Nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Sang và tiếng thơ thiện nguyện

Thứ năm, 04/07/2013 10:24

(Cadn.com.vn) - Mặc cho giữa khói bụi đường phố Sài thành ngược xuôi xe cộ, sừng sững cao ốc, tiếng thơ bị át hẳn bởi những âm thanh va đập chát chúa, nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Sang-người con quê hương xứ Quảng-vẫn mở lớp dạy ngâm thơ; đem tiếng thơ vận động từ thiện để giúp cho bao mảnh đời khốn khó, hay làm cầu nối cho những nhà thơ khuyết tật từ Nam chí Bắc có dịp được thể hiện mình qua những đêm thơ do anh tổ chức...

Tiếng thơ và cuộc đời

Tên thật của nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Sang là Nguyễn Ngọc Xân, sinh năm 1954, quê thôn Triêm Nam, xã Điện Phương, H. Điện Bàn, Quảng Nam. Anh không khởi đầu đường lập nghiệp của mình bằng nghệ thuật, mà là một ngành nghề trái ngược: kinh doanh. Năm 1986, làm trưởng phòng một xí nghiệp may ở Đà Nẵng, rồi vào Sài Gòn làm cho một công ty may, bênh vực công nhân không được, anh bất mãn bỏ việc, tự mở một xưởng may nhỏ, thu nhận người khuyết tật, cơ nhỡ vào làm. Một lần, vào năm 1996, có người rủ tham gia cuộc thi ngâm thơ Tre Xanh, anh cũng liều đi, ai ngờ được giải khuyến khích, rồi tham gia CLB thơ Gò Vấp, ngâm cho các chương trình thơ đài truyền hình Bình Phước, Đà Nẵng, TPHCM... Nghĩa là, anh gắn bó với nghiệp thơ chỉ cách đây 12 năm. Nhưng như lời anh: "Ba mẹ tôi là những kép tuồng. Khi đã ám ảnh đến quá mức bởi những câu tuồng, câu hò của ba, câu hát ru của mẹ, năm 20 tuổi, tôi đã thông thạo các câu tuồng, những bài cải lương để rồi nói với ba cho con theo nghiệp diễn xướng, ba nói không được bởi xướng ca vô loài".

 

 

 Nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Sang.

Ngọc Sang nói: "Khi tiếng thơ đã không còn dành riêng cho thơ thì vẫn còn chỗ để dành cho đời, dù đời có lạc lõng với thơ". Và với anh, đó là việc đem tiếng thơ biến thành những chuyện mà người đời gọi là thiện nguyện.

Tiếng thơ cho quê hương

Ngọc Sang luôn có duyên với những nhà thơ khuyết tật. Những nhà thơ khuyết tật khắp từ Nam tới Bắc như Nguyễn Ngọc Hưng (Quảng Ngãi), Nguyễn Hữu Thịnh (Hải Dương), Huệ Nguyên (Đắc Lắc), Nguyễn Ngọc Lâm (Thanh Hóa), Trần Phước Ninh (Quảng Nam)... đều là những người bạn, những người em tâm huyết với anh. Nhà thơ khuyết tật Nguyễn Thế Quy (TT Nam Phước-Duy Xuyên) bày tỏ: "Ngọc Sang là người anh thân thương nhất của  mình. Mình được như ngày hôm nay là nhờ anh. Dẫn mình vô Sài Gòn, ra Đà Nẵng để tổ chức chương trình cho mình, anh làm không biết mệt, đôi lúc mình có lỗi nhưng anh là người không  giận". Và tiếng thơ của Ngọc Sang luôn gắn liền với việc thiện nguyện. Nhiều người nói anh đi lại như gió, hôm nay còn ở Sài Gòn, mai đã ra Đà Nẵng, Hà Nội. Với chiếc xe máy, anh lặn lội khắp nơi để làm những chương trình ngâm thơ quyên góp tiền từ thiện và không có đêm thơ quyên góp từ thiện nào ở Sài Gòn anh từ chối tổ chức. Có lần, anh cùng đoàn văn nghệ sĩ lên tận xã Giang Điền (H. Trảng Bom, Đồng Nai) làm chương trình văn nghệ vận động gây quỹ từ thiện. Lội đường rừng núi, giữa chừng dép bị đứt, đành đi chân không, tới nơi, chân tứa máu mà vẫn lên sân khấu ngâm thơ. Có lần đi làm chương trình ở một vùng quê Long An để vận động xây cầu cho học sinh đi lại, chiếc xuồng bé tẹo chở đoàn người đi bị lật úp, Ngọc Sang rớt xuống sông ướt sũng, thế mà vừa tới nơi vẫn bước lên bục ngâm thơ, không nề hà trước ánh mắt ái ngại của mọi người.

 

 

 Ngọc Sang trong một chuyến đi thiện nguyện.

Anh suy nghĩ rằng mình không có tiền thì mình làm cầu nối cho những chương trình thiện nguyện. Và chuyện anh tổ chức chương trình có một không hai ở thời buổi hiện nay: tổ chức liveshow thơ vào trước Tết năm ngoái. Thường thì người ta làm liveshow nhạc chứ không ai làm liveshow thơ. Vậy mà, với việc ngâm những bài thơ của các nhà thơ tài danh như Thu Bồn, Nguyễn Bính... đêm thơ thành công đến không ngờ. Số tiền thu được đến gấp 3 lần kinh phí bỏ ra. Và anh dồn hết tất cả tiền vốn lẫn... lãi từ đêm thơ "rải" đều cho các chương trình từ thiện từ Nam tới Bắc. Nhưng, nơi mà anh tâm huyết nhất vẫn là quê hương Quảng Nam của mình. Mỗi lần trở về quê hương (như cơm bữa) là anh lại rủ những bạn bè đi tìm những hoàn cảnh khó khăn, rồi tổ chức chương trình thơ-nhạc vận động gây quỹ từ thiện, vận động những nhà hảo tâm đóng góp. Có người nói anh "đi đâu cũng ngâm", "cái gì cũng ngâm", là "sến", thế nhưng, như lời anh: "Tôi quan niệm ngâm thơ là để giúp ích được điều gì đó cho đời chứ không hẳn cho thơ. Tôi chỉ khao khát được sống đúng với cái tâm thật của mình, tôi muốn mình sống một cách có ích".

Mai Thành Dũng