"Nghệ thuật" giáo dục học sinh cá biệt

Thứ tư, 29/10/2014 11:56

(Cadn.com.vn) - Khi nói về kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, giáo viên thường kể về những học sinh cá biệt, bởi đối tượng này khiến giáo viên trăn trở nhiều nhất, tốn nhiều công sức và không ít người thất bại, chán nản, mất lửa yêu nghề; Dạy học sinh thành người bình thường, có ích đã là một thành công, thì việc cảm hóa, giáo dục học sinh cá biệt thành người bình thường, có ích là một thành công gấp bội!

Với học sinh cá biệt, thông thường, giáo viên thường áp dụng các biện pháp giáo dục mang tính chất mệnh lệnh như: viết bản kiểm điểm, chép phạt, phạt lao động, mời phụ huynh, nêu tên cảnh cáo dưới cờ, hạ hạnh kiểm...Thật ra phương pháp này khó đem lại hiệu quả, thậm chí các em còn "lờn thuốc" và có tư tưởng "mặc kệ nó".

Thực tế cho thấy, những học sinh cá biệt phần lớn đều bị thu phục bởi cái tâm cái tình của người thầy. Khi học sinh vi phạm, giáo viên phải tìm hiểu lý do qua nhiều kênh như trò chuyện chân tình với học sinh, tìm hiểu qua bạn bè,  hàng xóm, đặc biệt là với cha mẹ học sinh. Việc tìm hiểu, gần gũi, quan tâm học sinh phải thật sự xuất phát từ tình yêu thương của người thầy. Khi học sinh biết được tình cảm đó thì việc cảm hóa, giáo dục các em cũng dễ dàng hơn nhiều.

Như cái cách mà cô Nguyễn Thị Anh Lý, giáo viên Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cứu học trò của mình khỏi căn bệnh mê game thật đáng nể. Sau khi tìm hiểu biết học trò mê game, tâm tình, khuyên bảo mãi không được cô quyết... luyện game và thách đấu với học trò kèm điều kiện "cô thắng thì trò bỏ chơi game và chăm chỉ học hành". Kết quả cô đã thắng cuộc trong sự thán phục của học trò. Giữ lời hứa, cậu học trò bỏ game, chăm chỉ học hành, thi đỗ đại học và hiện là người có vị trí trong xã hội.

Cảm hóa học sinh cá biệt là nghệ thuật của giáo viên (ảnh minh họa).

Còn thầy Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cảm hóa học sinh cá biệt bằng cách khen học trò trước cờ. Thường thì học sinh cá biệt hay bị phê bình trước lớp, thậm chí phê bình trước cờ để các em xấu hổ mà không dám tái phạm, đồng thời để răn đe những học sinh khác sợ mà không dám vi phạm, chứ hiếm khi có chuyện học sinh cá biệt được khen, đặc biệt là khen dưới cờ trước học sinh toàn trường. Nhưng thầy Tánh lại làm cái việc hiếm gặp đó.

Thầy Tánh cho biết, năm học 2011 -2012, em P.T.N. được GVCN dùng nhiều biện pháp giáo dục như: Viết bản kiểm điểm, phê bình trước lớp, mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm, phạt lao động, thậm chí cả đưa hội đồng kỷ luật và nhận hình phạt đuổi học một tuần, cảnh cáo phê bình trước cờ... vậy mà em N. vẫn "hứa thật nhiều rồi thất hứa thật nhiều".

Nhưng có lần N. làm một việc tốt là trả lại chiếc điện thoại nhặt được của một học sinh khối sáng để quên trong hộc bàn. Biết chuyện, thầy Tánh đã có thư khen em N. trong buổi chào cờ đầu tuần. Bất ngờ được khen trước trường khiến em N. xúc động rơi nước mắt. Từ đó về sau N. đã có chuyển biến tích cực, cuối năm học em N. còn được khen một lần nữa. Lần này là khen thưởng em N. đạt danh hiệu học sinh tiên tiến - "một bước ngoặt trong sự nghiệp học hành" như lời thừa nhận của em N. và bạn bè.

Chia sẻ về cách làm của mình, thầy Tánh cho biết: "Đã là con người ai cũng có tâm lý mong muốn người khác nhìn nhận điểm tốt, điểm tích cực của mình và khi được người khác thừa nhận khả năng của mình thì sẽ có tâm lý tự tin, dễ sống hòa đồng thân thiện với tập thể. Còn nếu bị người khác đem điểm yếu của mình ra phê bình nhiều lần sẽ gây tâm lý chán nản, buông xuôi, riết rồi sẽ tin là mình không có khả năng. Do đó, giáo viên phải biết điểm mạnh của học sinh yếu và có khen thưởng, động viên, khích lệ giúp các em tự tin hơn về bản thân, cũng như cho học sinh khác cơ hội nhìn thấy điểm tốt của bạn để không xa lánh bạn và có cái nhìn thiện cảm về bạn".

Theo thầy Tánh, khen học trò là cả một nghệ thuật, nếu biết khen đúng người, đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ rất hiệu quả. Đôi khi một hành động nhỏ xuất phát từ cái tâm người thầy cũng đủ làm thay đổi số phận một con người. Tóm lại, với học sinh cá biệt giáo viên cần gần gũi, yêu thương để hiểu các em hơn.

Thực tế cho thấy có rất nhiều thầy cô giáo bằng nhân cách và trách nhiệm của mình, bằng tình yêu thương và bằng những phương pháp sư phạm đặc thù, đã cảm hóa được học sinh cá biệt thành những con người bình thường, có ích. "Làm nghề giáo, việc đạt được các danh hiệu như "giáo viên dạy giỏi", "Chiến sĩ thi đua", bồi dưỡng học sinh giỏi thi đạt huy chương....có lẽ còn dễ hơn cả việc cảm hóa, giáo dục thành công một học sinh cá biệt.

Bởi lẽ, để đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua chỉ cần có sáng kiến kinh nghiệm và đầu tư công phu 2 tiết dạy; để bồi dưỡng học sinh giỏi thi có huy chương chỉ cần lựa chọn được "gà" tốt và chăm chỉ "luyện công". Còn cảm hóa, giáo dục học sinh cá biệt là thử thách vô cùng khó khăn, muốn thành công người thầy giỏi chuyên môn là chưa đủ mà nó còn đòi hỏi người thầy phải có cái tâm thương yêu học trò hết mực, và cả một nghệ thuật sư phạm đầy tinh tế!", tâm sự của một giáo viên nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua.

Phạm Được