nửa ngày mới tới được nơi cần đến.

Khi đã tìm thấy được những viên đá vừa ý thì công đoạn khó khăn nhất là làm sao chuyển đá xuống mặt đất. Theo đó, người “thợ săn” đá có 2 cách khác nhau để vận chuyển: Đối với những viên đá nhỏ vài chục cân thì cõng chúng trên lưng mà đưa xuống. Đường núi hiểm trở lại không có bất kỳ một dụng cụ bảo hộ nào nên người thợ phải cẩn thận trong mỗi bước đi. Chỉ cần một chút bất cẩn, sẩy chân là mất luôn tính mạng. Những viên đá được mang về nhà nhỏ nhất cũng vài ba chục cân, được thợ đá mang ẵm sau lưng. Thế nên điều đặc biệt để nhận ra thợ đá ở đây là cái lưng còng và bước đi lúc nào cũng chúi về trước.

Ông Thắng nói đùa rằng cái vùng này chắc thêm vài năm nữa là có nhiều người lưng còng lắm, người già còng lưng thì chả nói gì. Thanh niên, trung niên cũng oằn mình trước sức nặng mới có chuyện để nói. Nhiều người gặp tai nạn lúc làm việc, nặng thì nằm giường mãi mãi, nhẹ thì chân tay khập khiễng, còn việc sây sát thân thể là chuyện cơm bữa. Đối với những viên đá đơn thì phải dùng hệ thống cáp tời để đưa xuống. Ông Thắng cho hay: “Đá cảnh phải giữ nguyên hiện trạng tự nhiên, nếu bị sứt mẻ một góc nhỏ hay xây xước thì bị mất giá, trường hợp nặng thì bỏ đi là chuyện thường. Vì vậy việc vận chuyển đá cảnh là điều quan trọng nhất. Người thợ đá cần thận trọng và tỉ mỉ trong mỗi bước đi. Vừa giữ tính mạng cho mình vừa phải giữ cho viên đá không bị sứt mẻ. Cõng đá trên lưng mà tựa như con cái mình vậy”.

Thợ đá dùng dây treo mình trên những vách đá tai mèo để tìm đá cảnh.

Ông Thắng cũng kể, có lần có một người thợ săn đá tìm được một viên đá rất đẹp, nhưng khổ nỗi phiến đá này quá to không thể mang về được mặc dù nhóm thợ săn đá này có tới 4 người. Sau nhiều giờ hì hục xoay vặn đủ kiểu, dùng đủ mọi công cụ mang theo mà vẫn không nhấc được phiến đá lên, nhiều người trong nhóm đã nản chí muốn bỏ. Thế nhưng có một người vẫn ở lại, cố gắng tìm cách đưa phiến đá này lên. Sau gần ba ngày nằm giữa chốn núi rừng cho muỗi đốt, vắt cắn và rắn rết buồn tình ghé thăm, cuối cùng nhóm này nhờ sự cố gắng và trợ giúp của một vài người dân địa phương đã mang được đá ra. Phiến đá đó sau này được một người Nhật mua lại với giá gần 100 triệu đồng.

“Nhiều người không hiểu thì bảo rằng đá có sẵn trong tự nhiên, mình chỉ bỏ công bỏ sức ra mà lấy rồi mang về, đúng là nghề “một vốn bốn lời”. Nhưng không phải ai cũng làm được, cái cần nhất của một thợ đá cảnh là sức khỏe, gan góc và khả năng thẩm mỹ đặc biệt khác người thì mới phát hiện ra những phiến đá đẹp, những phiến đá có hồn. Người ta vẫn bảo đá sỏi vô tri, nhưng thật sự đá cũng có tâm hồn, cũng có số phận của mình vậy. Khi đã bước vào cái nghề này biết là có được nhiều tiền đó nhưng tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi đã làm thì tư tưởng phải luôn ổn định, dẹp bỏ hết các suy nghĩ tiêu cực mới đảm bảo được chút an toàn trong nghề. Có người trong lúc đi “săn đá” gặp phải tai nạn khiếp luôn đến tận bây giờ không dám theo nghề nữa. Thậm chí thấy đá là bị ám ảnh đó!”, ông Thắng nói thêm.

Bỏ ra công sức và đánh đổi cả tính mạng của mình nhưng việc bán đá cảnh cũng không phải dễ dàng. Chỉ những nơi người dân có nhu cầu xây dựng và “gu” thẩm mỹ cao mới dám mò mẫm lên tận miệt núi rừng xa xôi hiểm trở này để mua đá. Những người làm nghề này có một điều đặc biệt thường gặp ở giới “nghệ sĩ”, họ xem những viên đá mình tìm được như là một tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa, thường nâng niu những viên đá đặc biệt và chăm chút cho chúng còn hơn cả những đứa con của mình. Vì thế thường quan niệm rằng việc bán mua phải hiểu ý nhau, nghĩa là người mua phải biết thưởng thức, biết nhận ra cái đẹp ẩn giấu phía sau từng viên đá vô tri mà người thợ săn đá mang về được. Nhiều trường hợp người mua đá không biết gì cách chơi, cứ nhìn người khác xây non bộ, đào sông, tạc tượng là đánh nguyên xe tải đến làng đá cảnh, ngã giá rồi phán ngược phán xuôi, chủ đá phật lòng thế là đuổi thẳng, chả bán mua gì nữa.

Tiêu Dao