Nghị lực phi thường của nghệ nhân tật nguyền

Thứ năm, 18/02/2016 10:31

(Cadn.com.vn) - Số phận không mỉm cười với Lê Tiến Vỹ (39 tuổi) thôn Thi Phương, xã Điện Phong (TX Điện Bàn, Quảng Nam ) khi không may bị tàn tật từ nhỏ. Nhưng bằng chính nghị lực phi thường, Vỹ đã vươn lên hòa nhập với cộng đồng và trở thành ông chủ điêu khắc có tiếng. Đặc biệt, cơ sở điêu khắc của Vỹ còn là nơi thu nhận, cảm hóa và dạy nghề miễn phí cho hàng trăm thanh, thiếu niên hư hỏng tại địa phương.

Đến thăm cơ sở điêu khắc Lạc Việt (thành lập năm 2008), ngay từ đầu ngõ đã nghe tiếng đục đẽo vọng ra. Vỹ cho biết: "Những người thợ ở đây đều là do mình nhận về dạy nghề rồi ở lại làm cho mình luôn. Tất cả đều là thanh niên trong làng, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có nhiều em mồ côi cha mẹ. Mình xem các em như những đứa em ruột của mình". Vỹ cho biết, anh sinh ra trong một gia đình nghèo, lúc lên 4 tuổi cơn sốt bại liệt quái ác khiến đôi chân không đi lại được. Mặc dù nghèo khó, gia đình vẫn cố gắng chạy chữa khắp nơi, bán hết đồ đạc trong nhà nhưng bệnh vẫn không khỏi. Học hết cấp 2 trường  làng Vỹ đành gác lại ước mơ học tập của mình. "Hồi đó, để đến trường mình phải đi hơn 10 cây số, lại di chuyển lê lết trên đôi nạng gỗ, đường đồi núi chông chênh, nhiều lúc té xỉu, mình đành nghỉ học ở nhà phụ gia đình"-Vỹ tâm sự

Vỹ luôn tận tình chỉ dẫn cho những thanh niên mới theo học nghề.

Và rồi, như một cái duyên Vỹ đã đến với xưởng điêu khắc gỗ Âu Lạc ở thôn Cẩm Phú. Những âm thanh, nét chạm trổ khiến Vỹ mê mẩn và quyết định học nghề này. Qua bao lần thất bại, có lúc Vỹ muốn dừng lại nhưng ông chủ xưởng Âu Lạc đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ Vỹ trong những lúc khó khăn. Sau gần 2 năm học hỏi, rèn luyện Vỹ dần dần hoàn thiện tay nghề và có được thành quả như hôm nay. "Mình nghĩ cái duyên của mình đã gắn với nghề điêu khắc gỗ, đến bây giờ mình vẫn chưa hiểu vì sao những phiến gỗ này lại thay đổi cuộc đời mình đến thế. Mình vẫn nhớ như in những khó khăn lúc mới bắt đầu học, người bình thường đã khó, tàn tật như mình còn gian nan hơn. Để học được việc là nhờ ơn của bố khi ngày nào ông cũng đạp xe hơn 5 cây số chở mình đến cơ sở", Vỹ bộc bạch.

Năm 2008, ở Hội An tổ chức triển lãm điêu khắc gỗ, được gia đình ủng hộ Vỹ tham gia triển lãm, và dịp may đã đến khi anh được một công ty ở Hà Nội đặt mua với giá 80 triệu đồng. Có được số tiền lớn Vỹ quyết định thành lập cho mình một cơ sở để sản xuất riêng. Sau khi có được thành công từ những nỗ lực phi thường, Vỹ bắt đầu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Hiện tại cơ sở của anh có 30 nhân công gồm thợ và học viên. Đa phần những thanh, thiếu niên ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, một số khác bỏ học giữa chừng, nghiện game, tuổi trẻ bồng bột ham chơi. Tất cả đều được Vỹ đến nhà thuyết phục bố mẹ để nhận về cơ sở, tự tay dạy nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho họ. "Mình đã đi qua những khó khăn nhiều rồi nên rất hiểu rõ các em cần gì, mình thường động viên, khích lệ các em theo nghề, chỉ bảo tận tình những cái mà các em chưa biết, mình nghĩ việc giúp đỡ các em là việc không có gì đáng kể", Vỹ tâm sự chân thành.

Cơ sở sản xuất của Vỹ tạo công ăn việc làm cho những thanh niên từng có quá khứ hư hỏng
tại địa phương.

Hiện nay, các sản phẩm điêu khắc của xưởng rất đa dạng, sản phẩm có giá thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất lên đến 80-90 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng hết sức đa dạng ở trong và ngoài nước. Thành công này giúp Vỹ có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Những nỗ lực của Vỹ đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng có giá trị như: Giải nhì với tác phẩm Bình phố Hội tại Hội thi sản phẩm lưu niệm TP Hội An lần thứ 3 năm 2013; Giải nhất Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2015 với tác phẩm Quê hương tuổi thơ tôi và Giải nhì với tác phẩm Chân dung mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.

Sắp tới, Vỹ sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, tuyển thêm 20 học viên mới về dạy nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Vỹ cho biết niềm vui lớn nhất của anh là nhìn thấy sự trưởng thành của các thanh, thiếu niên, các em có thể trở thành những công dân có ích và có nghề nghiệp ổn định.

Phi Nông-Ngọc Quý