Nghị lực kết trái

Thứ hai, 10/10/2016 09:27

(Cadn.com.vn) - Sinh ra không lành lặn như bao người khác nhưng họ có nghị lực phi thường để bước qua nghịch cảnh cuộc đời, thực hiện ước mơ, khát vọng sống. Họ là những nạn nhân chất độc da cam, những người khuyết tật vừa tốt nghiệp Trường CĐ Công nghệ thông tin - ĐH Đà Nẵng.   

"Hiệp sĩ" tí hon

Những nạn nhân chất độc da cam phải sống giữa tột cùng nỗi đau, sự bất hạnh, có người gục ngã nhưng có người đã mạnh mẽ đứng dậy, vững vàng bước đi giữa thế giới đặc biệt ấy bằng chính nghị lực và niềm tin sâu sắc.

Trần Văn Toản - sống hết mình để không nhận lòng thương hại.

Út Lan sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Gia đình có 5 anh chị em, Út Lan là em út. Trong 5 anh chị em, Út Lan thiệt thòi hơn vì chỉ có em là bị di chứng chất độc da cam, thân hình nhỏ xíu, bệnh tật liên miên. Nhưng sự thiệt thòi ấy dường như không một chút hiển hiện trên gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười của Út Lan.

Từ nhỏ, Út Lan đã thể hiện được nếp sống tự lập, ý chí vươn lên trong học tập. Suốt 3 năm học cấp 3 ở Trường THPT Ông Ích Khiêm (cách nhà khá xa), em đều tự mình ngày ngày đón xe buýt tới trường. Út Lan cho biết, từ khi đang học cấp 2, em đã có ước muốn trở thành một "hiệp sĩ" về công nghệ thông tin. Bởi vậy, mục tiêu suốt 3 năm học cấp 3 là nỗ lực học tập để thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin. "Nhiều người bảo em nên học hết cấp 3 rồi xin đi làm việc gì đó, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng em có ước mơ được vào đại học, được mở mang tri thức, học có cái nghề tự lo cho tương lai của mình", Út Lan chia sẻ.

Sự nỗ lực như được đền đáp, kết thúc khóa học, Hồ Thị Út Lan đã hoàn thành chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ thông tin với thành tích học tập đạt loại khá. Niềm vui của em như được nhân lên khi vừa ra trường đã có đơn vị gửi giấy mời đến phỏng vấn tuyển dụng vào làm việc. 

Hồ Thị Út Lan (đứng thấp hàng trước) không ngừng nỗ lực học tập
để thực hiện ước mơ của mình. 

Vượt qua nghiệt ngã

Có phần giống với hoàn cảnh Út Lan, sinh viên Trần Văn Toản (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng có một tuổi thơ đầy cơ cực. Mặc dù bị bệnh tật hành hạ và cơ thể không được lành lặn nhưng đổi lại Toản hết sức sáng dạ. Toản tâm sự: "Số phận, cuộc đời mình kém may mắn hơn so với nhiều bạn bè trang lứa, nhưng em cảm thấy rất bình thường và mọi việc em làm cũng rất bình thường không có gì là đặc biệt. Với em, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất là được đến trường học tập và tiếp tục được theo học ở những bậc học cao hơn".

Niềm tin vào cuộc sống mà Toản có được là nhờ có tình thương yêu của một người cha tần tảo, hết lòng chăm lo con cái. Cuộc sống gia đình nghèo khó, càng khiến bố mẹ Toản thêm phần lam lũ, ngày đêm nhọc nhằn với bộn bề công việc đồng áng… Điều đó như càng thôi thúc Toản luôn nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện tính tự lập cho bản thân từ nhỏ. Chính vì vậy, Toản luôn thể hiện tính cách mạnh mẽ, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Phương châm sống của Toản là "nghĩ và làm" và "làm nhiều hơn nói". Bao giờ cũng vậy, ở trường hay ở nhà, Toản luôn thể hiện tính tự lập, tự chủ. Cơ thể không bình thường nhưng Toản luôn có lập trường "sống không dựa dẫm vào người khác và sống không để nhận sự thương hại".

Nghị lực vượt khó học tập của Toản được đền đáp khi em vừa đón nhận tấm bằng tốt nghiệp. Toản cũng được một công ty trên địa bàn mời đến phỏng vấn tuyển dụng vào làm nhân viên văn phòng phụ trách mảng Công nghệ thông tin. "Với những người có số phận không may mắn như em, cuộc đời không dành cho nhiều cơ hội. Nên một khi cơ hội đến thì em sẽ thực hiện nó bằng cả trái tim và nghị lực", Toản nói.

Nguyễn Thành Công - chàng trai có nghị lực thép. 

Chàng trai nghị lực thép

Sinh ra vẫn như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng bỗng một ngày, thân hình Nguyễn Thành Công (P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) ngày càng teo lại. Thế nhưng, cậu bé ấy đã vượt lên mọi mặc cảm, phấn đấu nỗ lực đến với giảng đường để thực hiện ước mơ trở thành một "hiệp sĩ" Công nghệ thông tin.

Ngay từ nhỏ, Công  luôn cố gắng làm mọi việc bằng chính nghị lực của mình. Ngoài quyết tâm học thật giỏi, Công không nề hà bất cứ việc gì để giúp đỡ ba mẹ. Dẫu cơ thể khiếm khuyết, nhưng Công luôn nghĩ rằng mình cũng giống bao người bình thường khác. Ai làm được những gì thì bản thân Công cũng làm được. Làm việc gì có khó khăn, vất vả thì bản thân càng nỗ lực, quyết tâm hơn. Thấy sự quyết tâm của Công, mọi người trong gia đình luôn sát cánh động viên. Lòng yêu thương, sự ân cần chăm sóc của ba mẹ, bạn bè, người thân đã tiếp thêm niềm tin cho Công không ngừng vươn lên trong học tập.

Công tâm sự, từ những năm học cấp 2, em đã có ước mơ trở thành một "hiệp sĩ" công nghệ thông tin. Bởi vậy, em luôn thầm hứa với bản thân là thực hiện bằng được ước muốn đó. Và ngày nhận tin báo đỗ vào ngành Công nghệ thông tin Trường CĐ Công nghệ thông tin - ĐH Đà Nẵng là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời em. Bởi điều đó không chỉ là sự nỗ lực của riêng bản thân Công mà còn là công sức, niềm vui, hy vọng của ba mẹ, người thân và những người bạn đã luôn động viên, an ủi em.

Chia sẻ về những dự định tương lai sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, Nguyễn Thành Công bày tỏ: "Con đường phía trước còn nhiều khó khăn nhưng em sẽ tìm cho mình một công việc ổn định phù hợp với chuyên ngành đã học. Trước mắt, em vẫn phải tiếp tục học nâng cao trình độ tiếng Anh và những kiến thức chuyên ngành chuyên sâu về Công nghệ thông tin".

Trong ngày lễ trao bằng tốt nghiệp khóa đào tạo 2013 - 2016 của Trường CĐ Công nghệ thông tin, niềm vui của thầy cô, bạn bè, người thân gia đình như vỡ òa khi cả những sinh viên khuyết tật và chất độc da cam đón nhận tấm bằng loại khá, tấm vé để các em tiếp tục mở cánh cửa trong hành trình lập thân, lập nghiệp của mình.

Bình Nam