Nghi án Mỹ đứng sau ISIS
(Cadn.com.vn) - Việc Iran bất ngờ cáo buộc các hành động tấn công của Tổ chức Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) tại Iraq trong thời gian qua là âm mưu của Mỹ khiến cuộc khủng hoảng càng thêm rối ren.
ISIS hiện kiểm soát hơn 1/3 lãnh thổ Iraq trong đó có thành phố Mosul quan trọng. Ảnh: Time |
(Cadn.com.vn) - Những cáo buộc như thế này của Iran nhằm vào Mỹ là không có gì mới. Nhưng động thái mới nhất của Tehran có thể phản tác dụng, kéo cuộc khủng hoảng ở Iraq vào vũng lầy mới.
Mọi việc bùng nổ khi báo Tehran Times tiếng Anh của Iran gần đây có bài viết cho rằng, việc ISIS ồ ạt tấn công Iraq hồi tháng 6 đến nay, là một phần trong âm mưu được Mỹ hậu thuẫn để gây mất ổn định khu vực và bảo vệ Israel. Câu chuyện này thật sự gây chấn động khi có dẫn thêm cuộc phỏng vấn cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, tiết lộ những trang mật trong chính sách tình báo của Nhà Trắng.
Theo bài báo, chính Snowden mô tả, đây là một phần trong kế hoạch đa phương của Mỹ, Anh và Israel. Mục đích là “tạo ra một tổ chức khủng bố có khả năng tập trung tất cả các chiến binh cực đoan trên toàn thế giới”. Kế hoạch này, có tên mật mã “Beehive” (tổ ong), nhằm bảo vệ Israel khỏi các mối đe dọa an ninh bằng cách chuyển sự chú ý đến kẻ thù trong khu vực mới được sản xuất: ISIS.
Theo giới phân tích, hiện chưa có bất kỳ bằng chứng rõ ràng cho những cáo buộc này song các quan chức chính phủ Iran và các nhà phân tích độc lập nước này thường xuyên trích dẫn báo cáo IRNA như là bằng chứng cuối cùng về nguồn gốc ISIS là từ Mỹ và Israel. Đối với Iran, đây là ví dụ mới nhất về âm mưu phương Tây chống Iran, đặt ra mối đe dọa tiềm tàng gây bất ổn khu vực biên giới của họ. ISIS đặt ra những thách thức mà chính phủ Tổng thống Hassan Rouhani vẫn đang đấu tranh để hiểu và trả lời.
Tiền thân là một nhánh của Al-Qaeda liên kết ở Iraq, ISIS đứng sau hàng ngàn vụ giết hại người Shiite trong các cuộc tấn công khủng bố kể từ khi hình thành năm 2003. Thành công hiện tại của nhóm ở Iraq, theo ước tính hiện nay là kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq, bao gồm cả thành phố Mosul quan trọng nhưng là điểm yếu của chính phủ Thủ tướng Nouri al-Maliki, một người Shiite xa lánh người Sunni thiểu số ở Iraq.
Khi các nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, chủ nghĩa Shiite của Thủ tướng Maliki có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ISIS tập hợp hỗ trợ của người Sunni, và đề nghị ông từ chức, Tehran thấy đây là mối đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Hiện, lãnh đạo ISIS Abu Bakr al-Baghdadi tự tuyên bố là tiểu vương của quốc gia Hồi giáo (Caliphate) bắc qua biên giới Syria-Iraq. Ông cũng tiếp tục mở các cuộc tấn công nhắm vào nhóm thành viên của giáo phái Shiite.
Hôm 20-7, ISIS nhận trách nhiệm tiến hành 4 vụ đánh bom trước đó vài giờ ở thủ đô Baghdad làm ít nhất 27 người chết. Trong tuyên bố đăng tải trực tuyến, ISIS khẳng định, 2 trong số các vụ tấn công đó do các phần tử đánh bom liều chết gồm Abu al-Qaaqaa al-Almani và Abu Abdul-Rahman al-Shami đảm nhận, những cái tên này cho thấy họ lần lượt là người Đức và Syria. Nhóm này còn nhận trách nhiệm hai vụ tấn công khác được thực hiện bằng các xe bom, nhắm mục tiêu lực lượng an ninh Iraq cũng như những người tình nguyện Hồi giáo dòng Shiite.
Tình thế ngày càng khốc liệt này có thể khiến chính phủ Iran hậu thuẫn ở Baghdad sụp đổ, buộc Tehran phải điều quân sang tham chiến và làm dấy lên một cuộc xung đột lớn trong khu vực. Cho đến nay Iran vẫn tuyên bố không trực tiếp tham gia vào Iraq, nhưng chắc chắn quốc gia Hồi giáo đã chuẩn bị sẵn sàng làm như vậy nếu cần thiết.
Khả Anh